28 thg 2, 2020

Rực rỡ sắc màu thổ cẩm Mỹ Nghiệp

Trong những câu chuyện kể của đồng bào Chăm, làng Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận), trong tiếng Chăm là Ca Klaing là một trong những làng nghề dệt đầu tiên của kinh đô Panduranga - Vương quốc Chăm Pa xưa và được xem là một trong những làng nghề cổ nhất Đông Nam Á còn giữ gìn di sản này tới ngày hôm nay.

Cái nôi nghề dệt của người Chăm
Trải qua nhiều thế kỷ với bao biến thiên của thời cuộc, nhưng ở làng Mỹ Nghiệp, khung cảnh và những công việc của những người phụ nữ cần mẫn dệt vải hầu như chẳng có gì thay đổi. Theo thống kê, có khoảng hơn 90% hộ dân làng Mỹ Nghiệp vẫn giữ nghề dệt để phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc mở rộng sản xuất hàng hóa, kinh doanh. Khác chăng, thay vì sản xuất trong từng gia đình, đến nay, nhiều bà con đã tập hợp nhau về Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, có một gian nhà rộng rãi thoáng mát để sản xuất, trưng bày và giới thiệu cho du khách.

Để hoàn thiện một tấm vải phải mất nhiều công sức. 

Nhà trưng bày sản phẩm và trình diễn nghề dệt đặt tại trung tâm của làng Mỹ Nghiệp là nơi quần tụ bà con về cùng sản xuất, trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề lúc nào cũng đông vui, tấp nập. Dẫn những người khách đi tham quan, ông Hàm Minh Thiệu, chủ nhiệm HTX dịch vụ, sản xuất, kinh doanh Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp tự hào chia sẻ, HTX được thành lập ngày 31/12/2010, với 25 xã viên tham gia đến nay đã kết nạp 113 thành viên, đều là các hộ gia đình trong thôn tự nguyện gia nhập, cùng hỗ trợ, bảo ban nhau làm ăn, phát triển nghề.

Tại Mỹ Nghiệp, sự hiện hữu của máy móc hiện đại chỉ tham gia vào những khâu đơn giản để giải phóng sức lao động của con người, chứ không lấn át đi sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong bàn tay, khối óc của những nghệ nhân. Ở đây vẫn còn những chiếc hoa đồng có dáng tựa bầu rượu rỗng dốc ngược đã được giữ gìn từ nhiều đời vẫn được treo hai bên khung dệt để người thợ đánh go tạo hoa văn. Nhà nào cũng có một khung dài có sử dụng hoa đồng để dệt những vải dài, còn với khung dệt ngắn dệt trang phục, khăn thì người thợ đánh go bằng những thanh tre. Có lẽ vì làm thủ công nên người Mỹ Nghiệp giữ được gần như nguyên vẹn từng công đoạn, bí quyết… mà người xưa để lại. 

Các khâu chính dệt vải vẫn làm thủ công . 

Điều đặc biệt, truyền thống của người Chăm theo chế độ mẫu hệ, nên nghề dệt này cũng được giữ gìn theo cách riêng – “mẹ truyền con nối”. Những người phụ nữ đảm nhiệm những khâu quan trọng nhất của nghề, có được “đặc quyền” dệt những tấm vải dùng vào những nghi lễ thiêng liêng, trang trọng nhất của cộng đồng và trao truyền tri thức cho con cái. Ở làng Mỹ Nghiệp hiện có khoảng 500 nghệ nhân làng nghề, trong đó hầu hết là phụ nữ. Chính những người phụ nữ như nghệ nhân Thuận Thị Trụ, Phú Thị Mỡ, Hán Thị Chiền, Bá Thị Chiên Từ… đã góp công sức để bảo tồn và khôi phục được những tư liệu chỉ còn trong ký ức.

Hội nhập với thị trường
Tại Nhà trưng bày sản phẩm và trình diễn nghề dệt làng Mỹ Nghiệp, ngoài gian nhà sản xuất, Ban quản lý HTX dành một không gian để giới thiệu làng nghề và bày bán sản phẩm. Điều đặc biệt, rất nhiều giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen được đặt trang trọng như một niềm tự hào của quê hương, như Giải thưởng tại Liên hoan Văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất năm 2018 tại Đắk Nông, Giấy khen của Sở VHTTDL vì đã có nhiều đóng góp trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch của địa phương.

Bà con trong thôn tập trung về Nhà trưng bày sản xuất . 

Du khách đến làng Mỹ Nghiệp, những nghệ nhân vừa miệt mài dệt vải, vừa có thể giới thiệu cho du khách về những hoa văn thổ cẩm truyền thống đã được lưu truyền trong mấy năm qua, đó là hoa văn quả trám (bingu tamun), hoa văn cách điệu hình rồng (bingu hăng), hoa văn chân chim (takay wa), hoa văn hột lúa nổ, hoa văn lá bồ đề… xuất hiện trong cuộc sống được cách điệu trong những trang phục. Bảo tồn nhưng vẫn hội nhập, đó là những mẫu đồ vật hiện đại, hữu dụng trong cuộc sống như thảm, khăn, túi… được bà con dệt để làm theo đơn đặt hàng hoặc bày bán cho khách du lịch. Dù sản xuất hàng hóa nhưng chỉ cần chạm tay vào chất liệu, nhìn hoa văn, khách hàng vẫn thấy dấu ấn riêng độc nhất, vô nhị do bàn tay, khối óc của nghệ nhân làm nên.

Theo ông Hàm Minh Thiệu, điều đáng trân trọng nhất là các sản phẩm làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã sống được trong chính cộng đồng của mình, rồi “hữu xạ tự nhiên hương”, danh tiếng của làng nghề cứ thế vươn xa, khẳng định được chỗ đứng trong xã hội. Ông cho biết, thị trường chính của các sản phẩm dệt Mỹ Nghiệp vẫn do cộng đồng người Chăm ở các địa phương, sản xuất là các sản phẩm vải may váy áo mặc trong dịp lễ tết, cưới hỏi, ma chay. Sau đó phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người dân trong vùng, bán tại các cửa hàng, trung tâm du lịch. HTX hay nhiều hộ gia đình sản xuất lớn cũng đã tìm hướng xuất khẩu ra các thị trường chuộng đồ thủ công truyền thống tại châu Âu, châu Mỹ, Đông Bắc Á.

Bảo Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét