10 thg 11, 2019

Người Thái Nghệ An tổ chức nghi lễ "lạ" dưới gốc cây cổ thụ

Cứ mỗi tháng 9 âm lịch, người Thái ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu lại diễn ra một lễ hội gọi là “pủ xừa”. Không gian của lễ hội là một gốc cổ thụ lớn trong bản. Vào ngày hội, mỗi gia đình trong cộng đồng đều biện cỗ đến cúng thần linh. 

Lễ cúng dưới gốc cây cổ thụ

Mỗi năm, ở bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến diễn ra 2 lễ hội lớn. Hội Hang Bua vào cuối tháng Giêng âm lịch được tổ chức lại từ hơn 20 năm nay và khá nổi tiếng đối với du khách gần xa. Có một lễ hội nữa diễn ra vào tháng 9 âm lịch mà cư dân nơi đây cũng như nhiều làng bản khác gọi là “pủ xừa”.

Trước khi đến với lễ hội, chúng tôi đã được ông Sầm Thanh Hoài - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến thông tin rằng: “Pủ xừa” là lễ hội thường niên của cộng đồng người Thái xã này. Tuy nhiên, vì ít được quảng bá nên không có nhiều người biết đến”. 

Người dân bản Hồng Tiến 2 chuẩn bị mâm cúng để đi ra khu vực tổ chức lễ pủ xừa. Ảnh: Hữu Vi 

Từ sáng tinh mơ, chúng tôi đã có mặt tại bản Hồng Tiến 2. Không cờ quạt, loa đài như những lễ hội lớn. Từ sớm tinh mơ, trong những ngôi nhà sàn ven lối lên đền Mường Chiêng Ngam, nhà nhà đang lặng lẽ chuẩn bị mâm cỗ.

Trong một gian bếp như thế, một người phụ nữ tên là Vinh đang bày những gói “mọc” lên chiếc mâm nhôm. Một con gà đã luộc chín từ đêm trước được bày ra chiếc đĩa cổ, loại chỉ chuyên dùng bày gà cúng. Xong đâu đấy, bà bỏ tất cả lễ vật vào chiếc gùi. Bà Vinh không quên mang theo một chiếc chiếu, một chiếc mâm xách trên tay. Chuẩn bị xong xuôi, bà Vinh cất bước xuống cầu thang, nhằm hướng ngôi đền đi tới. Ngoài đường cũng đã lác đác xuất hiện người đi lễ. Ai nấy đều mang theo xôi, gà và đặc biệt là những gói “mọc”.

Lễ "pủ xừa" tổ chức dưới gốc cây thị cổ thụ. Ảnh: Hữu Vi 

Lễ hội không diễn ra ở trong đền như chúng tôi đã tưởng. Trong Lễ hội Hang Bua vào mùa Xuân, cúng đền là một nghi lễ quan trọng. Tuy nhiên, lễ “pủ xừa” lại diễn ra ở gốc cây thị trước cửa đền một quãng. Cây thị dễ chừng đã đến trăm năm tuổi tỏa bóng rợp cả một không gian rộng rãi.

Trước kia, đền Mường Chiêng Ngam từng được xây dựng dưới gốc cây này. Dựng đền thờ thần linh dưới gốc cổ thụ là một đặc điểm đáng chú ý và khá phổ biến trong quan niệm tâm linh của cộng đồng người Thái và Khơ mú ở miền núi Nghệ An.

Cầu mong mùa màng bội thu
Không khí của buổi lễ khá trang nghiêm. Dù đến trước hay đến sau, ai nấy đều lặng lẽ tìm cho mình một chỗ cạnh gốc cây rồi trải chiếu bày mâm lễ. 8 giờ sáng, khi hơn trăm hộ dân ở bản Hồng Tiến 2 đã đến đông đủ, ông Lữ Văn Dũng - thầy mo của bản bắt đầu lễ cúng. Ngoài những mâm cúng của từng hộ gia đình còn có mâm chính của cả bản, bày một con lợn, xôi, gà và 1 vò rượu cần. 

Các gia đình dự lễ "pủ xừa" đều chuẩn bị mâm cúng riêng. Ảnh: Hữu Vi 

Lễ cúng diễn ra khá nhanh gọn. Thầy mo mời các “pủ”, tức là những người xưa đã khuất nay trở thành thần cai quản bản mường về hưởng lộc, để rồi phù hộ cho người dân được ấm no, vụ mùa bội thu.

Ông Lữ Văn Dũng giải thích: Xưa kia, khi người dân trong vùng còn làm rẫy thì lễ hội này có ý nghĩa cầu mong mùa màng bội thu. Đến nay thì ý nghĩa của lễ hội cũng thay đổi, đó là dịp người dân bày tỏ tri ân với thần linh đã phù hộ cho mọi người được mạnh khỏe. Những người thuộc thế hệ sau không còn mấy ai biết được ý nghĩa gốc của nghi lễ này nữa.

Vào ngày 12 tháng 9 âm lịch, khắp các bản có người Thái sinh sống ở xã Châu Tiến đều tổ chức lễ “pủ xừa”. Nghi lễ tổ chức đều giống nhau. Tuy nhiên, theo ông Lữ Văn Chính ở bản Hoa Tiến 1 thì trước kia có một thời gian dài, nghi lễ này không được tổ chức. Khoảng gần 10 năm trở lại đây, được sự cho phép của chính quyền địa phương, người dân mới tổ chức trở lại.

“Vì có nhiều năm không tổ chức nên khi làm lại, nghi lễ cũng có phần nhạt đi” - người từng chứng kiến lễ “pủ xừa” từ những năm 1970 nhận xét.

Qua tìm hiểu những nghi lễ tâm linh từ nhiều địa phương khác nhau ở miền núi Nghệ An thì nhận thấy rằng, lễ “pủ xừa” thuộc một trong hàng chuỗi các lễ hội diễn ra vào mùa thu hoạch lúa nương, kéo dài từ tháng 8 âm lịch cho đến cuối năm. Trong số này có các lễ như “ki mọc” (Quỳ Hợp), “bươn xao” (Tân Kỳ, Con Cuông), “khàu cắm”, “cắm phạ” (Quỳ Châu, Quế Phong) và lễ mừng lúa mới của cộng đồng các dân tộc thiểu số như Thái, Khơ mú, Mông. Tất cả những lễ hội chung này đều có mục đích cầu mùa và tri ân thần linh đã mang lại vụ mùa bội thu cho cư dân.

Hữu Vi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét