14 thg 11, 2019

Địa danh cầu Bon

Ngày xưa, khi chính quyền thực dân Pháp tại tỉnh lỵ Sóc Trăng chưa cho đào kênh Maspéro thì trên địa bàn làng Khánh Hưng (nay là TP. Sóc Trăng) chỉ có con kênh duy nhất mang tên Delanoue (tên của chủ tỉnh lúc bấy giờ). Con kênh này là nơi thoát nước thải chủ yếu của các cống lộ thiên dọc theo đường Hàng Me (nay là đường Hai Bà Trưng) để đưa ra sông lớn. Tên gọi cầu Bon là người dân địa phương nói trại theo tiếng Pháp (Pont - cầu).

Sóc Trăng xưa (1966 - 1968). Ảnh: TeeMack

Từ những năm 1900, kênh Delanoue hay còn gọi là kênh cầu Bon là nơi tập trung khá đông ghe, tàu chở hàng hóa lưu thông qua lại đoạn sông này. Đây là cây cầu chủ yếu nối liền khu vực hành chính (Dinh tỉnh trưởng, tòa án…) với khu thương mại (chợ làng Khánh Hưng) và khu dân cư (phía bên kia kênh Maspéro sau này).

Cầu Bon là mẫu cầu điển hình của người Pháp, được làm bằng sắt, với chiều ngang 6m, chiều dài trên 20m, chính giữa thân cầu là một nhịp rời dễ dàng quay kéo lên cao để cho các loại ghe lớn qua lại. Người pháp gọi đó là pontl levis (cầu kéo) để phân biệt với pont tournant (cầu quay). Đến những năm 1910, do mật độ dân cư ngày càng phát triển, hệ thống nước thải cùng với rác ngày càng nhiều nên tạo sự bồi lắng khá nhanh làm cho kênh Delanoue ngày càng cạn dần, ghe, tàu lưu thông gặp nhiều khó khăn, hệ thống thoát nước luôn trong tình trạng ứ đọng, gây ra tình trạng ô nhiễm trong các khu chợ, khu dân cư nội thành.

Trước thực trạng đó, năm 1910, viên tỉnh trưởng Sóc Trăng lúc bấy giờ là Maspéro cho đào con kênh nối liền Sóc Trăng với kênh Xáng (Phụng Hiệp) đặt tên là Maspéro và xây dựng cây cầu thứ hai tại tỉnh lỵ là cầu Quay (pont tournant). Sau khi cầu Quay hình thành, nhà cầm quyền lúc bấy giờ nhận thấy cây cầu kéo (pont levis) đã lỗi thời nên cho thay bằng cầu đúc bê tông để phù hợp hơn với mỹ quan khu đô thị.

Trên con kênh Delanoue này, vốn một thời là nơi lưu thông chủ yếu của giới thương hồ với vựa trái cây miệt vườn, tiệm chài lưới, chành lúa… và đó cũng là nơi tọa lạc ngôi nhà lầu đẹp nhất, bề thế nhất của Châu Thành, Sóc Trăng lúc bấy giờ, đó là ngôi nhà lầu của bà Phủ An (đại địa chủ Phủ hàm Lê Văn An).

Cây cầu Bon năm xưa nay đã không còn nữa, con kênh Delanoue cũng đã bị san lấp nhưng nó vẫn nằm lại trong ký ức của nhiều người con của quê hương Sóc Trăng.

Lê Trúc Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét