16 thg 11, 2019

Về xứ Vàm Tấn nhớ con cá cháy

Chạy xe gần 20 cây số từ trung tâm tỉnh lỵ về thị trấn Đại Ngãi (Long Phú), tìm đến cửa sông lớn ngay tại đầu vàm Đại Ngãi (Vàm Tấn xưa) trong cơn gió lộng rung nhánh bần rụng bông tím ngắt mặt sông mà lòng thấy mênh mang giữa bốn bề trời nước bao la để nhớ về một “quân cảng”, một trong những khu kinh tế sầm uất của tỉnh Sóc Trăng một thời và nhớ về nơi trú ngụ của một loài cá ngon nổi tiếng là “kỳ trân, thủy vật”, mà chỉ xứ này mới có nay đã không còn thấy - con cá cháy.

Theo Địa chí tỉnh Sóc Trăng, Vàm Tấn là tên gọi đầu tiên của làng Đại Ngãi xưa kia. Về nguồn gốc xuất hiện địa danh Vàm Tấn, có nhiều nguồn giải thích khá phức tạp. Theo truyền thuyết, vào khoảng trước những năm 1850, nơi đây được triều đình cho đặt một trạm quân cảng và trấn giữ về quân sự nhằm chống lại mọi sự xâm nhập của quân Xiêm cùng với đám hải tặc thường xuyên quậy phá, vừa làm nơi thu thuế của các tàu buôn nước ngoài đi vào địa phận. Thời đó, các tàu buôn từ các nước lân cận thường xuyên đến đây mua bán và trao đổi các sản vật của địa phương như bông vải, lúa gạo, cá khô, lông chim… và đều phải cập bến vào quân cảng để làm thủ tục khám xét, sau đó mới được phép đi sâu vào nội địa. Những tàu buôn nào có hành vi mờ ám, bị nghi ngờ là hải tặc đều bị xử phạt bằng hình thức tra tấn bằng roi. Từ việc thực hiện hình phạt này đã gây ra sự bất bình trong giới thương nhân nên họ gọi nơi đây là Vàm Tấn.

Vàm Tấn còn gọi là Vàm Ba (vàm của cửa sông Ba Xuyên). Năm 1867 trở về trước, Vàm Tấn được chọn làm nơi đặt làm phủ lỵ Ba Xuyên cho đến năm 1868 khi chính quyền thực dân thành lập khu thanh tra thì trụ sở phủ lỵ được chuyển về đặt tại làng Khánh Hưng (nay là trung tâm TP. Sóc Trăng). Nhưng Vàm Tấn vốn là địa bàn có tầm chiến lược về kinh tế, quân sự nên chính quyền thực dân tiếp tục lập đồn trấn thủ, xây dựng Phòng Bưu điện, Đồn Thương chính, Sở Nấu rượu… biến Vàm Tấn thành một trong những khu kinh tế sầm uất của tỉnh Sóc Trăng lúc bấy giờ. 

Một góc vàm Đại Ngãi ngày nay. Ảnh: DNT 

Ngày trước, ngay cửa sông Vàm Tấn là nơi sinh sống duy nhất của giống cá cháy - một loài cá nước ngọt có thịt rất ngon, được mệnh danh “kỳ trân, thủy vật”, thịt cá cháy rất đắt tiền nên chỉ dành riêng cho bậc quyền quý, tầng lớp thượng lưu. Cá cháy tuyệt chủng từ lâu nhưng danh tiếng của nó vẫn được người đời truyền tụng đến tận hôm nay. Bà Nguyễn Thị Út ngụ xã Phú Hữu (Long Phú) năm nay xấp xỉ bát tuần nhớ lại: “Cá cháy thịt ngon lắm nhưng chỉ những nhà giàu mới ăn được vì con cá này quý và bán mắc nhưng không biết sau này trôi nổi về đâu không còn nữa. Cách đây 50, 60 năm lúc tôi còn trẻ có được ăn một hai lần đến bây giờ vẫn nhớ”. Hiện nay, cũng ít ai biết và cũng không mấy khi được nghe, chỉ một vài người lớn tuổi còn nhớ trong ký ức. Lão nông Nguyễn Văn Sự ngụ ấp An Đức, thị trấn Đại Ngãi (Long Phú) đưa bàn tay vỗ trán nhớ lại: “Cách đây lâu lắm rồi, lúc đó, tôi khoảng hơn hai mươi, cũng đôi khi bắt được cá cháy ở khúc vàm vào những tháng gần tết lúc trời chưa sáng. Con cá này ăn thì ngon không thể diễn tả được nhưng lâu lắm rồi không còn thấy cá này nữa, thật là tiếc. Sau này, ít ai biết đến con cá này, họa may chỉ nghe những người lớn tuổi kể lại thôi”.

Về con cá cháy, theo bộ Đại Nam quốc âm tự vị của ông Huỳnh Tịnh Của (in năm 1895) thì cá cháy là thứ cá to vảy, nhiều xương, cái bụng đầy những trứng. Còn theo học giả Vương Hồng Sển (trong Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang Ba Thắc) thì trứng cá ấy ăn ít thì thấy ngon đến thèm khao khát nhưng nếu tham ăn quá nhiều thì nhớ đem tã theo mà lót, không thì sẽ làm xấu dọc đường vì trứng cá có nhiều chất dầu. Cá này đến mùa gần tết và khi có sa mù thì cá ở biển lên dòng Hậu Giang đẻ trứng sanh con, chỉ có trong mùa gần tết và chỉ có nhiều từ Vàm Tấn (Đại Ngãi) đến Trà Ôn (Vĩnh Long) và miệt Cái Côn, Cái Cau (Kế Sách) chớ không lên xa hơn nữa.

Cá cháy khi lên khỏi nước là chết ngay, chỉ ăn tại chỗ và cũng không có cách gọng chứa hay làm cách nào vận chuyển đi xa, trừ phi chế biến sẵn nhưng cũng ít ngon. Cho nên khi đó, con cá cháy bắt tại Vàm Tấn lúc trời vừa bình minh là đem ra chợ bán ngay. Riêng muốn bán được nhiều tiền thì đem ra chợ Sóc Trăng bán nhưng phải nhanh. Lúc xưa, đường sá còn khó khăn, cách chuyên chở cá cháy từ Vàm Tấn lưới được đem ra chợ Sóc Trăng bán thì chỉ có dùng thuyền nhẹ hai người chèo, chèo gấp đêm về cho kịp buổi chợ sáng, hoặc chạy cá bằng xe tờ, xe kiếng. Con cá cháy nước khuya từ Vàm Tấn chạy ra chợ Sóc Trăng bày bán lúc 5, 6 giờ sáng, thì có các tiểu thương bán cá từ chợ Bãi Xàu, chợ Bố Thảo mua sỉ lại chạy bằng xe kiếng về bán cho kịp buổi chợ trong quê cho các nhà giàu thưởng thức. Tuy vậy, tất cả phải nhường bước một người bán cá gốc người Triều Châu chuyên môn lựa cá buổi chợ sáng, rồi từ chợ Sóc Trăng gánh cá chạy bộ nhanh hơn xe kiếng đem cá cháy về bán chợ Bố Thảo, cá còn tươi, mọi người đều giành mua. Vì có tài chạy nhanh hơn ngựa nên anh bán cá được ông bá hộ kén làm rể chia ruộng cho canh tác, sau này trở nên cự phú nổi tiếng làng Thuận Hòa (Bố Thảo).

Ngày nay, thị trấn Đại Ngãi đang từng ngày thay da đổi thịt với các thành tựu đạt được trên các mặt của đời sống xã hội; đời sống người dân ngày càng nâng lên. Những người con Đại Ngãi hôm nay luôn tự hào về quê hương, xứ sở, tự hào về một trong những khu kinh tế sầm uất của tỉnh Sóc Trăng một thời và nhớ về nơi trú ngụ của một loài cá ngon nổi tiếng là “kỳ trân, thủy vật” mà chỉ xứ này mới có nay đã không còn.

DNT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét