20 thg 11, 2019

Giữ hương vị bánh ít quê

Ở thôn Quang Mỹ, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) hiện có gần 20 hộ dân trồng cây lá gai và làm bánh ít từ loại cây này. Mấy chục năm qua, hương vị bánh ít lá gai đã tạo nên thương hiệu đặc trưng của vùng quê này.

Gia đình bà Đỗ Thị Đi, ở khu dân cư Quang Minh, thôn Quang Mỹ, nổi tiếng làm bánh ít lá gai, với hơn 60 năm gắn bó với nghề. Hiện nay, hai người con trai của bà Đi nối nghiệp gia đình làm bánh ít. Anh Nguyễn Duy Ly, con trai bà Đi, chia sẻ: Tôi gắn bó với công việc làm bánh từ nhỏ và trở nên đam mê. Vì thế, khi cha mất, mẹ thì sức khỏe yếu, nên tôi thay bà gìn giữ nghề của gia đình. Tính đến nay, tôi đã nối nghiệp được hơn 20 năm".

Những chiếc bánh ít ở cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Duy Ly, thôn Quang Mỹ, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) được nhiều người ưa chuộng. 

Từ hộ gia đình bà Đi, nghề làm bánh ít lá gai được nhân rộng ra nhiều hộ gia đình ở thôn Quang Mỹ. Rồi khi nhu cầu lá gai để làm bánh tăng mạnh, những hộ dân lân cận bắt đầu trồng loại cây này, để cung ứng cho các hộ dân sản xuất bánh ít ở địa phương.

Bà Huỳnh Thị Ri, ở khu dân cư Quang Thị, cho hay: Nghề làm bánh truyền thống rất vất vả vì phải thức khuya, dậy sớm, đòi hỏi sự tỉ mỉ. Thế nhưng, nghề làm bánh truyền thống có sức hấp dẫn khiến những ai gắn bó với nghề khó mà từ bỏ".

Bánh ít ở thôn Quang Mỹ làm từ những chất liệu dân dã, mang đậm hương vị quê nhà với lá gai, đậu xanh, dừa, đậu phộng... Bánh ít có vị ngọt đậm đà, dẻo, thơm. Các hộ dân ở đây cho biết, bí quyết nằm ở công đoạn sên đường, đường phải được thắng tới thì vỏ bánh mới thơm ngon và để được lâu.

Hiện nay, ở thôn Quang Mỹ có hơn chục hộ dân trồng cây lá gai, với diện tích trung bình từ 2- 3 sào, còn nghề làm bánh ít lá gai có 6 hộ dân. Tuy là sản xuất bánh theo hộ gia đình, nhưng ở mỗi cơ sở đều có từ 4 - 6 lao động làm việc, với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi cơ sở đưa ra thị trường gần 2.000 bánh các loại mỗi ngày, riêng rằm và mùng một bán ra thị trường hơn 4.000 bánh, tiêu thụ chủ yếu ở TP.Hồ Chí Minh.

Anh Nguyễn Duy Ly chia sẻ: Bánh bán trong nước thì tôi gói bằng lá chuối tươi, còn với những đơn hàng ở nước ngoài thì gói bằng lá chuối khô để có thời gian sử dụng được lâu hơn. Các loại bánh quê rất được lòng người tiêu dùng, nên sản xuất bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu, chỉ sợ không đủ nhân công, sức lực để làm.

Hầu như những gia đình làm bánh ít không giàu có, vì chủ yếu “lấy công làm lời”. Nhưng vì niềm say mê ẩm thực quê hương mà họ gắn bó, gìn giữ. Ngày qua ngày, cuộc sống ngoài kia có hiện đại, phát triển đến mấy, thì những cơ sở làm bánh ít ở nơi đây vẫn giữ cho bếp đỏ lửa và lặng lẽ cho ra lò những chiếc bánh quê dân dã, thơm ngon.

Bài, ảnh: HIỀN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét