14 thg 11, 2019

Sự kiện đắp đê sông, đê biển của tỉnh Sóc Trăng

Cách đây 27 năm, vào ngày 27-10-1992, một đợt triều cường lớn xảy ra ở tỉnh Sóc Trăng làm thiệt hại nặng nề đến sản xuất và cuộc sống của nhân dân vùng ven biển của các huyện Long Phú - Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu. Sau lần thiên tai này, việc xây dựng hệ thống đê sông, đê biển ở Sóc Trăng đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Hệ thống đê sông, đê biển của tỉnh Sóc Trăng được khởi công vào trung tuần tháng 6-1993, do Công ty Xây dựng thủy lợi đảm trách thi công. Theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trong thời gian từ 3 đến 5 năm, nhưng với tinh thần nỗ lực vượt bậc, “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”, Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng tập trung toàn lực hoàn thành công trình trong 10 tháng và tổ chức khánh thành vào ngày 28-4-1994, nhân kỷ niệm 19 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại buổi lễ khánh thành, đồng chí Lê Thanh Bình, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhiệt liệt biểu dương tinh thần tự nguyện đóng góp sức người, sức của của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh, đặc biệt là nhân dân 3 huyện Long Phú, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu để công trình sớm đưa vào sử dụng. 

Lễ Khánh thành hoàn thành hệ thống đê sông, đê biển tỉnh Sóc Trăng ngày 28-4-1994. Ảnh: Ngọc Nhuần 

Hệ thống đê gồm 5 tuyến: Đê Long Phú – Tiếp Nhật; đê sông Mỹ Thanh; đê biển Vĩnh Châu; đê sông Mỹ Phước – Nhu Gia; đê An Thạnh 3 – Long Phú (nay là xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung) với tổng chiều dài 202km, thu hút trên 100.000 lượt người tham gia, đóng góp hơn 1 triệu ngày công, đào đắp 3.384.000m3, với kinh phí đầu tư 24,97 tỉ đồng. Mặt đê có chiều rộng 6m, chiều cao từ 1,5m đến 2,8m để bảo đảm ngăn được đỉnh lũ như đợt triều cường vào tháng 10-1992.

Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử, mang đậm dấu ấn “lòng dân, ý Đảng”, “ý chí quyết chiến, quyết thắng” được hun đúc ngàn năm và thể hiện sự quyết tâm chiến thắng với thiên tai của Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng đoàn kết một lòng xây dựng lại quê hương.

Công trình đưa vào sử dụng, phục vụ ngăn mặn cho 52.490ha, tiêu lũ trong mùa mưa, phòng chống lũ lụt, triều cường, tạo điều kiện thuận lợi cho khai hoang, phục hóa, thâm canh, tăng vụ cả cây lúa và cây màu; nuôi cá, tôm, trồng cây ăn trái, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Đồng thời, bố trí lại dân cư, mở rộng giao thông, củng cố quốc phòng, an ninh. Đặc biệt hệ thống đê sông, đê biển đó đã tạo tiền đề cực kỳ quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp, góp phần nâng sản lượng lúa của tỉnh Sóc Trăng, từ 700.000 tấn (năm 1993) lên trên 1 triệu tấn (năm 1994) và trên 2 triệu tấn trong nhiều năm qua.

Đê sông, đê biển Sóc Trăng được bạn bè trong và ngoài nước lúc bấy giờ ví như “con rồng” – đưa Sóc Trăng thoát nghèo và phát triển giàu có không xa – thật vậy, lời nhận xét ấy không sai chút nào.

Lê Trúc Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét