14 thg 11, 2019

Địa danh Xẻo Gừa và Mỹ Hương

Xẻo Gừa là tên gọi đầu tiên của vùng đất xã Mỹ Hương (Mỹ Tú) ngày nay. 

Xẻo Gừa ngày nay

“Xẻo” có nghĩa là một đường nước ngắn, còn gọi là “lạch”; “Gừa” là cây gừa – một loại cây khá phổ biến ở vùng bãi bồi. Như vậy, Xẻo Gừa có thể hiểu là vùng đất có nhiều cây gừa mọc hai bên đường nước ngắn. Trong thực tế, xứ Mỹ Hương từ xưa đến nay có rất nhiều cây gừa, đặc biệt mọc thành rừng dọc theo con lạch ở mé sau chợ cũ, dưới chân cầu Xẻo Gừa hôm nay. Tên gọi Xẻo Gừa có khi gọi nhầm là “Xẻo Dừa” với ngụ ý xứ này cũng có nhiều dừa (cây dừa). Dù thực tế xứ này có nhiều dừa đi nữa, nhưng tên “Xẻo Gừa” là xuất phát từ cây gừa nói trên.

Còn tên gọi Mỹ Hương được sử dụng đầu tiên vào năm 1956. Nguồn gốc tên gọi Mỹ Hương xuất phát từ việc hợp nhất hai đơn vị hành chính là Thiện Mỹ và Thiện Hương, bằng cách ghép hai từ Mỹ và Hương nằm cuối hai địa danh. Một số tài liệu có ghi nguồn gốc Mỹ Hương là xuất phát từ Minh Hương – với ngụ ý là vùng này có nhiều người Minh Hương (người Minh Hương là người Hoa – Kinh hoặc Hoa – Khmer). Ngày nay, Mỹ Hương được dùng đặt tên cho một xã, bao gồm vùng đất của hai xã Thiện Mỹ và Thiện Hương nằm dọc theo hai bên sông Xẻo Gừa.

Tên gọi hành chính ban đầu của vùng đất này là Thiện Mỹ Thôn (tên gọi thông thường Xẻo Gừa). Giai đoạn tiếp theo sau tách thành hai vùng là Thiện Mỹ (tên gọi thường là Xóm Lớn) và Thiện Hương (tên gọi thông thường là Xóm Vắng). Đến năm 1956 thì hợp lại thành Mỹ Hương và được sử dụng cho đến ngày nay.

Từ năm 1975 đến nay, Xẻo Gừa là tên gọi của một ấp nằm ở trung tâm chợ xã Mỹ Hương. Người dân địa phương và các vùng lân cận hay dùng tên chung là Xẻo Gừa - Mỹ Hương – nói tới Xẻo Gừa tức là nói tới Mỹ Hương. Mọi hoạt động thương mại dịch vụ đều xoay quanh chợ Xẻo Gừa.

Ở buổi đầu khẩn hoang, chợ Xẻo Gừa chỉ là một chợ “chồm hổm” gồm một số nhà lá của cư dân trong chợ dựng lên để mua, bán các loại nhu yếu phẩm cho vùng dân cư. Đến những năm 1930, chợ Xẻo Gừa được dựng lên ở vị trí chợ cũ hiện nay, gồm có nhà lồng chợ bằng vật liệu gỗ và lợp ngói, nền lát gạch tàu, do một thợ mộc (tục gọi là thầy Tư Quy) thiết kế và xây dựng; kinh phí xây dựng do bà Hồ Thị Lan và con gái bà là phu nhân của ông Nguyễn Duy Tiên tài trợ. Các dãy hàng quán, cửa hiệu của hai phố xung quanh chợ cũng dần dần được dựng lên.

Thời kỳ 1945 – 1954, dân cư ở chợ và các khu phố hai bên đều tản cư ra tỉnh lỵ hoặc ra Trà Cú ở; nhà cửa, chợ búa đều bị tiêu thổ kháng chiến. Sau năm 1954, chợ và các khu nhà xung quanh được người dân trở về xây dựng lại và tồn tại, phát triển cho đến ngày nay. Năm 1992 – 1993, chợ được đầu tư xây dựng mới nằm cách chợ cũ khoảng 100m. Vị trí chợ mới là nền nhà cũ của gia đình điền chủ Nguyễn Duy Tiên thời kỳ trước năm 1945 và đồn Xẻo Gừa thời kỳ trước năm 1975.

Xẻo Gừa – Mỹ Hương hôm nay đã phát triển và thay đổi rất nhiều, đời sống người dân ngày càng sung túc.

Lê Trúc Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét