9 thg 9, 2016

Lễ tảo mộ ở Đại An Khê, Hải Lăng


Nói tới tục tảo mộ, hay chạp mả, người ta thường liên tưởng đến câu 

“Thanh minh trong tiết tháng Ba,
lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”

trong truyện Thúy Kiều (Nguyễn Du). Nhưng đó là chuyện kể theo phong tục và bối cảnh Trung Hoa ngày xưa.

Người Việt, từ xưa đã có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, và thời tiết có những khác biệt theo vùng miền nên ngày tảo mộ, chạp mả được tiến hành vào những thời điểm khác nhau, nhất là vì cuộc sống thay đổi nhưng tựu trung vẫn nhằm hai mục đích chính là thăm viếng, sửa sang nơi an nghỉ của tiền nhân (người đã khuất) để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ gia tiên; thứ hai, đó cũng là dịp để người trong gia tộc có dịp quần tụ trong điều kiện sống tản mác khắp nơi, quanh năm lo chuyện mưu sinh.

Ngày xưa, khi hầu hết người dân Việt sống quần tụ ở làng quê mình, phần lớn mồ mả thường chôn cất rải rác trên các mảnh đất xen giữa ruộng đồng, trước tết Nguyên đán hàng năm, nhà nhà thường phát quang và đắp lại các nấm mộ hoặc sơn phết lăng mộ của người thân cho mới như việc sửa sang ngôi nhà của mình để chuẩn bị đón năm mới. Việc này nhà nào tự lo nhà nấy, thường gọi là chạp mả. Sau tết lại có ngày, nhiều gia đình trong cùng chi, phái hẹn nhau cùng tảo mộ ở các lăng mộ ông bà chung.


Ngày nay, do cuộc sống xã hội thay đổi, nhiều thế hệ đã phải rời xa làng mạc, quê hương; người ta đã nghĩ đến việc quy tập mồ mả thành những nghĩa trang của đại gia đình, chi phái trong họ mà con cháu hầu hết đều sinh sống phương xa. Những trường hợp như vậy, không thể chạp mả riêng từng nhà vào dịp cuối năm âm lịch vì ai nấy còn phải lo cuộc mưu sinh xa xứ và cũng không thể theo tục tảo mộ và thời tiết “Thanh minh trong tiết tháng Ba...” như thuở trước, mà cùng hẹn nhau một ngày nào đó thuận tiện cho mọi gia đình cùng có người đại diện về quê tảo mộ.



Xã hội thay đổi là tất yếu và điều kiện xã hội khiến tập quán, phong tục xã hội theo đó cũng thay đổi là điều hiển nhiên. Đầu tháng 7 năm 2014, trong chuyến đi Quảng Trị, tôi có dịp theo bạn Bùi Phước Vĩnh về làng Đại An Khê (Hải Lăng) trong dịp lễ tảo mộ. Nghĩa trang tộc họ này được xây dựng trên vùng rú cát (nay được trồng cây bạch đàn và tràm bông vàng) thuộc địa phận làng Trà Lộc, Hải Lăng. Cũng xin nói thêm là làng Đại An Khê ngày nay gồm ba làng trước đây sát nhập lại: Đại Nại, An Thái và Ba Khê. 




(hình ảnh được chụp ngày 8-7-2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét