30 thg 8, 2016

Chiêm ngưỡng cây đa hơn 500 tuổi ở Nghệ An

Tồn tại hàng trăm năm với dáng hình kỳ vỹ, cây đa Mỹ Thịnh được người dân xóm Hòa Phú, xã Hiến Sơn (Đô Lương) xem là niềm tự hào và là biểu tượng cho sức sống bền bỉ của làng.

Theo gia phả của họ Nguyễn Quang – một dòng họ lớn trong làng, thì cây đa Mỹ Thịnh có từ thế kỷ XVI, tính đến nay đã hơn nửa thiên niên kỷ. Hiện đa vẫn còn xanh tốt, tọa lạc ở ngã ba làng.

Trong kháng chiến, khu vực cây đa là nơi đóng quân, huấn luyện chính trị của bộ đội, nơi đặt các kho quân trang. quân dụng, nơi sản xuất thuốc súng của quân khu IV, là nơi đưa tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, cũng là nơi làm lễ truy điệu cho hơn 20 người trong số đó đã hi sinh vì Tổ quốc.

Các cụ cao niên cho biết: Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931) và cách mạng Tháng Tám, cây đa là nơi người dân địa phương tập trung đi mít tinh, biểu tình, hội họp, và cướp chính quyền. Đây cũng là nơi một số người hoạt động cách mạng bị quân giặc tra tấn. 


Người làng Mỹ Thịnh thường gọi “Cây đa ba nhánh chín chồi” vì gốc chính của nó tỏa ra 3 nhánh và trên thân nó có đúng 9 chồi tạo nên nhiều gốc phụ, liên kết, đan xen vững chãi. 

Gốc cây sần sùi, có những cái hốc lớn, đậm vết tích thời gian. 

Trải qua gió bão, đạn bom, cây đa vẫn vươn lên xanh tốt. Trên thân nó có nhiều loài “tầm gửi”. 

Tỏa bóng sum suê nơi trung tâm của xóm, gốc đa làng im mát nhiều khi là nơi "làm việc"... 

Các cụ phụ lão thường thích chơi cờ dưới gốc đa. 

Cây đa cổ thụ đã gắn bó với tuổi thơ, với cuộc đời của nhiều thế hệ người làng, là hiện thân nét đẹp xưa của làng Mỹ Thịnh. “Cảnh quan xưa vẫn trường tồn/ Dưới có bàu Vắp trên cồn Rú Re / Giữa làng đa đứng đề huề/ Cảnh quê Mỹ Thịnh làm mê lòng người” 

Huy Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét