30 thg 8, 2016

Nghề nuôi thủy sản ở Phước An

Vùng nước lợ trên dòng sông Đồng Kho (một nhánh của sông Đồng Nai) thuộc xã Phước An (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) từ lâu vốn đã là môi trường vô cùng thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, Phước An còn được biết đến với nghề nuôi hàu với hàng trăm bè nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Theo ông Phạm Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An thì địa phương có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản vì không chỉ người dân nơi đây mà người dân từ các địa phương khác cũng về đây lập nghiệp với nghề này.

Nghề nuôi hàu đã được dân chuyên nuôi trồng thủy sản ở Phước An biết đến gần chục năm nay. Lúc đầu, số người nuôi chưa nhiều nên người dân phải chở hàu sau khi thu hoạch đi hàng chục km lên tận vùng Long Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mới tìm được đại lý tiêu thụ. Phần lớn người dân Phước An lúc này chủ yếu nuôi tôm công nghiệp, hoặc nuôi tôm thâm canh; nhiều hộ nuôi cua, cá chẽm… Tuy nhiên, trong vòng hai năm trở lại đây nghề nuôi hàu đang phát triển một cách nhanh chóng khi rất nhiều người dân đã chuyển sang nuôi hàu. Việc thu mua theo đó cũng trở nên thuận tiện cho người dân khi thương lái đã tìm về tận bè để thu mua hàu.

Cũng theo ông Phạm Thanh Tuấn, từ vài hộ đầu tư nuôi hàu ban đầu, sau gần 2 năm, hiện toàn xã Phước An có khoảng 50 hộ với 250 bè nuôi hàu. Không chỉ vậy, mô hình nuôi hàu nước lợ còn đang được nhân rộng tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch.

So với nuôi các loại thủy sản khác, mô hình nuôi hàu cần ít vốn đầu tư, không mấy rủi ro lại cho lợi nhuận tốt. Hàu từ lúc ương, thả xuống bè đến lúc thu mua thường khoảng 12 đến 14 tháng. Các hộ dân thường gối vụ nên có thể thu quanh năm, tiện cho việc xoay vòng vốn. Ở đây, một hộ nuôi chỉ cần đầu tư khoảng một bè (6x6m) với số vốn 20 triệu đồng là sau 12-14 tháng có thể thu lãi khoảng 30 triệu đồng.

Các bè nuôi hàu thả trôi trên dòng sông Đồng Kho ở Phước An.

Hàu được ươm giống trước khi thả xuống bè.

Hàu nuôi trên sông Đồng Kho sống hoàn toàn trong môi trường tư nhiên, người dân chỉ cần đầu tư các bè nuôi.

Hàu sau khi thu hoạch có giá dao động 20.000-25.000đ/kg (3 con/kg).

Hàu từ lúc ương, thả xuống bè đến lúc cho thu mua thường có thời gian khoảng 12 đến 14 tháng.

Nuôi hàu hiện đang là nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân ở Phước An.

Ngoài nghề nuôi hàu chiếm 90% sản lượng nuôi trồng thủy sản, ở Phước An còn phát triển nuôi tôm nước lợ.

Kiểm tra tôm giống ở mô hình nuôi tôm công nghiệp ở Phước An. 

Với nguồn nước lợ của sông Đồng Kho thích hợp cho việc phát triển nghề nuôi hàu, thời gian qua, chính quyền địa phương hiện đang rất quan tâm và tạo điều kiện để khuyến khích người dân đầu tư nuôi hàu. Sắp tới, địa phương sẽ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi hàu cho người dân để đạt hiệu quả cao trong quá trình nuôi. Ở đây, chương trình tập huấn ngoài việc giúp đỡ người dân về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch… mà ngay từ đầu, người dân có kế hoạch đầu tư, đặt lồng bè hợp lý để không ảnh hưởng đến môi trường nước. Ngoài ra, địa phương cũng quy hoạch lại vùng nuôi hàu trên sông Đồng Kho, đảm bảo mật độ lồng bè đặt trên sông, có kế hoạch quản lý các hộ dân nuôi hàu để nghề nuôi hàu ở Phước An đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Chúng tôi đến thăm bè nuôi hàu rộng khoảng 900 m2 trên sông Đồng Kho của ông Nguyễn Văn Tuấn (ấp Ba Tường, xã Phước An) đầu tư đã được 3 năm nay. Cả một khoảng sông rộng bên cánh rừng ngập mặn xanh ngắt thực sự là môi trường lý tưởng để con hàu sinh trưởng tốt. Ông Tuấn chia sẻ, nghề nuôi hàu ở đây thuận lợi vì con hàu dễ nuôi mà ít vốn vì không cần đầu tư giống cũng như chi phí thức ăn. Hiện sản lượng bình quân từ nuôi hàu của gia đình ông là 10 tấn/năm, cho lãi khoảng 50 triệu đồng.

Với bà Trần Phương Loan, người gắn bó với nghề nuôi hàu ở Phước An suốt 9 năm qua và đã được dân trong nghề đặt biệt danh là “bà Năm Hàu”. Lúc đầu, bà chỉ đầu tư 4 bè hàu, nhưng thấy con hàu mang lại lợi nhuận ổn định, bà đã bán hết đất nhà để mở rộng đầu tư và chuyển hẳn gia đình lên bè sinh sống. Hiện gia đình bà và người em đã có tới 20 bè nuôi, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo những người dân có kinh nghiệm trong nghề nuôi hàu, hàu có hai thời điểm lấy giống là giai đoạn tháng 3-4 và tháng 8-9 âm lịch hàng năm. Ở các giai đoạn này, ấu trùng hàu sống phù du, người nuôi chỉ cần làm giá thể, thả vào trong nước hoặc đặt trên bãi để con giống bám vào. Lúc đó, hàu non chỉ nhỏ như hạt mè, để yên trong vòng 4 tháng cho hàu con đủ độ lớn thì đưa giá thể cột vào bè, nuôi thêm 8 tháng là thu hoạch.

Với môi trường nuôi ở xã Phước An, dù là hàu nuôi nhưng vẫn phát triển hoàn toàn trong môi trường tự nhiên, ăn các loại sinh vật phù du nên người nuôi không phải cho ăn và cũng không hề sử dụng một loại thuốc hay kháng sinh nào trong suốt quá trình nuôi. Nhờ vậy, việc nuôi hàu còn góp phần xử lý làm sạch các cặn bã hữu cơ, bảo vệ môi trường…

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét