17 thg 8, 2016

Chợ chiếu “âm phủ” (Chợ chiếu Định Yên)

Trong số các chợ ở vùng đất phương Nam, duy chỉ có khu chợ độc đáo đã tồn tại và phát triển từ hơn một thế kỷ nay - đó là chợ chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp! Nét độc đáo của chợ chiếu Định Yên là được nhóm họp vào lúc nửa khuya cho đến 2 - 3 giờ sáng là tan tầm cho nên người ta đặt tên cho chợ chiếu này là “chợ ma”, “chợ âm phủ”...

Độc đáo hơn nữa là: chợ không có quầy - sạp kinh doanh cố định, nhưng người mua - kẻ bán rất nhộn nhịp. Người mua chiếu thường tìm một nơi cố định ngồi chờ; còn người bán thì vác những sản phẩm chiếu trên vai đi tới - lui rao hàng, nói giá... Sau khi chọn được hàng - ngã giá xong, người mua thanh toán tiền, người bán giao hàng... Sau hơn 2 giờ diễn ra cảnh mua bán tất bật, các thương lái mua đủ số chiếu đưa xuống ghe - tàu chở đi tiêu thụ khắp nơi; còn người bán được hàng nhận tiền trở về nhà ngồi bên khung dệt tiếp tục công việc để đến đêm khuya hôm sau lại đem chiếu ra chợ chào hàng, rao bán. Tại làng chiếu Định Yên, dân gian còn truyền tụng câu ca dao: “Định Yên có vựa chiếu to/ Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm”. Theo những cụ cao niên ở đây kể: ... Sở dĩ hồi trước, chợ chiếu nhóm họp nửa đêm cốt là để trốn nộp thuế cho chủ chợ.

Mỗi người bán có cây đèn dầu hoặc đèn mù u nên cả chợ tối om, chủ chợ không thể nào thu nổi một phần ba số người bán chiếu. Còn trên bến sông, các thương lái đã đóng thuế buôn chuyến xong nên không phải nộp tiền cho chủ chợ... Chúng tôi có mặt ở Định Yên trong những ngày này nhộn nhịp tiếng dệt chiếu, cả xã thì có trên 70% số hộ dân mưu sinh bằng nghề dệt và bán chiếu...

Ghe chở nguyên liệu dệt chiếu ở làng nghề Định Yên.

Vào thời điểm này, chúng ta sẽ tận mắt chứng kiến cảnh tất bật của những người thợ lành nghề từ già - trẻ - gái - trai bên khung dệt, cọng lát, sợi trân... sản xuất ra những manh chiếu xinh xắn, đẹp mắt; cùng với đôi tay khéo léo của những thợ nhuộm màu lát, in hoa văn, vành, viền... trên sản phẩm chiếu ở một làng nghề có bề dày truyền thống lâu đời! Nghề dệt chiếu không đòi hỏi tay nghề cao, nhưng phải có bí quyết riêng với thiên tư, sự khéo léo để tạo nên những sản phẩm chiếu bền - đẹp. Theo nhiều người dân lớn tuổi kể lại thì: nghề dệt chiếu ở Định Yên đã có từ hơn 100 năm nay. Đây là nghề cha truyền - con nối! Đa số người dân sống bằng nghề dệt chiếu, trong nhà đều có từ 2 - 3 khung dệt trở lên, sản xuất hằng ngày từ 5 - 10 chiếc chiếu các loại.

Ông Nguyễn Văn Nguyên - Chủ tịch UBND xã Định Yên cho biết: Năm 2003, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công nhận 4/4 ấp của xã là làng nghề dệt chiếu với trên 5.460 lao động sống trong 2.731 hộ. Hiện tại, xã Định Yên đã thành lập được một hợp tác xã và 3 tổ hợp sản xuất - tiêu thụ chiếu... thu hút hàng chục ngàn lao động nhàn rỗi ở địa phương và những vùng lân cận có việc làm và thu nhập ổn định. Ông Trần Văn Nô - Chủ nhiệm HTX sản xuất và kinh doanh chiếu Thanh Bình cho biết: Nghề dệt chiếu đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho những lao động nghèo không có đất sản xuất. Trước đây, nghề này chỉ làm bằng thủ công, mỗi ngày một người giỏi chỉ dệt được từ 3 - 5 chiếc chiếu, thu nhập trên - dưới 30.000 đồng. Bây giờ, đã đưa máy móc vào sản xuất hàng loạt nên mỗi ngày một người dệt được trên chục chiếc chiếu, thu nhập từ 70.000 đồng đến gần 100.000 đồng...

Sản phẩm chiếu Định Yên có rất nhiều chủng loại, kích cỡ, mẫu mã... đa dạng và phong phú gồm: chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu bông động phòng hoa chúc, chiếu Trà Niên, chiếu trắng, chiếu hoa văn, chiếu vẩy ốc, chiếu cổ... Mỗi loại chiếu có chiều dài thống nhất là 2m, còn chiều ngang từ 1,4 - 1,6m, giá bán dao động từ 85.000 - 120.000 đồng/đôi chiếu, tùy từng chủng loại, kích cỡ... Có đôi chiếu giá bán lên đến 150.000 đồng! Thời điểm hưng thịnh và phát triển nhất của làng nghề dệt chiếu Định Yên là vào những năm 1980, chiếu Định Yên đã được xuất bán sang các nước Đông Âu, Liên Xô, Campuchia, Thái Lan... được người dân nơi đây rất ưa chuộng.

Sản phẩm chiếu xuất khẩu.

Do đó, làng nghề dệt chiếu Định Yên rất nhộn nhịp, sản xuất hàng không đủ bán nên đã giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho đông đảo lao động nhàn rỗi ở nông thôn... Những năm gần đây, làng nghề dệt chiếu truyền thống ở xã Định Yên đang trên đà phát triển. Làng nghề đã đưa cơ giới vào dệt chiếu. Theo thống kê, toàn xã Định Yên hiện có gần 400 máy dệt chiếu, trên 50 máy may bìa chiếu, 2 máy se chỉ và 2 máy lau bóng sản phẩm...; sản xuất từ 1.000.000 chiếc tăng lên hơn 1.500.000 chiếc chiếu thương phẩm các loại mỗi năm... đáp ứng nhu cầu thiết yếu của thị trường trong và ngoài nước. Chị Trương Thị Hiền - Chủ cơ sở sản xuất chiếu Bé Hai cho biết: “Hồi trước, muốn có đủ chiếu để cung cấp cho thị trường, cơ sở tôi phải huy động nhiều nhân công, nhưng sản phẩm làm ra vẫn không nhiều. Ngày nay, nhờ có phương tiện máy móc hiện đại, chỉ cần số ít lao động mà sản phẩm chiếu làm ra vừa tăng vọt gấp nhiều lần vừa sắc sảo, đẹp mắt..., được nhiều khách hàng ưa chuộng”.

Từ làng nghề dệt chiếu, ở Định Yên không chỉ phát sinh ra chợ bán chiếu mà còn có chợ bán lát, chợ bán trân, bán cói... trên sông rạch để phục vụ nguyên - vật liệu cho làng nghề dệt chiếu truyền thống ở địa phương, tạo nên không khí đông vui và nhộn nhịp - thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm và tìm hiểu khu “chợ ma” độc đáo này. Chính quyền, đoàn thể địa phương đã có những dự án thiết thực hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện giúp đỡ phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp - nổi bật là thương hiệu “Chiếu Định Yên” nhằm giải quyết việc làm, nâng mức thu nhập cho người dân, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển khởi sắc... Làng nghề dệt chiếu Định Yên cũng đã được quy hoạch trong đề án phát triển dịch vụ du lịch gắn với làng nghề nông thôn của huyện Lấp Vò giai đoạn 2010 - 2015.

Tại xã Định Yên, chính quyền địa phương đã khởi công xây dựng khuôn viên Chợ chiếu Định Yên trên tổng diện tích 1,8ha bao gồm các hạng mục: san lấp mặt bằng, hệ thống cống thoát nước, đường đi nội bộ, khu xử lý rác, nhà vệ sinh, nhà lồng chợ, sân chợ, cầu bến, bến rửa... với tổng kinh phí đầu tư gần 6,5 tỷ đồng! Năm 2013, nghề chiếu Định Yên đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 3084 công bố và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để thương hiệu Làng nghề chiếu Định Yên vươn cao và bay xa...

Bài, ảnh: Trần Trọng Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét