Hiển thị các bài đăng có nhãn * Phạm Hoài Nhân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn * Phạm Hoài Nhân. Hiển thị tất cả bài đăng

2 thg 8, 2020

Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm

Trong một dịp dạo chợ đêm Cần Thơ, tui tình cờ thấy một tòa nhà lớn, có kiến trúc khá lạ: hơi cổ và mang dáng vẻ Trung Hoa. Bảng tên trên tòa nhà ghi là Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm, và phía trên bảng tên ấy là dòng chữ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vậy đây là một ngôi chùa Phật giáo? Rất lạ, vì nhìn đây không hề giống một ngôi chùa. Vì đang bận... đi chợ đêm, nên tui chỉ chụp vội một tấm hình để ghi nhớ, như dưới đây.


Ngay cả cái tên chùa cũng lạ, Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm, không phải thiền viện, tịnh xá, tu viện... như thường thấy. Tui có dự định tìm hiểu, nhưng rồi... quên luôn.

19 thg 7, 2020

Sân chim Vàm Hồ

Tui biết đến sân chim Vàm Hồ từ lâu lắm, hồi thiên niên kỷ trước lận á. Ấy là qua cuốn Non nước Việt Nam của Tổng cục Du lịch. Đó là một sân chim lớn ở miền Nam, cách thành phố Bến Tre khoảng 50 km, là nơi trú ngụ của hàng trăm ngàn con cò, con vạc cùng các loài chim khác như cồng cộc, le le. Diện tích Vàm Hồ khoảng 40 ha, trong đó có 15 ha rừng chà là nguyên sinh. Thấy thích quá!

Thuở đó tui chưa có dịp đi nhiều, chưa biết tới cái sân chim nào. Nghĩ thầm sân chim Bạc Liêu vốn nổi tiếng thì xa quá, sân chim Vàm Hồ ở Bến Tre gần hơn, chắc có dịp phải tới cho biết.

29 thg 6, 2020

Tu viện Khánh An, ngôi chùa có phong cách kiến trúc Nhật

Ở An Phú Đông, có một công trình kiến trúc rất đẹp mang đậm nét Nhật Bản. Rất nhiều du khách tới đây để thưởng ngoạn, chụp ảnh lưu niệm. Hầu như lúc nào tới đây bạn cũng thấy có những bạn trẻ tạo kiểu dáng để chụp ảnh (kể cả người già như tui... cũng vậy). Ấy, nhưng nơi này không phải công viên, chốn nghỉ mát... mà nó là một ngôi chùa, mang tên Tu viện Khánh An. Ngoài ra đây còn là một Di tích Lịch sử cấp thành phố (bạn lưu ý nghen, Di tích Lịch sử chớ không phải Di tích Kiến trúc Nghệ thuật!).


Tu viện Khánh An nằm hơi xa trung tâm thành phố, nhưng dễ tìm vì kiến trúc bề thế và khuôn viên rộng lớn, tọa lạc ở góc đường Võ thị Thừa và An Phú Đông 27 thuộc địa bàn phường An Phú Đông, quận 12.

25 thg 6, 2020

Huyền thoại về dũng sĩ, nghệ sĩ Ama Kông

Ama Kông thổi tù và. Ảnh: Đ.B.T trên laodong.vn

Ảnh trên là tui mượn từ báo Lao động online, vì nó đẹp và là một trong những bức ảnh hiếm hoi Ama Kông đang thổi tù và. Nhưng tui tự hào vì tui không có ảnh nhưng có clip ông đang thổi tù và cơ! Không phải một mà là đến 3 clip!

Ama Kông là vua săn voi lẫy lừng của Tây nguyên. Ngày ấy, mỗi khi đoàn săn voi khởi hành để đi săn thì người trưởng đoàn (ở đây là Ama Kông) lấy tù và ra và thổi một hồi còi xuất quân. Khi tiếp cận được voi và bắt đầu vây bắt, người trưởng đoàn lại nổi một hồi còi xung trận. Cuối cùng, khi đã bắt được voi và lên đường về nhà, lại một hồi còi nữa, có thể coi là hồi còi khải hoàn. Tiếng tù và vang rất xa và người ở nhà có thể nghe thấy để biết được những dũng sĩ của mình đang làm gì.

22 thg 6, 2020

Chưa biết ăn năn

Sám hối thì có thể tui chưa biết, nhưng ăn năn thì biết rồi. Năn là cái củ này, chắc là nhiều người cũng đã ăn năn giống tui. Nếu không phải ăn năn đơn thuần thì cũng là ăn năn đi kèm với - không phải với sám hối - mà là với... chè!

Củ năn

21 thg 6, 2020

Em đi bán chè thưng

Em đi bán chè thưng

Có một bài vọng cổ xưa, khá nổi tiếng, do hai ông Út, bà Út tài danh của sân khấu cổ nhạc miền Nam trình bày, (Út Trà Ôn và Út Bạch Lan). Bài vọng cổ mở đầu bằng lời rao ngọt lịm của cô Út như sau:

Ai ăn chè bột khoai, bún tàu, đậu xanh, nước dừa, đường cát hông



17 thg 6, 2020

Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba... tụi nó!


Bạn có biết cái trái trong hình là trái gì hông? Nếu không biết, quả là hồi nhỏ đi học bạn chưa xứng danh "thứ ba" trong câu Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò! Đây là trái mắt mèo, một công cụ nghịch phá thuộc dạng có hạng của học trò. Riêng tui, phải thành thật một cách đau khổ mà nhận rằng thời còn đi học tui nghe nói tới tên trái mắt mèo (cái trái trong hình) rất nhiều, nhưng chưa hề được thấy nó, đừng nói chi nghịch với nó. Chỉ tại cái tội hồi đó mình là học sinh ngoan ngoãn, nghiêm túc quá, giờ nhớ lại tui... ân hận quá chừng!

6 thg 4, 2020

Thiền viện Toàn Giác ở Trảng Bom

Thật tình là trước đây tui chưa hề biết hay nghe nói gì đến ngôi thiền viện này, cho đến khi tui đi tìm ngôi chùa mang tên chùa Đèn Cầy, tức Viên Giác thiền tự, ở ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom. Trên đường đi tìm Viên Giác thiền tự, tui gặp một cổng chùa không phải Viên Giác mà là Toàn Giác. Dường như là khuôn viên chùa khá rộng, vì xe chạy lòng vòng khá xa thì lại thấy tiếp một cổng thiền viện Toàn Giác nữa!

Cổng tam quan Thiền viện Toàn Giác

Khi tìm hiểu về Viên Giác thiền tự, tui lại phát hiện thêm một chi tiết: vị sư sáng lập ra Viên Giác thiền tự và hiện là trụ trì nơi đây vốn xuất thân tu tập ở Toàn Giác thiền tự. Vậy là tui tò mò quay trở lại xã Giang Điền để viếng ngôi Toàn Giác thiền tự.

9 thg 3, 2020

Chùa Đèn Cầy ở Trảng Bom

Chùa Đèn Cầy là tên dân gian gọi ngôi Viên Giác Thiền tự, một ngôi chùa ở ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Tên ngôi chùa có vẻ chưa quen thuộc lắm phải không? Và đọc địa chỉ, ta nghĩ đến một vùng quê xa xôi hẻo lánh, phải không?

Tất cả đều đúng. Ngôi chùa mới được lập nên cách đây chưa lâu, vào năm 1996, và được công nhận là cơ sở thừa tự còn trễ hơn nữa, năm 2008. Do vậy không thể được quen tên như những ngôi chùa đã khai sơn hàng trăm năm. Còn con đường đến chùa, đúng là vắng vẻ, qua những mảnh đất ruộng rẫy khô cằn.

Cổng chùa

8 thg 3, 2020

Cây gòn

Hồi đó, trên đường vô nhà tui ở Long Khánh có một hàng cây gòn. Một đoạn không dài lắm đâu, chừng vài ba chục mét thôi. Những cây gòn thật cao, to, khi tới mùa thì trái gòn xanh treo lủng lẳng đầy cây nhìn thật vui mắt. Rồi khi trái khô, nó ngả màu nâu vàng, vỏ trái nứt ra, ruột gòn trắng trong đó bung ra bay theo gió, gọi là bông gòn. Nghĩ cũng ngộ, bông gòn không phải là bông (hoa) của cây gòn mà là ruột của trái gòn. 


Cây gòn với trái còn xanh

Hồi xưa lâu lắm rồi, người trong xóm có hái trái gòn khô hoặc lượm trái khô rớt xuống đất, về tách ruột gòn ra khỏi vỏ, đánh cho rớt hột gòn ra để làm bông gòn độn ruột gối. Sau này không thấy ai làm vậy nữa, bông gòn chì để bay trong gió cho mấy đứa con nít nghịch. Có lẽ vì mua gối đã có sẵn ruột rồi chẳng bao nhiêu tiền, trong khi đi hái gòn, tách bông gòn quá mất thời giờ.

28 thg 2, 2020

Bên mộ cụ Đồ Chiểu

Tui viếng mộ cụ Đồ Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) lần trước cách đây cả ngàn năm, chính xác là năm 1999 thuộc thiên niên kỷ trước. Ngàn năm trước, nơi đây chỉ có ngôi mộ ông và mộ bà đơn sơ nằm bên nhau, cạnh đó là mộ của cô con gái Sương Nguyệt Anh. Cạnh mộ là nhà thờ nhỏ để người người thắp nhang tưởng niệm ông bà và con gái.

Ngàn năm sau, vào một ngày đầu năm 2020, tui lại có dịp viếng mộ cụ Đồ Chiểu. Bây giờ bên cạnh mộ người ta đã bày tỏ lòng tôn kính bằng cách xây một ngôi đền thờ thật trang trọng. Đền thờ và khu mộ có tổng diện tích là 13.000 m2, được khánh thành ngày 1/7/2002 nhân dịp kỷ niệm 180 năm ngày sinh của cụ Đồ Chiểu (1/7/1822). Nơi đây đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1993 và nâng lên thành Di tích quốc gia đặc biệt năm 2017.

Cổng vào khu đền thờ.

12 thg 2, 2020

Đường nào về La Mã?

Đường nào về La Mã?

Đó là tỉnh lộ 887, đi từ Bến Tre đến xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm. Tới ngã ba Sơn Đốc thì quẹo phải, đi khoảng 300 met thì thấy bên trái có con đường nhỏ mang tên Lộ La Mã. Đi hết con Lộ La Mã này (khoảng hơn 2 km) thì ta thấy một ngôi nhà thờ, đó là Nhà thở họ đạo La Mã, hay còn được gọi là Nhà thờ Đức Mẹ La Mã. Bạn đã tới La Mã!

9 thg 2, 2020

Về Xuân Lộc thăm núi Chứa Chan

1.
Tuổi nhỏ của tui ở Xuân Lộc, Long Khánh, tỉnh Long Khánh chớ không phải thành phố Long Khánh như bây giờ. Và quận Xuân Lộc bao gồm cả Long Khánh và Xuân Lộc của ngày nay. Quê hương trong tui ngày thơ ấu như vậy đó.

Hồi nhỏ ham đọc sách, thấy người ta tả cảnh núi non hùng vĩ, dòng sông uốn quanh mà thích. Nhìn lại quê mình, không có con sông nào hết. Sông La Ngà ở Định Quán ngày đó cũng thuộc tỉnh Long Khánh nhưng đối với đứa nhỏ không được đi đâu xa như tui thì sông chỉ có trong tưởng tượng.

May thay, Xuân Lộc còn có núi, núi Chứa Chan. Núi Chứa Chan là thứ duy nhất trong sông núi hữu tình để tui tự hào và... làm thơ về quê hương của mình.

Hồi đó, trên đường tui đi học về mỗi ngày, núi Chứa Chan lững lờ mây trắng ở trước mặt. Đường về nhà là hướng từ bịnh viện (quốc lộ 1) về phía Tòa Hành chánh tỉnh. Thấy núi trước mắt thôi, chớ cũng cách xa tới 20 cây số. Nhưng nhiêu đó dủ để thằng nhóc mơ mộng làm thơ.


30 thg 12, 2019

Mộ của vua voi

Buôn Đôn và Bản Đôn

Ở cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 50 km về phía Tây là một vùng đất từ lâu nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, gọi là Buôn Đôn. Nơi này xưa kia là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk, nhưng sau này để tiện cho việc phát triển kinh tế xã hội và để chiếm giữ một vị trí an ninh quốc phòng chiến lược, người Pháp đã cho dời cơ quan hành chính về Buôn Ma Thuột.

Buôn Ðôn là tên gọi theo tiếng M'Nông và Ê đê, nghĩa là làng Ðảo, vì  được lập bên cạnh con sông Sêrêpốk có nhiều đảo nhỏ nổi giữa dòng nước ngày đêm cuồn cuộn chảy. 

17 thg 12, 2019

Tản mạn về danh xưng của vua săn voi

Nếu các bạn có quan tâm đến vùng đất Buôn Ma Thuột thì chắc thế nào cũng nghe nói đến những ông vua săn voi. Tui may mắn hơn một chút, vì đã từng có dịp... ôm một trong những ông vua đó!

Ama Kông, người săn voi nổi tiếng cuối cùng. Ông qua đời năm 2012. (Có cần chú thích thêm rằng Ama Kông là người ngồi để khỏi nhầm lẫn hông ta?)

15 thg 12, 2019

Chùa Đèn cầy, có 3 ngôi chùa Đèn cầy

1. Chùa Đèn cầy ở Sóc Trăng

Tên đúng là chùa Bửu Sơn, nhưng tên thông dụng nhất của ngôi chùa này là chùa Đất Sét. Gọi như vậy bởi đặc điểm lớn nhất của ngôi chùa này là tất cả các tượng trong chùa đều làm bằng đất sét. Kỳ công hơn nữa, tất cả các tượng này do duy nhất một người làm bằng phương tiện thủ công trong suốt 42 năm (884 tượng độc lập và khoảng 1200 tượng nhỏ trong các nhóm tượng).

Chùa còn được gọi là chùa Đèn cầy vì cùng với các tượng Phật bằng đất sét nơi đây còn có 4 cặp đèn cầy (8 cây), trong đó có 3 cặp lớn, mỗi cây chứa 200kg sáp. Các cây đèn cầy nầy đều cao 2,6m. Bình quân mỗi cây đèn cầy cháy suốt ngày đêm phải mất đến 70-80 năm. Cặp đèn cầy đầu tiên được thắp lên từ năm 1970, đến thời điểm gần nhất mà tôi ghé thăm là cuối năm 2018 vẫn đang cháy.


Ảnh: Phạm Hoài Nhân, 2002

10 thg 12, 2019

Hai ngôi tháp cổ ở chùa Quốc Ân Kim Cang

Phật tử, du khách ngày nay có thể đến viếng thăm ngôi Tổ đình Quốc Ân Kim Cang - một ngôi chùa đã từng được khai sơn hơn 300 năm trước - tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Tuy nhiên đó là ngôi chùa mới được xây dựng lại cách đây 10 năm trên nền chùa cũ, vốn đã bị phá hủy hoàn toàn từ năm 1946. Di tích quan trọng nhất ở đây chính là ngôi tháp mộ của Tổ sư Nguyên Thiều, vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào Miền Trung Việt Nam đầu tiên, và đã đóng góp nhiều công đức trong việc phục hưng và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong.

Tháp mộ Tổ sư Nguyên Thiều

Xưa kia ngôi chùa này gọi là Chùa Kim Cang hay Chùa Tháp ở Đồng Nai, tọa lạc tại ấp Bình Thảo, xã Bình Phước, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên. Ngày nay chùa thuộc ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Theo lời kể của trụ trì chùa Cửu Thiên – Thủ Đức (là đệ tử của vị trụ trì Tổ đình Quốc Ân Kim Cang thời điểm 1946) và các bô lão ở địa phương ấp Bình Thảo kể lại thì người dân nơi đây vẫn thường gọi đây là “Chùa Tháp” vì chùa này có ngôi tháp cổ của vị Tổ Sư khai sơn Tổ đình Quốc Ân Kim Cang.

Chính nhờ ngôi tháp này mà sau nhiều năm quên lãng, người ta mới xác định lại được vị trí ngôi Tổ đình. Hiện nay chùa xưa chỉ còn lưu dấu nền Tổ đình và hai tháp cổ. Thông tin về 2 ngôi tháp cổ như sau (ghi lại theo bài viết của Pháp Tuệ, trên báo Giác Ngộ online ngày 14/11/2008):

4 thg 12, 2019

Chuyện về ngôi Tổ đình Quốc Ân Kim Cang

Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) là một thiền sư người Trung Quốc, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 33, sang Việt Nam truyền đạo vào nửa cuối thế kỷ 17. Ngài là vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào miền Trung Việt Nam đầu tiên, và đã đóng góp nhiều công đức trong việc phục hưng và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong. Sau vài thập kỷ hoằng hóa ở Bình Định và Thuận Hóa, Ngài cùng một số đệ tử vượt núi băng ngàn vào phương Nam, dừng chân tại vùng đất Đồng Nai. Tại đây, vào cuối thế kỷ 17, Ngài cùng các đệ tử là Ngài Minh Vật Nhất Tri kiến lập ngôi tổ đình Quốc Ân Kim Cang, Ngài Thành Nhạc khai sơn chùa Long Thiền, Ngài Thành Đẳng khai sơn chùa Đại Giác, Ngài Thành Ý khai sơn chùa Bửu Phong. Ngày nay, các ngôi Long Thiền, Đại Giác, Bửu Phong vẫn tồn tại ở Biên Hòa, Đồng Nai và là những ngôi cổ tự danh tiếng. Thế nhưng ngôi Tổ đình Kim Cang ở đâu?

Tổ đình Quốc Ân Kim Cang hiện ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, cách trung tâm TP Biên Hòa khoảng 12 km. Đây là ngôi Tổ đình:

16 thg 8, 2019

Phiêu linh (feeling) trên tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát

Giới du lịch thường nhắc đến ga Đà Lạt như là nhà ga độc đáo với nhiều kỷ lục: 
  • Nhà ga cao nhất
  • Nhà ga cổ nhất (cùng với ga Hải Phòng)
  • Đầu tàu chạy bằng hơi nước duy nhất (chỉ có ở Đà Lạt)
  • Nhà ga độc đáo nhất và đẹp nhất
và khẳng định rằng đây là điểm phải đến khi du khách đặt chân tới Đà Lạt. Đúng vậy rồi, khung cảnh nơi đây quá độc đáo, kết hợp giữa nét đẹp cao nguyên của Đà Lạt và những đầu máy, toa xe cổ kính là chỗ để ta có những bức ảnh thật ấn tượng. Đây còn là nhà cổ, bên trong nhà ga còn duy trì các phòng bán vé, phòng làm việc, sảnh chờ... theo đúng kiến trúc ngày xưa.

Ga Đà Lạt

15 thg 7, 2019

Dấu tích người xưa (tìm về Ao Dinh và Đám lá tối trời)

Cuộc đời chiến đấu của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định gắn liền với đất Gò Công. Vì vậy, người dân nơi đây kính yêu và tôn thờ ông hơn nơi nào hết. Đặc biệt, tại huyện Gò Công Đông có một Di tích Lịch sử cấp Quốc gia là chuỗi địa điểm liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Trương Định, bao gồm: Đám lá tối trời (bản doanh của nghĩa quân), Di tích Ao Dinh (nơi ông hy sinh), Đền thờ Trương Định (nơi người dân thờ ông).

Đám lá tối trời nguyên là rừng dừa nước mênh mông rậm rạp thuộc làng Gia Thuận, Gò Công (nay là xã Gia Thuận, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), bước vào rừng dừa này sẽ không thấy ánh mặt trời vì lá dừa nước che khuất. Nghĩa quân Trương Định đã chọn vị trí hiểm yếu này làm căn cứ địa của mình. Cuộc kháng chiến thất bại, nhưng nơi này được ghi nhận là Di tích Lịch sử, ghi dấu trang sử chiến đấu hào hùng của dân tộc. Tiếc thay, mặc dù là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, nhưng theo nhu cầu phát triển kinh tế, rừng dừa nước đã bị san phẳng, nơi này biến thành Khu công nghiệp Gia Thuận. Đành thôi, biết làm sao được!


Ao Dinh và Đền thờ Trương Định thì vẫn còn.