7 thg 4, 2024

Lễ mừng nước giọt ở làng Kon Trang Kép

Vào tháng 1 hàng năm, khi tiết trời ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc, vụ mùa kết thúc, thóc lúa đã về kho, bà con làng Kon Trang Kép (thôn 7, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) lại rộn ràng tổ chức Lễ hội mừng nước giọt (u klang đăk). Đây là Lễ hội chứa đựng ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống trong năm của người Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na).

Ở làng Kon Trang Kép, nhiều lễ hội truyền thống đã dần mai một theo thời gian, nhưng lễ cúng nước giọt vẫn được dân làng chú trọng gìn giữ và tổ chức định kỳ vào tháng 1. Đây là dịp để dân làng tạ ơn thần linh (Yàng) và cầu mong sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu trong năm tới.

Trước khi tổ chức lễ hội, già làng bàn bạc với những người có uy tín trong làng xem và chọn lấy một ngày đẹp để làm lễ, sau đó thông báo cho người dân biết để chuẩn bị. Lễ mừng nước giọt là niềm chung vui của tất cả dân làng, diễn ra trong khuôn khổ cộng đồng, cùng nhau đóng góp hiện vật, phục vụ việc cúng bái. Những vật phẩm đóng góp cho buổi lễ thường là heo, gà, gạo nếp, rau củ và rượu cần. Lễ mừng nước giọt tại Kon Trang Kép thường diễn ra trong 2 ngày. Ngày thứ nhất, dân làng tập trung chỉnh trang khuôn viên nhà rông và dọn dẹp, vệ sinh nguồn nước giọt. Ngày thứ hai là ngày cúng làm phép tại giọt nước (đăk klang) và tập trung ăn uống tại nhà rông.

Dân làng khơi thông nguồn nước giọt tại làng Kon Trang Kép. Ảnh: NB

May mắn khi tôi đến làng Kon Trang Kép đúng dịp bà con chuẩn bị tổ chức lễ mừng nước giọt. Mọi người vui mừng, niềm nở đón tiếp, chia sẻ thông tin về lễ hội và mời chúng tôi ở lại chung vui với bà con. Chính bởi sự nhiệt tình và mến khách ấy, tôi đã quyết định ở lại tham gia lễ cùng dân làng và khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống tại đây.

Buổi chiều ngày đầu tiên của lễ hội, người dân phát quang bụi rậm, khơi thông nguồn nước giọt duy nhất của làng. Tôi ngỡ ngàng khi đầu nguồn nước giọt của làng là một khu rừng rậm rạp, có nhiều cây cổ thụ và hệ thực vật vô cùng đa dạng, phong phú, khí hậu mát mẻ và trong lành, nguồn nước giọt ở đây quanh năm trong trẻo, không bao giờ cạn và mát lạnh cũng nhờ khu rừng.

Tôi tò mò hỏi về khu rừng xanh thẳm, hiếm hoi này, anh A Linh - Trưởng thôn 7 chia sẻ: “Khu rừng có diện tích hơn 2ha, được gìn giữ từ rất lâu, diện tích xung quanh khu rừng đã bị người dân khai hoang trồng cà phê, cao su, làm nhà cửa. Ý thức được tầm quan trọng của rừng có ảnh hưởng to lớn đến nguồn nước, khí hậu, với đời sống người dân nên chúng tôi đã không ngừng tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ nguyên vẹn khu rừng còn sót lại này. Cách đây vài năm, dân làng cũng đã xử lý và yêu cầu phá bỏ cây trồng của một số người thiếu ý thức, cố tình lấn chiếm diện tích khu rừng. Nhờ có khu rừng này mà mạch nước ngầm của làng không bao giờ khô cạn, người dân rất quý và xem khu rừng như báu vật”.

Ngày hôm sau, từ sáng sớm, không khí lễ hội đã bao trùm các ngõ ngách, khói bếp bay trên những mái nhà vì các nhóm được phân công chuẩn bị thức ăn cho ngày hội, đội nghệ nhân cồng chiêng của làng đã tập hợp và ráp bài với nhau, những cô gái cũng đã khoác lên mình những bộ đồ thổ cẩm truyền thống trông xinh xắn, tự tin với tiếng nói cười rộn rã.

Già làng cùng người dân làm lễ tại giọt nước của làng. Ảnh: NB

Đến khoảng 10 giờ, cả làng và đội cồng chiêng tập hợp ra chỗ giọt nước để già làng cúng làm phép. Tiếng già làng vang vọng, khấn cầu Yàng che chở, phù hộ cho dân làng có sức khỏe, mưa thuận, gió hòa, nguồn nước dồi dào, mùa màng tươi tốt. Sau đó, dân làng tập trung lấy nước, rửa mặt và mang những giọt nước trong trẻo về đổ vào rượu cần chuẩn bị cho phần hội.

Đến khoảng 12 giờ trưa, cả làng tập hợp tại nhà rông, họ mang ra đủ các loại thức ăn được chế biến và tất nhiên không thể thiếu ché rượu cần. Các thành viên sau khi làm lễ cùng già làng, quây quần tổ chức ăn uống, múa hát, lần lượt hỏi thăm, chúc tụng tất cả các hộ gia đình trong làng trong không khí ấm áp và tiếng cồng chiêng trầm hùng của ngày hội.

Tiếp chuyện với chúng tôi, già làng A Pliu (80 tuổi) tâm sự, mặc dù lễ mừng nước giọt ngày nay không còn đầy đủ các thủ tục như trước, dân làng đã bỏ tục đâm trâu, chỉ hiến sinh gà làm phép để không gây phản cảm và tránh ô nhiễm nguồn nước. Thời gian lễ hội lúc trước thường kéo dài, nay được rút ngắn lại, nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa trong đời sống tâm linh của người Rơ Ngao.

Dân làng quây quần bên nhà rông trong lễ mừng nước giọt. Ảnh: NB

Sau khi thực hiện các nghi lễ và cùng nhau ăn uống vui vẻ tại nhà rông, đến cuối buổi chiều, mọi người tiếp tục tỏa về các gia đình trong làng để đánh cồng chiêng và múa hát. Cuộc vui cứ thế kéo dài cho đến đêm mới kết thúc.

Ông Nguyễn Quang Thịnh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đăk La cho biết, thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền xã luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn. Xã đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, điển hình là hội thi cồng chiêng - múa xoang, duy trì và phát triển các nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, làm rượu cần, đan lát; sưu tầm, phát triển các bài dân ca, chế tác nhạc cụ.

“Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên và hỗ trợ bà con trên địa bàn tham gia học tập, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, qua đó, giúp người dân hiểu được những giá trị văn hóa của dân tộc mình để cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy, không để văn hóa truyền thống bị mai một” - ông Thịnh chia sẻ.

Nguyễn Ban

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét