1 thg 4, 2024

Người Sán Chỉ gìn giữ nếp nhà xưa để làm du lịch

Nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của người Sán Chỉ ở xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) từ bao đời nay được tiếp nối, góp phần làm nên sự đa dạng trong bức tranh văn hóa cộng đồng các dân tộc tại tỉnh Quảng Ninh. Văn hóa không chỉ mang lại giá trị tinh thần mà còn có thể góp phần nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào.

Cách trung tâm huyện Tiên Yên gần 30 km, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên có gần 90% dân số là người Sán Chỉ. Văn hóa truyền thống của đồng bào được phản ánh qua hệ thống các lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn thơ, trang phục và kiến trúc... Người Sán Chỉ xưa thường làm nhà sàn 5 gian, 2 mái, tường xây gạch đất, mái lợp ngói âm dương, quanh nhà xếp bờ rào bằng đá suối. Những ngôi nhà sàn bình dị, cũ kỹ nép bên những sườn đồi xanh ngút ngàn tạo nên một bức tranh phong cảnh yên bình và cũng là minh chứng cho sức sống lâu bền của văn hoá người Sán Chỉ.

Xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa của người Sán Chỉ, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng (Ảnh: Hoàng Hiền).

Chị Trần Thị Phấu, ở thôn Khe Lặc, xã Đại Dực rất vui khi thấy được tiềm năng du lịch của xã Đại Dực với mô hình homestay - mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên đang được triển khai tại huyện Tiên Yên: "Tôi sống ở xã Đại Dực nên rất thích ngôi nhà truyền thống của dân tộc Sán Chỉ. Khi phục dựng lại những ngôi nhà này, tôi cảm thấy được sống lại những ký ức ngày xưa. Ẩm thực địa phương có bánh coóc mò, bánh giày, bánh vắt vai không thể lẫn đi đâu được nên giữ gìn và duy trì. Bản thân tôi cũng ý với bản sắc văn hóa dân tộc như mặc trang phục dân tộc, hát Soóng cọ và các trò chơi dân gian".

Tiềm năng du lịch của xã Đại Dực huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đang được đánh thức, với mô hình homestay mang đậm phong cách truyền thống của người Sán Chỉ.

Theo ông Hoàng Việt Tùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, tại xã Đại Dực còn giữ được hơn chục ngôi nhà cổ của người Sán Chỉ dựng trên những quả đồi, trông xuống ruộng bậc thang thuận tiện phát triển du lịch cộng đồng. Đời sống của bà con đã khấm khá nhiều nên việc đón khách cũng là dịp quảng bá văn hóa và một số sản phẩm đặc trưng của đồng bào.

"Chúng tôi chỉ đạo các trường học từ việc mặc trang phục truyền thống vào ngày đầu tuần và thứ 5 giữa tuần. Ở các thôn thành lập các CLB bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc từ may trang phục, hát Soóng cọ, đánh quay, đá bóng... Hàng năm, xã duy trì lễ hội “Mùa vàng miền Soóng cọ” dịp tháng 10 khi lúa bắt đầu chín để quảng bá và khôi phục giá trị văn hóa có trong lễ hội", ông Hoàng Việt Tùng cho biết.

Bà con Sán Chỉ xuống chợ, đi hội hay tham dự các sự kiện lớn của huyện Tiên Yên đều mặc trang phục truyền thống.

Dù vậy, theo đánh giá của một số nhà chuyên môn, để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở Đại Dực nói riêng và Tiên Yên nói chung, cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, ngành của tỉnh Quảng Ninh cần có giải pháp đồng bộ, thiết thực. Quan điểm "không bán, không phá vỡ cấu trúc nhà cổ" cần được đưa vào hương ước của từng thôn, bản để giữ gìn và lưu truyền các giá trị di sản từ đời này sang đời khác.

Ông Phạm Hải Quỳnh (Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam) cho rằng du lịch cộng đồng cần tạo được không gian văn hóa đa sắc màu dựa trên điều kiện vốn có ở địa phương, không bắt chước những nơi đã định hình: "Tôi nghĩ rằng 1 điểm đến không đơn thuần chỉ là những ngôi nhà cổ như thế này. Phải bắt đầu từ nền tảng của Tiên Yên đã có từ trước, cần quy hoạch đàng hoàng. Ở đây còn có 1 hệ thống nhà Pháp cổ, trang trí đèn phù hợp hơn, giảm thiểu sắt thép hoặc bê tông hóa. Cần nhiều mô hình, nhiều không gian khác nhau để trải nghiệm cảnh quan tươi đẹp ở Tiên Yên, thu hút nguồn khách muốn khai thác sâu về văn hóa, có khách thích check-in, thích những bức hình đẹp".

Chị Trần Thị Phấu (thứ 3 từ phải sang) hát Soóng cọ cùng bà con trong bản

Huyện Tiên Yên vừa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Trong dịp này, ở khu Nà Mó, thôn Khe Lục phục dựng lại ngôi nhà của người Sán Chỉ để đón khách du lịch; trong tháng 4/2024, xã Đại Dực tu bổ thêm 03 căn nhà khác và định hướng tuyến du lịch tham quan các phong cảnh của địa phương như ruộng bậc thang, hồ nước, suối nước nóng, chợ phiên,... Ngoài ra, còn có một số điểm đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch như khám phá Núi Thông Châu cao trên 1.000 m, điểm ngắm cảnh tầm xa có thể nhìn tới các huyện Đầm Hà, Bình Liêu, cầu Vân Tiên.

Hoàng Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét