14 thg 3, 2025

Về Sóc Trăng đi Lễ hội Phước Biển 300 năm của đồng bào Khmer

Lễ hội Phước Biển với ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, tạ ơn biển cả đã cho nhiều tôm cá, tạ ơn bãi bồi đã cho vụ mùa bội thu.


Lễ hội Phước biển (Chrôi rum chếk) tại phường 2 (TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) là Lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc Khmer được duy trì hơn 300 năm qua. Lễ được diễn ra vào giữa tháng 2 âm lịch hằng năm với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, tưởng nhớ công ơn cha ông đã có công khai hoang, lập địa, tạ ơn biển cả đã cho nhiều tôm cá, tạ ơn bãi bồi đã cho vụ mùa bội thu, tạ ơn tất cả đã đem đến cho đất và người xứ biển Vĩnh Châu cuộc sống ấm no và hạnh phúc.


Ban đầu lễ này chỉ diễn ra tự phát với quy mô nhỏ, hình thành từ ý tưởng của một nhà sư người Khmer tên là Tà Hu và ông cụ Luôt Pol. Lúc đầu, ông dựng một ngôi tháp trên giồng cát gần chùa Cà Săng ở làng biển xã Vĩnh Châu. Ông chọn ngày rằm tháng 2 âm lịch để lập đàn làm phước, vì đây là thời điểm trời yên, biển lặng, ngư dân nào đi biển về thuyền cũng đầy ắp tôm cá. Sau đó dần dần buổi làm phước này được nhiều người dân quan tâm, nhiệt tình hưởng hứng. Từ đó, Lễ Phước Biển hình thành và trở thành một lễ hội truyền thống không chỉ của người Khmer mà còn của cả người Việt và người Hoa sống quanh vùng này.


Ngày nay, Lễ hội Phước Biển được tổ chức trang trọng tại chùa Cà Săng. Mở đầu là lễ cầu siêu, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, tạ ơn biển cả và cầu mong những điều tốt lành sẽ đến với dân làng. Năm nay, lễ hội được tổ chức vào ngày 13 và 14.3.

Nghi thức rước tượng Phật từ chùa Cà Săng đến khu vực hành lễ là một phần quan trọng của lễ hội.

Tượng Phật được đặt trang trọng tại cột cờ hành lễ, nơi chư tăng và phật tử thực hiện các nghi lễ cầu nguyện tam bảo, cầu quốc thái dân an và lắng nghe chư tăng thuyết pháp.

Chư tăng, phật tử thực hiện các nghi thức.

Theo quan niệm của người Khmer, vùng biển giàu tài nguyên nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi triều cường và bão lũ đe dọa. Do đó, lễ hội còn mang ý nghĩa nhắc nhở mọi người phòng tránh thiên tai, bảo vệ đê điều. Đồng thời, đây là dịp để bà con ăn mừng sau một năm lao động vất vả.

Hình ảnh một em nhỏ thắp hương tại núi cát, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn và mong muốn tích đức cho cuộc sống hiện tại và tương lai.

Người dân còn đến nơi đầu tiên hình thành Lễ Phước Biển để thắp hương cầu mong mưa thuận gió hòa, gia đạo bình an, và lao động sản xuất thuận lợi.


Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, Lễ hội Phước Biển không ngừng được cải thiện và nâng tầm cả về nội dung lẫn hình thức, thu hút đông đảo người dân tham dự. Lễ hội đã trở thành “sợi dây” liên kết thắt chặt tình đoàn kết giữa ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa đang sinh sống trên vùng đất xứ biển Vĩnh Châu. Ngày 5.3. 2025, Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

PHƯƠNG ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét