15 thg 3, 2025

50 năm – cảm xúc sông Hàn

Đà Nẵng, thành phố bên sông Hàn, thành phố du lịch, lễ hội, sự kiện mang tầm cỡ thế giới và là thành phố đáng sống nhất của Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Trong trí nhớ của nhiều người, 50 năm trước Đà Nẵng là một căn cứ quân sự lớn thứ hai của Mỹ ngụy ở miền Nam, chỉ sau Sài Gòn. Thế rồi sự kiện giải phóng Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 3 năm 1975 đã tạo nên một bước chuyển mình mang tính lịch sử cho thành phố biển này để giờ đây Đà Nẵng được mệnh danh là “thủ phủ du lịch” của miền Trung, là “thành phố đáng sống” của Việt Nam và là “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á”... Giờ đây, đứng trước một Đà Nẵng đang rạng ngời và tràn đầy năng lượng để bước vào kỉ nguyên mới, kỉ nguyên vươn mình của dân tộc, những cảm xúc tự hào lại ào ạt ùa về.

Biểu tượng

Buổi chiều bình yên thư thái bên sông Hàn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Trước 1975 Đà Nẵng có hai cây cầu bắc qua sông Hàn, chủ yếu dùng để vận chuyển binh lính và khí tài cho quân đội Mỹ ngụy, nay đã được thay thế bằng cây cầu dây văng tuyệt đẹp Trần Thị Lý (trước 1975 có tên là cầu Trịnh Minh Huế), còn cây cầu vòm bằng thép Nguyễn Hoàng thì được giữ lại để làm di tích lịch sử và đổi tên thành cầu Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Đà Nẵng - thành phố bên sông Hàn đầy trẻ trung, năng động và hiện đại. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

50 năm qua Đà Nẵng đã làm nên một kì tích bên sông Hàn, đưa Đà Nẵng từ một cỗ máy chiến tranh lớn nhất của miền Nam trước 1975 trở thành thành phố đáng sống nhất của Việt Nam và là thành phố du lịch, lễ hội mang tầm thế giới. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

60 năm trước, vào lúc 9 giờ sáng ngày 8/3/1965, các đơn vị thủy quân lục chiến của Mỹ đã đổ bộ vào bãi biển Xuân Thiều của Đà Nẵng và thiết lập ở thành phố này một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn, đánh dấu sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào chiến trường miền Nam Việt Nam. Năm 1967, Đà Nẵng được Mỹ ngụy ấn định là thành phố trực thuộc trung ương và xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa cho vùng I và II chiến thuật. Vì thế Mỹ cho xây dựng ở Đà Nẵng các căn cứ quân sự và nhiều kết cấu hạ tầng như sân bay, kho tàng, bến bãi, cảng, đường sá, công trình công cộng, cơ sở thông tin liên lạc, lập tín dụng ngân hàng…

Tiếng là thành phố trung ương, đô thị lớn thứ hai của chính quyền Sài Gòn nhưng Đà Nẵng lúc bấy giờ cũng chỉ như một cái thị xã của thời chiến. Trong kí ức của nhiều người dân Đà Nẵng và kể cả những người lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, và rõ nhất là những bức ảnh chụp về Đà Nẵng thời ấy nay vẫn còn lưu lại khá nhiều trên internet cho thấy một Đà Nẵng khá buồn tẻ và bụi bặm.

Ngã ba Cai Lang (nay là ngã ba đường Điện Biên Phủ - Lê Duẩn - Lý Thái Tổ) là nơi cánh quân đi đầu của Quân đoàn 2 dừng lại vào trưa ngày 29/3/1975 sau khi vượt qua đèo Hải Vân, sau đó vượt tiếp qua sông Hàn theo hướng cầu Trịnh Minh Thế để rồi tiến thẳng ra Sơn Trà hội quân với Trung đoàn 38 vào lúc 15 giờ ngày 29 tháng 3, đánh dấu thời khắc lịch sử giải phóng Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Ngay đường Bạch Đằng, con đường lớn ở trung tâm thành phố chạy dọc theo bờ Tây sông Hàn thời ấy cũng chẳng có gì ngoài tòa thị chính được xây từ thời Pháp và lơ thơ mấy hàng quán nhỏ với mấy cái nhà hàng nổi dựng chơ vơ trên sông. Hay như đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) vốn là con phố chính ở trung tâm thành phố nhưng thời ấy cũng chỉ rộng chừng 9m; dân sinh sống ở đây phần lớn là dân tản cư tránh bom Mỹ từ Quảng Nam ra và một số ít là những hộ dân sống từ thời Pháp thuộc.

Lúc bấy giờ cả thành phố có hai cây cầu nằm cạnh nhau bắc qua sông Hàn là cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Trần Thị Lý) và cầu Nguyễn Hoàng (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) chủ yếu để phục vụ việc vận chuyển binh lính và khí tài của quân đội Mỹ ngụy từ cảng Tiên Sa vào thành phố. Việc đi lại ở thành phố lúc ấy còn nhiều khó khăn đến mức người dân ở ngoại ô hoặc bên Sơn Trà tuy chỉ cách mấy cây số nhưng mỗi khi vào trung tâm thành phố cũng thường quen nói là “đi Đà Nẵng” nên ai không biết cứ ngỡ là xa xôi, cách trở lắm.

Đèo Hải Vân, con đèo nằm ở vị trí xung yếu chắn giữa Huế và Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Du khách nước ngoài đến tham quan các chứng tích chiến tranh trên đỉnh đèo Hải Vân. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Một cái lô cốt của Mỹ ngụy còn lại trên đèo Hải Vân. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Đèo Hải Vân, con đèo nằm ở vị trí xung yếu chắn ngang giữa Huế và Đà Nẵng. Trưa ngày 29/3/1975, quân ta từ Huế đánh chiếm đèo Hải Vân, phá vỡ tuyến phòng thủ cuối cùng của quân ngụy ở Đà Nẵng để nhanh chóng tiến vào giải phóng trung tâm thành phố vào lúc 15 giờ cùng ngày. Trong ảnh: Du khách trong và ngoài nước tham quan các chứng tích chiến tranh trên đèo Hải Vân. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Thời ấy, Đà Nẵng có nhiều đồn bót, căn cứ quân sự với hàng rào kẽm gai. Từ đèo Hải Vân cho đến những khu vực như Non Nước, Tiên Sa, Sơn Trà, Phước Tường, sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn… đâu đâu cũng thấy có lô cốt, trại lính với hàng rào kẽm gai bít bùng. Những vùng như Phước Tường, Hòa Xuân, Hòa Khánh đất đai hoang hóa bạc màu, dân cư thưa thớt, đa phần là các ấp tân sinh, khu tản cư nhà cửa xập xệ nghèo nàn. Mặc dù là thành phố lớn thứ hai của Việt Nam cộng hòa, chỉ sau Sài Gòn, nhưng chiến tranh đã khiến cho Đà Nẵng trở nên điêu tàn, hàng trăm nghìn dân quê chạy vào các trại tị nạn, các khu ổ chuột đô thị, tệ nạn xã hội tăng nhanh, sản xuất không phát triển.

Bãi biển Mỹ Khê, nơi chứng kiến cuộc tháo chạy đầy hoảng loạn của quân đội ngụy Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 3 năm 1975 nay đã trở thành một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

So với trước 1975 các bãi biển của Đà Nẵng nay đã đổi khác rất nhiều, trở thành những bãi tắm đẳng cấp quốc tế thu hút du khách. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Du khách vui chơi trên bãi biển Mỹ Khê. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Bãi biển Mỹ Khê, nơi chứng kiến cuộc tháo chạy theo đường biển đầy hỗn loạn của quân đội Việt Nam cộng hòa vào những ngày cuối tháng 3/1975 nay đã trở thành bãi biển đẹp nhất hành tinh theo bình chọn của Forbes. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Thời gian trôi qua thật nhanh, thấm thoắt vậy mà đã nửa thế kỉ kể từ ngày Đà Nẵng được giải phóng vào ngày 29/3/1975. 50 năm qua, chính quyền và người dân Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực vươn lên kiến thiết, xây dựng lại quê hương mình, biến mảnh đất buồn tẻ đầy rẫy đồn bốt, căn cứ chiến tranh thành thành phố đáng sống bậc nhất của Việt Nam, là điểm đến du lịch và tổ chức sự kiện tầm cỡ thế giới.

Không khí lễ hội luôn tràn ngập ở thành phố biển Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Đà Nẵng giờ là thành phố của lễ hội và sự kiện. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Những chiếc siêu du thuyền thường xuyên có mặt ở Đà Nẵng, thành phố du lịch biển hàng đầu của Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Đà Nẵng nay đã trở thành thành phố du lịch, lễ hội hàng đầu của khu vực. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Đà Nẵng hiện là thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố trung tâm và lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có diện tích khoảng 1.285 km², dân số khoảng 1,2 triệu người và là địa phương có tốc độ tăng trưởng GDP cao của cả nước. Với tiềm năng và thế mạnh của mình, Đà Nẵng đang hướng đến trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo, y tế chất lượng cao và là đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống của đất nước.

Những tòa cao ốc đang ngày một nhiều hơn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Đường Bạch Đằng nay đã khác xưa nhiều lắm, đó là một con đường lớn tuyệt đẹp bên sông Hàn quanh năm rợp bóng cây xanh và những tòa cao ốc mọc lên san sát. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Cảng Tiên Sa ngay dưới chân bán đảo Sơn Trà cũng trở thành cảng thương mại lớn nhất khu vực miền Trung. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Trung tâm Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Từ một sân bay quân sự, sân bay Đà Nẵng giờ đã là sân bay quốc tế nhộn nhịp nhất khu vực miền Trung với nhiều đường bay trong nước và quốc tế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Và là trung tâm kinh tế, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, logistics... hàng đầu của khu vực miền Trung Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Hôm nay đây, đi giữa một Đà Nẵng rạng rỡ, hiện đại, tràn đầy năng lượng và khát khao đổi mới, sáng tạo khiến cho lòng người không khỏi bừng lên niềm vui xen lẫn tự hào. Đó chính là những cảm xúc khó phai về một Đà Nẵng đổi thay kì diệu sau 50 năm giải phóng, một kì tích sông Hàn, một câu chuyện tràn đầy cảm hứng về thành phố trẻ bên bờ Biển Đông.

Bán đảo Sơn Trà trước 1975 là căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ngụy, nay đã trở thành khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã và phát triển du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Sơn Trà trước 1975 gọi là quận 3 vốn chỉ là vùng làng chài nghèo nay đã là khu du lịch biển mang đẳng cấp quốc tế. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Khu vực núi Sơn Trà và cửa biển Đà Nẵng trước 1975 chủ yếu là khu căn cứ quân sự, nay đã trở thành khu dân cư, cảng biển, du lịch và hậu cần nghề cá đông đúc nhộn nhịp nhờ có cây cầu dây văng Thuận Phước hiện đại bắc qua cửa biển Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Thành phố Đà Nẵng nhìn từ phía sân bay dã chiến có từ thời Mỹ ngụy ở trên đỉnh Sơn Trà. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Sơn Trà, trước 1975 gọi là quận 3 vốn là một vùng làng chài nghèo gắn liền với các khu căn cứ của Mỹ ngụy, nay đã trở thành trung tâm du lịch biển hàng đầu của Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Bài, ảnh: Thanh Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét