Được thành lập năm 2021, là mô hình trang trại du lịch kết hợp trải nghiệm sinh thái, mang nét đặc trưng của vùng quê sông nước Vĩnh Long nói riêng và Nam Bộ nói chung. Điểm du lịch Somo Farm Cửu Long tiếp giáp các xã như: Nhơn Phú, An Phước, Mỹ An… nằm trong vùng lõi của đề án quy hoạch “Di sản đương đại Mang Thít”, được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận là điểm du lịch của tỉnh năm 2023. Nơi đây có sản phẩm đạt được chứng nhận OCOP 4 sao đối với mô hình du lịch sinh thái và 06 sản phẩm rượu truyền thống Cửu Long và Cửu Long Mỹ Tửu. Năm 2024 được công nhận là điểm đến du lịch hấp dẫn Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
Trái mít được canh tác theo quy trình hữu cơ tại điểm du lịch phục vụ du khách
Với định hướng phát triển “xanh” và bền vững, điểm du lịch Somo Farm được xem là một điểm đến du lịch sinh thái của địa phương, góp phần phát triển du lịch cộng đồng và quảng bá văn hóa của Vĩnh Long, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề nguồn lao động tại chỗ. Đến đây, du khách có thể cảm nhận được mùi hương lúa non ngọt ngào tỏa trong sương sớm ban mai, cũng có thể thả mình trong ánh nắng lãng mạn mỗi buổi chiều tà, thu trọn vào tầm mắt bức tranh hoàng hôn ửng vàng khi hoàng hôn buông xuống. Với sự bình yên của cảnh sắc nơi đây sẽ giúp du khách gác lại những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Đến với Somo Farm Cửu Long, du khách sẽ trải nghiệm cuộc sống miền sông nước với những hoạt động đa dạng, độc đáo mang đậm nét văn hóa Nam Bộ.
Du khách có thể hóa thành cô thôn nữ để lưu lại những tấm ảnh đẹp
Tại đây, du khách có thể tham gia các hoạt động giải trí như câu cá, bơi xuồng, lội mương bắt cá hay trải nghiệm quá trình chăm sóc và thu hoạch rau trái hữu cơ…Bên cạnh đó, du khách có thể tự tay làm các sản phẩm thủ công như nặn gốm, làm nón, đan lục bình… hay học nấu các món ăn truyền thống như làm các loại bánh dân gian. Không chỉ vậy, du khách còn có thể hóa thành người nông dân bơi xuồng xuôi theo những con rạch rợp bóng dừa nước, len lỏi qua những cách đồng để ghé thăm các vườn cây trái, hái một mớ “rau đồng” để về tự tay chế biến thức ăn… hay thăm làng nghề gạch, gốm trên dòng kênh Thầy Cai hơn trăm tuổi.
Bài, ảnh: Huỳnh Duy, Mỹ Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét