2 thg 12, 2020

Mùa vàng bên dòng Quây Sơn

Dòng Quây Sơn ở huyện miền biên viễn Trùng Khánh (Cao Bằng) đẹp như một bức tranh thủy mặc vào mùa lúa chín.

Sông Quây Sơn bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc rách chảy xuống từ những ngọn núi dọc chiều dài biên giới Việt - Trung, hợp lưu của 2 nhánh sông nhỏ từ xã Phong Nặm và xã Ngọc Côn, tạo nên dòng chính Quây Sơn kỳ vĩ tại xã Đình Phong (Trùng Khánh). Sông chảy xuôi qua xã Chí Viễn đến xóm Co Muông, xã Đàm Thủy rồi đổ dòng tạo nên ngọn thác Bản Giốc chứa đầy màu huyền thoại.

Dòng Quây Sơn bắt đầu chảy vào địa phận Việt Nam tại xã Ngọc Côn, bao quanh là đồi núi trùng điệp và những thửa ruộng chuyển sắc vàng cuối từ cuối tháng 9. Mùa lúa kéo dài hơn một tháng tại huyện Trùng Khánh bị “mê mẩn” bởi cảnh sắc thiên nhiên, từ khi lúa còn xanh tới lúc chuyển vàng bên dòng Quây Sơn.
Ruộng lúa chín vàng nằm xen lẫn với những thửa đã gặt xong nhìn từ trên cao. Đoạn đường nối thị trấn Trùng Khánh với xã Phong Nậm dài khoảng 10km được đánh giá là nơi sở hữu nhiều khung cảnh mùa vàng gây ấn tượng với du khách.

Non nước vùng sông Quây Sơn là những điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Vào mùa lúa chín, những địa danh này thu hút nhiều khách tham quan và các nhiếp ảnh gia trên cả nước tới ngắm cảnh, chụp hình.

Dòng Quây Sơn ở huyện miền biên viễn Trùng Khánh (Cao Bằng) đẹp như một bức tranh thủy mặc vào mùa lúa chín. Ảnh: Công Đạt

Cánh đồng Ngọc Côn vào mùa thu hoạch lúa nếp ong. Ảnh: Công Đạt

Những người phụ nữ Tày ở Ngọc Côn thu hái lúa theo phương pháp cổ truyền. Có nghĩa là họ sẽ hái từng bông một, sau đó mới gom thành bó. Ảnh: Trịnh Bộ 

Gánh lúa về bản. Ảnh: Công Đạt

Phơi lúa bên hiên nhà sàn. Ảnh: Trịnh Bộ

Du khách trong trang phục dân tộc Mông chụp ảnh lưu niệm bên nhà sàn đá có gài những bó lúa nếp ong mới thu hoạch. Ảnh: Trịnh Bộ 

Đến thăm sông Quây Sơn thật thiếu sót nếu du khách không thưởng thức vị ngọt thơn lúa nếp ong bản địa. Lúa nếp ong (dân địa phương gọi là Khẩu Phjẩng) được trồng trên những đám ruộng màu mỡ bên dòng sông Quây Sơn trong xanh. Có lẽ do đất đai, khí hậu và dòng nước trong, mát lạnh nên lúa nếp Ong có bông dài, hạt tròn to, gạo thơm, dẻo, có hương vị độc đáo, thơm ngon hơn hẳn các loại gạo nếp khác, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Lúa nếp ong ở Trùng Khánh có bông dài, hạt tròn to, gạo thơm, dẻo, có hương vị thơm ngon hơn hẳn các loại gạo nếp khác, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Nếp ong, đặc sản của những cánh đồng trên cánh đồng Ngọc Côn được người dân bó thành từng bó lớn gánh từ đồng về trong mùa thu hoạch. Đây là loại nếp hạt mẩy, to tròn, khi nấu hạt ráo và dẻo ngon hơn cả nếp cái hoa vàng.

Chị Hoàng Thị Thủy, xóm Bản Viết, xã Phong Châu chia sẻ: Giống lúa nếp ong được người dân địa phương trồng từ xa xưa. Đây là loại gạo nếp thơm ngon, nhất là khi nấu xôi, làm bánh chưng, bánh dày đều rất mềm dẻo, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, giá bán ra thị trường luôn đắt hơn các loại gạo nếp khác, trung bình thóc nếp ong có giá từ 16 - 18 nghìn đồng/kg

Dòng Quây Sơn vị trí là trung tâm của tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” trong hành trình khám phá Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, đang có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển du lịch bền vững, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, gắn với bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một mảnh đất tươi đẹp, giàu giá trị truyền thống ở miền biên viễn địa đầu Tổ quốc.

Bài: Trịnh Bộ - Ảnh: Trịnh Bộ - Công Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét