14 thg 12, 2020

Mùa săn nấm mối ở miền núi Hà Tĩnh

Tháng 10 âm lịch, sau những cơn mưa ngắn bất chợt, thời tiết hơi nồng ẩm là lúc nấm mối nở rộ ở các vùng miền núi Hà Tĩnh.

Nhiều ngày nay, người dân huyện miền núi Hương Khê liên tục tìm được nhiều nấm mối sau những đợt mưa.

Nấm mối xuất hiện nhiều nhất trong các lô cao su, rừng tràm.

Mùa nấm mối rất ngắn, chỉ kéo dài 10-15 ngày, số lượng thường không nhiều. Bởi vậy, nấm mối hiếm khi xuất hiện trên thị trường.

Nấm mối có thân màu trắng, mặt ngoài màu nâu xám, hơi giống màu cành, lá khô, khi nở, nấm xòe ra giống hình cây dù.

Chúng thường mọc nơi đất tơi xốp, độ ẩm cao như phía trên các tổ mối hoặc nơi có nhiều lá mục, xen lẫn bụi rậm.

Sau đợt mưa, gia đình chị Tâm ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) lại ra khu rừng tràm của gia đình tìm nấm mối.

Những ngày này, đi dọc các mô đất, tổ mối, bình quân mỗi ngày chị Tâm săn được từ 3-5 kg nấm mối. Với mỗi kg nấm, chị bán với giá 300.000-400.000 đồng. Có những ngày may mắn, tìm được khoảng 5 kg nấm thì gia đình có thêm khoản thu hơn xấp xỉ 2 triệu đồng.

“Nấm mối ngon nhất là lúc còn búp, khi đã nở xòe gặp mưa sẽ nhanh bị hư và kém phần ngon hơn. Nấm mọc từng đám, tìm nấm không vất vả nhưng cần may mắn…”, chị Tâm nói.

Tương tự, gia đình anh Trần Xuân Loát ở xã Hương Trạch cũng tìm được khá nhiều nấm mối, tuy nhiên anh coi đây là quà “trời ban” và chỉ để làm thực phẩm trong gia đình.

Nấm mối cho đến nay ở Hà Tĩnh chưa trồng được nên được xem là đặc sản tự nhiên. Nhiều người biết đến đặc sản này cũng sẵn sàng thu mua với giá khá cao. Nhờ đó, người nông dân tìm được nhiều nấm mối sẽ có thêm một khoản thu nhập khá.

Dân gian truyền miệng rằng: “Nấm tháng năm nằm lăn trong bụi, nấm tháng mười nằm cười giữa đàng” ý nói mỗi năm có 2 mùa nấm. Mùa tháng 10 thì dễ tìm và nhiều hơn vụ tháng 5 (âm lịch).

Nấm mối chế biến được rất nhiều món ăn khác nhau, có thể xào tỏi, xào với mướp hương; nấm nấu cháo và chế biến nhiều món ăn khác.

Hương Lĩnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét