5 thg 12, 2020

Lăng Ông Tiền Quân Thống Chế Điều Bát – Trà Ôn – Vĩnh Long

Khu di tích Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát, thuộc ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Từ quốc lộ 54 rẽ vào hướng Trà Ôn có con đường mang tên Thống chế Điều bát. Nằm cạnh con đường này có Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát tọa lạc trên mảnh vườn cây cao bóng mát, xung quanh có tường rào bao bọc rộng đến 8ha.

Quan Tiền tướng quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn tên thật là Thạch Duồng (1763 – 1820), một người dân tộc Khơ-me, quê ở tại làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, Càng Long (Trà Vinh). Ông theo phò chúa Nguyễn, có công lớn trong việc khai khẩn vùng đất Trà Ôn, Cầu Kè và tạo được mối đoàn kết giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, ngăn chặn được sự xâm lấn của quân Xiêm La. Ông cùng các tướng sĩ tham gia hỗ trợ cùng Thoại Ngọc Hầu đào vét kênh Vĩnh Tế nên chúa Nguyễn cảm kích phong chức Điều bát và được mang Quốc thích là Nguyễn Văn Tồn. Khi ông mất được truy tặng là Tiền quân Thống chế Điều bát. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì Thống chế Nguyễn Văn Tồn bị nhiễm bệnh dịch trong lúc tham gia đốc thúc đào kinh Vĩnh Tế. Năm đó có dịch lớn, giết chết hàng ngàn dân phu và lan rộng ở nhiều tỉnh Nam Kỳ. Vợ chồng Thống chế Nguyễn Văn Tồn mất cùng một ngày sau Tết Canh Thìn 1820.
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là sau khi vợ chồng Thống chế Điều bát mất thì dịch bệnh tự dưng chấm dứt. Bấy giờ người dân vùng Trà Ôn – Mân Thít cho rằng ông hiển linh phù hộ dân làng khỏi dịch bệnh nên kéo đến lăng mộ làm lễ cúng vái ông, mong được che chở và tín ngưỡng thờ ông Thống chế Điều bát xuất phát từ đó.

Lăng Ông Trà Ôn thờ Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, tồn tại đã 200 năm đã qua nhiều lần trùng tu, được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996.

Về kiến trúc, phần lăng có chính điện, võ ca và nhà khách, được xây cất theo lối đình Nam bộ với vật liệu bằng gỗ, lợp ngói, nền gạch, vách tường.

Từ ngoài nhìn vào, cổng tam quan và hàng rào quanh lăng Ông Thống chế Điều bát được xây dựng năm 1963, phục dựng năm 1994. Hai bên cổng có cặp liễn đối: “Huân danh chiếu nhật tự cập thiên thu/ Đức nghiệp sơn hà tình thương tứ hải”, tạm dịch: “Muôn đời công danh sáng chói truyền tụng hằng ngày /Sự nghiệp với non sông yêu thương bốn biển”. 

Cổng tam quan 

Sau khi đi qua cổng này, sẽ bắt gặp một cổng nữa, phía sau cổng này là một sân rộng, được tráng xi măng với nhiều cây xanh, hoa cảnh xung quanh sân. Bên trong khuôn viên có bức bình phong vẽ hình long hổ. Trước chánh điện là võ ca và cột cờ cao 10m treo cờ Soái. 

Cổng tiếp theo 

Khuôn viên với nhiều cây xanh, hoa cảnh

Võ ca xây dựng năm 1953 bằng vật liệu nặng, có 4 cột tròn. Các đầu mái võ ca trang trí hình đồng tiền bằng sành. Mái võ ca lợp ngói âm dương, bên trên có tượng lưỡng long tranh châu, cặp cá hóa long. Hai bên cửa võ ca đặt tượng hai kỳ lân oai dũng. Nổi bật là tấm hoành phi sơn son thếp vàng với bốn đại tự “Hộ quốc an dân”. 

Võ ca 

Chính điện rộng khoảng 200 m2, có tứ trụ nâng đỡ tạo thành mái hình bánh ít, xuyên câu. Mái lợp ngói âm dương. Đầu mái có hoa văn đồng tiền sành. Trên nóc có đôi rồng chầu nhật nguyệt. Có ba cửa vào chánh điện. Bên trên cửa chính có bảng khắc chữ nổi “Mỹ Thanh hội quán”. Hai bên cửa có cặp liễn đối diễn tả ý nghĩa Mỹ Thanh: “Mỹ đức tất hữu lâm châu liên bích hợp/ Thanh lý an nghiệp ngọc túy kim hòa năng” (Đất Thiện Mỹ luôn tốt đẹp như viên ngọc/Giồng Thanh Bạch được an cư lạc nghiệp). 


Bên trong bàn thờ giữa thờ tượng chân dung Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, bên phải thờ tượng phu nhân Thống chế Điều bát. Bên trái thờ Bình Tây phó tướng Nguyễn An. Trước bàn thờ chính là bàn Hội đồng thờ các danh nhân như Tả quân Lê Văn Duyệt, Bình Tây tướng quân Trương Định, Anh hùng Nguyễn Trung Trực… Việc bố trí các bàn thờ theo bố cục truyền thống của đình làng Nam bộ. 

Bàn thờ bên trong 

Phần mộ của Tiền quân Thống chế Điều bát và phu nhân tọa lạc phía sau lăng theo kiểu song táng được xây dựng năm 1820 có kết cấu bằng vôi và ô dước, mật ong, đường. Mộ Ông cao hơn mộ Bà. Trước mộ có tấm bình phong với hai câu đối: “Hoa di cộng ngưỡng/ Mân Quảng đồng tri ân” (Người Hoa, người Khmer đồng ngưỡng mộ/Người Việt, người Hoa đều nhớ ơn). Khu vực này được giữ nguyên trạng từ xưa đến giờ. 

Phần mộ của Tiền quân Thống chế Điều bát và phu nhân 

Suốt hàng trăm năm qua, người dân Trà Ôn vẫn giữ lệ tổ chức Lễ hội Lăng Ông vào mùng 3 và mùng 4 Tết Nguyên đán hằng năm mang ý nghĩa cầu phước vào những ngày xuân và quan Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn trở thành vị phúc thần của bà con 3 dân tộc:Khơ-me, Kinh, Hoa.

Lễ hội đã có sức sống mạnh mẽ, tầm ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi ở vùng Trà Ôn mà còn lan rộng ra cả tỉnh Vĩnh Long, thu hút số lượng lớn người tham gia. Trong tâm thức của nhân dân huyện Trà Ôn, Đức Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn là đấng linh thiêng, bởi thế cầu phước trong ngày giỗ của Đức ông sẽ giúp nhân dân trong vùng có được mùa màng bội thu, hoa quả tươi tốt, làm ăn phát đạt, gia đình yên vui và xóm ấp bình an. 

Trò chơi dân gian trong lễ giỗ thường niên 

Đây cũng là một địa điểm du lịch Vĩnh Long hấp dẫn được du khách thập phương ghé thăm thưởng ngoạn phong cảnh, thắp hương cầu may đầu năm và xem các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian. Qua đó làm phong phú thêm những nhu cầu tâm thức, tâm linh và nâng cao thêm vốn hiểu biết về văn hóa các vùng quê thuộc miệt vuờn Nam bộ.

Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer đối với vị tướng có công với dân, với nước. Đồng thời thông qua lễ hội khơi dậy tinh thần đoàn kết, tình yêu thương gắn bó của dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trong cộng đồng để cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn là sự tổng hòa, thống nhất trong đa dạng về loại hình nghệ thuật dân gian nhưng lại mang những nét độc đáo riêng biệt của từng dân tộc Kinh, Hoa, Khmer sinh sống tại vùng đất Trà Ôn, đồng thời các trình diễn dân gian như: nhạc ngũ âm, múa Sa – dăm, múa dân gian Khmer, múa lân, nhạc Tùa Lầu Cấu, hát bội,… đã tái hiện được những nét sinh hoạt văn hoá cổ xưa của người dân vùng Trà Ôn.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 261/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét