30 thg 12, 2020

Thăm làng nghề dệt chiếu truyền thống ở Cà Mau

Cà Mau có nhiều làng nghề dệt chiếu truyền thống như: Tân Thành (thành phố Cà Mau), Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), Tân Lộc (huyện Thới Bình)… Từ những nguyên liệu như sợi lác, dây đay, dây bố… được nhuộm nhiều màu sắc, những người thợ đã dệt nên những tấm chiếu đa sắc, hoa văn trang trí tinh xảo, độ bền cao, mang thương hiệu riêng của chiếu Cà Mau.

“Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm 
Công anh cực lắm mưa nắng dãi dầu 
Chiếu này tôi chẳng bán đâu 
Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm…” 

Chiếu Cà Mau là thương hiệu nổi tiếng cả nước, không phải chỉ bởi bản vọng cổ lừng danh “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu do cố nghệ sĩ Út Trà Ôn thể hiện, mà chiếu ở đây được làm bằng thủ công với những bí quyết riêng để tạo nên những chiếc chiếu đẹp và bền.
Nằm trên chiếu Cà Mau, chúng ta sẽ cảm nhận được cái “mát rượi” khi trời nóng bức và cảm thấy “ấm áp” khi trời mưa sa gió lạnh. Hơn thế, chiếu còn cho người sử dụng cảm nhận được mùi thơm dìu dịu từ cây lác, sợi đay, mùi hương đồng nội Cà Mau.

Theo bà Châu Thị Niệm, nghệ nhân đã theo nghề dệt chiếu 72 năm, nghề dệt chiếu Cà Mau hình thành từ hàng trăm năm trước, có nguồn gốc từ nước ngoài và truyền vào miền Nam vào khoảng thế kỷ 15, thời vua Lê Thánh Tông chiến thắng Chiêm Thành.

Để có được một chiếc chiếu đẹp đòi hỏi những người thợ phải qua nhiều công đoạn như chặt, chẻ, phơi khô và nhuộm lát; chấp trân lắp vào khuôn và dệt.

Đầu tiên là khâu chọn lác. Lác phải cao đều, không lớn cũng không nhỏ, thân lác không đốm và gốc ít ù. Thông thường từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch, khi cây lác đã trổ bông và cao hơn đầu người (khoảng 2 m) thì được cắt về, chẻ nhỏ, phơi khô. 

Phơi lác 

Nếu dệt chiếu lẫy (chiếu hoa, chiếu bông) thì từ những cọng lác đã phơi khô phải được nhuộm 3 màu cơ bản: đỏ, xanh, vàng và trắng bằng màu cây lá tự nhiên. Lác được mua xong rồi cạo bỏ lớp da ngoài, chẻ nhỏ, phơi cho khỏi bị úng. Những ngày nắng tốt, trong nhà mọi người tất bật chẻ lác; bên ngoài tác được phơi chật sân, chật đường. 

Nghệ thuật nhuộm lác của người thợ đạt đến kỹ thuật cao, làm nên chiếu không phai màu 

Sau ba ngày phơi nắng, lác mềm nên dễ dàng xé mịn để rồi đem se thành sợi. Người dùng tay chùi, đập những sợi với nhau, nhanh tay lấy từng sợi lác sao cho chúng đúng màu, đúng hình vẽ. Phải mất ít nhất bốn ngày, người dệt giỏi mới hoàn thành đôi chiếu. Với họ, ngoài việc mưu sinh thì nghệ dệt chiếu là niềm đam mê, nếu không được ngồi chẻ lác, se sợi… họ lại nhớ nghề.

Ở Cà Mau có những gia đình đã ba, bốn đời theo nghề dệt chiếu. Có nhiều gia đình họ lấy nghề dệt chiếu để sáng tạo. Thay vì một đôi chiếu làm trong đôi ba bữa, họ lại dày công gần cả tháng trời để tạo hoa văn trang trí hình nổi độc đáo trên mặt chiếu, họ chẳng khác gì những nghệ sĩ. 

Từ đôi bàn tay khéo léo, hàng trăm nghìn chiếc chiếu đẹp tỏa đi muôn nơi 

Ngày nay, tuy bị cạnh tranh dữ dội với những loại chiếu ngoại nhập, nhưng thương hiệu chiếu Cà Mau vẫn âm thầm, bền bỉ tồn tại và phát triển. Nghề làm chiếu vẫn luôn bền bỉ duy trì, được nhiều người sử dụng và trở thành một làng nghề truyền thống đặc sắc, đóng góp cho du lịch những giá trị văn hóa sâu sắc về đất và người Cà Mau. 

Một chiếc chiếu đã được hoàn thành 

Du lịch Cà Mau, đến thăm làng nghề dệt chiếu Tân Duyệt, Tân Lộc, Tân Thành trong những ngày vào vụ bạn sẽ thích thú khi nơi này lúc nào cũng đầy màu sắc từ trong nhà ra ngoài ngõ bởi những sợi lát xanh, đỏ, vàng, trắng, tím… Tận mắt chứng kiến cảnh tất bật của những người thợ lành nghề từ già, trẻ, gái, trai bên khung dệt, cọng lát, sợi trân… để sản xuất ra những manh chiếu xinh xắn, đẹp mắt; cùng với đôi tay khéo léo của những người thợ nhuộm màu lát, in hoa văn, vành, viền…du khách sẽ có được những trải nghiệm hết sức thú vị với nghề truyền thống độc đáo này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét