28 thg 5, 2018

Võ đường họ Mã trên đất Biên Hòa

Cây bằng lăng nhỏ, nơi bà Chi đặt quán cà phê “cóc” trên đường 30-4 (hẻm 39, KP.3, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa), giờ to bằng một vòng tay. Thời gian cây trưởng thành cũng là từng đó năm thầy, trò phái Thiếu lâm Hồng Mi Đạo Nhơn ở Biên Hòa chọn điểm này ngồi nhâm nhi cà phê tiếp giao bạn bè, môn đệ vào các buổi sáng. 

Lão võ sư Mã Thanh Hoàng trình diễn một thế võ Thiếu lâm Hồng Mi Đạo Nhơn. 

Người đầu tiên truyền bá môn võ phái Hồng Mi Đạo Nhơn vào Biên Hòa là lão võ sư Mã Thanh Hoàng (tên thật là Đinh Quốc Hưng, 76 tuổi, Chưởng môn phái Thiếu lâm Hồng Mi Đạo Nhơn tại TP.Biên Hòa).

* Gắn bó với võ thuật cổ truyền
Năm 1951, mới 9 tuổi lão võ sư Mã Thanh Hoàng được cha gửi về Sài Gòn để vừa học võ vừa học chữ. Nhờ mối quan hệ của cha, lão võ sư Hoàng được thọ giáo cố võ sư Mã Thanh Long cho đến khi ông đỗ tú tài 1 (tú tài bán phần).

Được sư phụ cho phép vào năm 1968, lão võ sư Hoàng về lại vùng đất Biên Hòa để học tiếp tú tài 2 (tú tài toàn phần) và mở lò dạy võ cho con em lao động tại xã Bình Trước (nay thuộc TP.Biên Hòa). Sau khi đỗ tú tài 2, lão võ sư Hoàng xin vào làm viên chức tỉnh Biên Hòa, đồng thời vẫn tiếp tục nghiệp võ.

Lớp đệ tử đầu tiên của lão võ sư Hoàng có khoảng 30 võ sinh. Các võ sinh đa phần là con em lao động, tiểu thương và cả trẻ bụi đời. Võ sinh thuộc gia đình có điều kiện thì lão võ sư Hoàng thu học phí, võ sinh nhà nghèo, trẻ lang thang, cơ nhỡ thì võ sư Hoàng nhận dạy miễn phí.

Thời điểm năm 1968, khi võ đường phái Thiếu lâm Hồng Mi Đạo Nhơn của võ sư Hoàng xuất hiện thì phong trào võ cổ truyền ở vùng đất Biên Hòa phát triển rất mạnh mẽ với sự có mặt của rất nhiều môn phái tên tuổi như: Tây Sơn Xuân Bình võ đạo (của võ sư Xuân Bình); Đông Sơn Hòa (của võ sư Châu Sà Mách); Bảo Long Tam Nhạn (của võ sư Hoàng Thiện Chí); Lam Sơn võ thuật đạo (của võ sư Nguyễn Văn Du)...

Võ sư Hoàng kể ngày đầu mở võ đường chiêu nạp môn sinh ông cũng gặp rất nhiều khó khăn, điểm tập lúc thì được mở nơi tòa thị chính, lúc tại nơi khu phố nghèo, lúc thì chuyển về nhà cha mẹ để dạy... Tuy vậy, võ sư Hoàng cũng sớm đào tạo được đội ngũ môn sinh kế cận làm rạng danh môn phái như: võ sư, huấn luyện viên Mã Thanh Sơn, Mã Thanh Phát, Mã Thanh Lộc, Mã Thanh Châu, Mã Thanh Hiền... Trong số các học trò của lão võ sư, có người là liệt sĩ, cựu chiến binh, huấn luyện viên quốc gia.

Sau năm 1975, các võ đường, phòng tập họ Mã trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều. Đến nay, lão võ sư Hoàng tự hào việc ông đã đào tạo được trên 20 võ sư cho môn phái Thiếu lâm Hồng Mi Đạo Nhơn tại võ đường. Từ đó, các học trò của ông tiếp tục phát triển thêm hàng chục phòng tập trong và ngoài tỉnh với môn sinh hàng ngàn người, góp phần làm rạng danh tên tuổi của cố võ sư Mã Thanh Long.

* Trọng nghĩa khinh tài
“Cao nhân tắc hữu, cao nhân trị” câu thành ngữ này ngụ ý nói rằng “người giỏi ắt có người giỏi hơn”. Vốn là “cây đa, cây đề” trong giới võ thuật đất Biên Hòa, lão võ sư Hoàng càng ghét thói tự phụ, kiêu căng, khoe tài. Chính vì vậy, lão võ sư Hoàng luôn răn dạy đồ đệ luôn biết “trọng nghĩa khinh tài”, coi trọng đạo nghĩa, không màng vật chất, dùng võ thuật giúp người thế cô chứ không được bạo ác, bạo tàn. 

Lão võ sư Mã Thanh Hoàng cùng các môn sinh luyện tập vào năm 1969 tại Biên Hòa. 

Thời xưa, cha lão võ sư Hoàng theo nghề thuốc giúp dân nghèo vẫn nuôi được đàn con học hành tử tế. Còn lão võ sư Hoàng vì theo nghề võ nên đến bây giờ vẫn khó khăn, cuộc sống dựa vào đồng lương hưu trí và sự hiếu thảo của các con, các trò. Lão võ sư Hoàng tâm sự thời còn làm viên chức, lương của ông mỗi tháng dư mua 1 xe Honda Dame 50cc. Tuy vậy, vì phải bỏ chi phí ra lo cho học trò nghèo, phong trào nên lão võ sư Hoàng chẳng tích cóp được gì riêng cho bản thân.

Hồng Mi Đạo Nhơn có nguồn gốc từ Thiếu lâm Trung Hoa thuộc chi phái Hồng Mi do Mã Thanh Khôn sáng lập tại Đài Loan (Trung Quốc). Người đưa võ học Thiếu lâm Hồng Mi vào Việt Nam là Huỳnh Kim Hên (tên hiệu là Mã Thanh Long, sinh năm 1910, mất năm 1976), là thầy của lão võ sư Mã Thanh Hoàng. Tiếp nối truyền thống môn phái, lão võ sư Hoàng cùng các đồ đệ tiếp tục đưa môn phái Thiếu lâm Hồng Mi Đạo Nhơn hòa nhập vào Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Đồng Nai và Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
 Cái mà lão võ sư Hoàng có được giờ không phải tiền tài mà là uy đức. Bởi vì, ông luôn biết lấy chữ “nhẫn” làm đầu khi xử lý tình huống. Lão võ sư Hoàng kể lúc ông mới mở võ đường, một võ sư người Hàn Quốc hỏi ông có biết công phá không? Ông trả lời không. Rồi ông lấy nửa cục gạch cầm trên tay và hạ tấn thấp để cho vị võ sư kia công phá. Nắm đấm của vị võ sư Hàn Quốc đánh ra, lão võ sư Hoàng nhanh nhẹn lách người và đưa đầu gạch vào mang tai đối phương rồi khẽ nói: “Con nhà võ không phải là cây cột điện, cây chuối đứng im cho người khác dùng sức công phá”. Cách xử sự của lão võ sư Hoàng làm vị võ sư Hàn Quốc kinh ngạc, thán phục về sự khiêm tốn của ông.

Với tâm niệm của người dạy võ, lão võ sư Hoàng cho rằng người thầy phải dạy đạo đức trước cho trò rồi mới dạy võ thuật. Bởi vì, người học võ nếu lấy võ thuật làm sức mạnh thì sức mạnh đó không vững bền. Ngược lại, người học võ nếu biết lấy tình thương, lòng nhân ái, đạo đức làm sức mạnh thì sức mạnh mới bền lâu.

Mỗi buổi sáng, lão võ sư Mã Thanh Hoàng giữ thói quen ngồi quán cà phê cóc của bà Chi để các trò tiện thể ghé vào thăm hỏi sức khỏe, trao đổi công việc. Còn những người lao động nghèo thì tiện bề gặp gỡ lão sư phụ họ Mã xin thuốc xoa bóp, trị thương vì biết tính ông quen với việc “lấy phú tế bần” (chỉ lấy tiền thuốc của người khá để hỗ trợ lại người nghèo) mấy chục năm nay.

Đoàn Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét