27 thg 5, 2018

Đỉnh Bàn Cờ

Đỉnh Bàn Cờ tọa lạc trên bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà) với độ cao gần 700m so với mực nước biển. Không cần chờ đến khi đặt chân tới đỉnh, du khách vẫn có thể tận hưởng cảnh đẹp Đà Nẵng dọc con đường dẫn từ trung tâm thành phố lên đến Bàn Cờ.

Bức tượng Đế Thích chơi cờ thu hút nhiều khách tham quan. Ảnh: ANH TUẤN 

Từ chân núi Sơn Trà, có nhiều đường đi để du khách lựa chọn. Phổ biến nhất là đường lên chùa Linh Ứng rồi đi tiếp lên đỉnh Bàn Cờ. Ngoài ra, có thể chạy dọc theo đường Yết Kiêu, khi đến gần doanh trại quân đội Vùng 3 Hải quân thì rẽ lên một con dốc nhỏ rồi chạy thẳng đến đỉnh dốc.

Dù đi trên con đường nào, du khách cũng được trải nghiệm những đoạn đường uốn lượn uyển chuyển, hai bên đường là những thân cây to, nhiều loại bụi rậm và dây leo um tùm. Có những đoạn đường một bên là vách núi, bên kia là biển thanh bình, sóng vỗ lấp lánh.

Càng lên cao không khí càng mát mẻ. Lúc này, có thể hít một hơi thật sâu để tận hưởng hương thơm trong lành của cỏ cây, rừng núi; cảm nhận từng ngọn gió vờn mơn man trên da thịt.

Đỉnh Bàn Cờ nằm ở cuối quãng đường ấy. Nếu may mắn đến đây vào một ngày trời trong, sẽ thấy không khác gì chốn “bồng lai tiên cảnh”. Chịu khó leo bộ một đoạn đường ngắn, du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Đà Nẵng từ độ cao gần 700m với biển Tiên Sa lấp lánh dưới nắng, những chiếc thuyền đánh cá xẻ sóng ra khơi, những tòa nhà cao tầng cùng những cây cầu nổi danh bắc qua sông Hàn ẩn hiện trong làn mây trắng.

Thế nhưng, đây vẫn chưa phải là điểm đặc biệt nhất khiến khách tò mò. Sở dĩ đỉnh Bàn Cờ có tên gọi này vì quả thật, nơi đây có một bàn cờ đá cùng bức tượng Đế Thích chơi cờ. Sử sách kể lại, phía đông liền biển có một quả núi gọi là núi Sơn Trà, tục gọi là Hòn Nghê.

Tương truyền trên núi có ngọc, tiên thường hay giáng xuống để tắm và chơi đùa trên bãi biển nên còn gọi là biển Tiên Sa. Một lần, có hai tiên ông nhiều ngày liền ngồi đánh cờ trên đỉnh núi Sơn Trà nhưng bất phân thắng bại.

Trong lúc đó, có các tiên nữ bay xuống bãi biển để tắm, một tiên ông lơ là nên đã bị đối thủ đánh bại. Bực mình, tiên ông đá văng bàn cờ xuống biển rồi bay về trời. Từ đó, người dân nơi đây dựng lại tượng Đế Thích cùng bàn cờ còn đang dở dang rồi đặt tên đỉnh núi là đỉnh Bàn Cờ.

Theo cảm nhận của nhiều người dân và du khách đến Đà Nẵng, đỉnh Bàn Cờ thường đẹp nhất vào buổi sáng tinh mơ, khi ánh mặt trời còn lấp ló. Song, nhiều bạn trẻ cũng thích khung cảnh nơi đây buổi chiều tà. Trong ánh hoàng hôn, các bạn có thể ngắm cảnh, chụp ảnh, vui chơi. Đỉnh Bàn Cờ cũng là một nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhiếp ảnh gia không chuyên và nghiệp dư ở Đà Nẵng.

PHONG LAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét