16 thg 5, 2018

Bảo tồn không gian văn hóa ngôi nhà sàn Mường truyền thống

Người Mường là cư dân bản địa mang yếu tố nguồn cội. Bà con sinh sống lâu đời ở miền núi trung du Tây Bắc và còn lưu giữ được những nét cơ bản của cư dân văn hóa Việt - Mường. Tiêu biểu nhất của di sản văn hóa Mường phải kể đến không gian văn hóa nhà sàn Mường.

Nhà sàn Mường trong không gian cư trú độc đáo


Người Mường chọn sinh cảnh cư trú là vùng đồi núi thấp và thung lũng gắn liền với các triền sông, ven suối hoặc nơi có nguồn nước dồi dào. Với người Mường nguồn nước cực kỳ quan trọng. Trong sử thi đồ sộ giải thích về sự ra đời và hình thành xã hội Mường, người Mường đặt tên đẻ đất đẻ nước. Mường cũng là tên gọi đơn vị cư trú. Bà con sống thành những bản Mường nhỏ, nhiều bản Mường nhỏ hợp thành một Mường lớn. Ở Hòa Bình có bốn Mường lớn là Bi, Vang, Thàng, Động. Từ lâu đời ở nước ta đã hình thành các vùng Mường lớn. Mường trong gồm các bản Mường ở Thanh Hóa, Ninh Bình. Mường trên gồm các bản Mường ở Sơn La, Phú Thọ. Mường dưới là các bản Mường xung quanh núi Ba Vì (Hà Nội) và các vùng phụ cận.


Không gian nhà sàn của người Mường cổ . 


Người Mường có câu thành ngữ dân gian rất độc, rất lạ, độ khái quát cao về văn hóa ăn ở sinh hoạt của tộc người từ xa xưa mà vẫn tồn tại tới ngày nay: Cơm đồ -nhà gác - nước vác - lợn thui - ngày lui - tháng tới. Sinh cảnh cư trú Mường có đủ rừng cây núi đá hoặc dưới đất, có nương rẫy, vườn rừng, có ruộng bậc thang, bãi chăn thả gia súc, có vườn nhà nơi mà nhà sàn làm trung tâm. Trên đồng ruộng có cọn nước, mương nước, máng nước và cối giã gạo nương bằng sức nước. Đó là những công trình dân sinh tuyệt tác cần được bảo tồn.

Nhà sàn công trình kiến trúc truyền thống đặc trưng bản địa


Truyền thuyết Mường xa xưa kể rằng, để di dời từ hang đá ra cư trú thành Mường bản là cuộc hành trình cam go chinh phục các miền đất rừng, đất ruộng ở xa núi đá. Bao lần dựng lều, lều tan, dựng nhà, nhà nát. Cuối cùng nhờ con rùa mách bảo, người Mường dựng nhà sàn theo hình dáng rùa thiêng miền thung lũng. Nhà sàn Mường thanh thông với trời đất có chất kết nối gia đình và cộng đồng. Có bếp lửa ru nôi sưởi ấm con người và giữ gìn hạt giống, bảo quản thức ăn. Ngày nay vật liệu mới có thể bền đẹp, nhẹ và tiện ích hơn. Nhưng cốt cách đặc trưng kiến trúc truyền thống vẫn cần phải được giữ gìn, tôn tạo phát huy những nét đẹp vùng cao độ bền của ngôi nhà sàn Mường trong cuộc sống đương đại.

Người Mường ở thành chòm, thành bản. Bản Mường với nhiều nếp nhà sàn như đàn rùa vàng bám chặt sườn đồi, bám chắc vào thung lũng, bầu bạn với sông suối, trời mây, mưa ngàn gió núi.

Nhà sàn của người Mường luôn gắn liền với ven sông, suối hay các cọn nước . 

Nhà sàn Mường là ngôi nhà truyền thống bản địa ba trong một. Đối với trẻ nhỏ đó là ngôi nhà tuổi hồng. Đối với nam thanh nữ tú đó là ngôi nhà tuổi xanh. Đối với người già đó là ngôi nhà tuổi vàng. Không gian tuổi hồng trên nhà sàn phải kể đến nôi tre, khăn mũ, áo trẻ nhỏ, đồ chơi phù hợp lứa tuổi. Không thể thiếu không gian hát ru Mường. Đặc biệt người Mường không bao giờ dùng đòn roi, lời ác khẩu khi dạy trẻ.

Không gian tuổi xanh ở nhà sàn không thể thiếu các công cụ xe sợi, dệt vải, nhuộm vải, may thêu cho nữ. Không thể thiếu dụng cụ đi rừng, đi nương cho nam. Không thể thiếu nhạc cụ Mường với những chiếc cồng cổ vừa trầm hùng vừa ngân nga cùng với cò ke da diết và ống sáo ôi véo von dìu dặt say đắm lòng người. Ở đây có không gian hát ống, hát ví đối, hát mời uống rượu cần, đánh đuống, ném còn, dựng cây nêu ngày Tết…

Không gian tuổi vàng trên nhà sàn là không khí kể chuyện cổ truyện ngụ ngôn Mường, dạy các làn điệu dân ca, đố vui. Khi ôn lại vốn cổ có thể viện dẫn trích đoạn mo Mường cho con cháu hiểu đạo lý phong tục nhân văn người Mường. Có thể còn có góc hành nghề, truyền nghề mây tre đan, các đồ gia dụng thủ công mỹ nghệ. Truyền dạy những kinh nghiệm canh tác, kinh nghiệm đi rừng phòng chống lũ quét, lũ ống… của người cao tuổi cho người trẻ tuổi.

Bảo tồn không gian văn hóa nhà sàn

Không gian văn hóa nhà sàn Mường là không gian mở gắn liền với việc không gian văn hóa cộng đồng, gắn liền với môi trường sinh thái. Chính vì vậy việc bảo tồn không gian văn hóa nhà sàn Mường đặt ra nhiều thách thức, khi mà yếu tố sản xuất kinh tế và phân bố dân cư lao động đang có nhiều biến đổi biến động. Khi mà yếu tố phát triển và tiếp nhận cái mới đang rất thịnh hành ở nhiều vùng dân tộc Mường.

Xây dựng đời sống văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào Mường đòi hỏi sự kết hợp hài hòa trên nền tảng bảo tồn các giá trị văn hóa Mường truyền thống. Bảo tồn các tri thức dân gian người bản địa.

Hoạt động của đồng bào dân tộc Mường tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam . 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong nhiều năm qua xây dựng các mô hình bảo tồn làng truyền thống trong đó đặt ra vấn đề bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa làng Mường. Một số làng Mường truyền thống ở Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Phú Thọ… do bảo tồn không gian văn hóa nhà sàn đã bước đầu khai thác du lịch cộng đồng có kết quả. Đây cũng là hình thức bảo tồn tích cực. Ở tỉnh Hòa Bình với hình thức xã hội hóa cũng đã xây dựng đưa vào hoạt động không gian văn hóa Mường và bảo tàng di sản văn hóa Mường với kết quả khai thác vận hành rất tốt.

Làng Mường trong số 54 làng dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang là một dấu son trong nội dung bảo tồn phát huy không gian văn hóa Mường đang thu hút sự chú ý của đông đảo khách du lịch đến “Làng”. Bảo tồn không gian văn hóa nhà sàn Mường đang đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng các mường bản, sự vào cuộc của các nhà quản lý và sự tham gia của các lực lượng xã hội. Mong rằng nét đẹp này còn mãi cùng với các bản sắc văn hóa Mường trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nhà văn Ngô Quang Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét