8 thg 5, 2018

Viếng mộ Kim Đồng

Thế hệ của tui không thân quen lắm với tên Kim Đồng, vì năm 1975 đã học cấp 3. Thế nhưng các em tui và những lớp trẻ sau này đều rất quen biết và gần gũi với tên này. Ở Long Khánh có trường Kim Đồng, đó chính là ngôi trường tiểu học mà tui đã theo học ngày xưa. Dĩ nhiên hồi đó nó không phải mang tên Kim Đồng, mà là Trường Nam Tiểu học Tỉnh lỵ Long Khánh.

Dẫu vậy, trên đường ra Cao Bằng tui cũng dừng chân ở Khu Di tích Kim Đồng, nơi ấy có mộ của Kim Đồng và mẹ anh.

Khu di tích Kim Đồng được xây dựng ngay trên quê hương anh tại làng Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Khu di tích gồm có mộ và tượng Kim Đồng sát ngay chân rặng núi đá cao đồ sộ, bên cạnh cây nghiến xanh biếc, luôn tỏa bóng mát.


Ảnh: PHN

Công trình tôn tạo - mở rộng khu di tích này đã được khánh thành giai đoạn 1 từ cuối năm 2013. Khi tui đến đây (tháng 4/2017) giai đoạn 2 đang được tiến hành.

Đường vào khu di tích (từ quốc lộ) đang dang dở. Ảnh: PHN

Tuy còn đang dang dở, nhưng phần chính xem như đã hoàn thành. Những hạng mục chính đã hoàn thành gồm tượng Kim Đồng bằng chất liệu đá trắng (có ở Nghệ An), tôn tạo mộ Kim Đồng, mộ bà Lân thị Hò (mẹ Kim Đồng) đều được điêu khắc bằng đá hoa cương màu trắng. 

Tượng và mộ Kim Đồng. Ảnh: PHN

Mộ bà Lân thị Hò, mẹ Kim Đồng. Ảnh: PHN

Các hạng mục sân vườn, bồn hoa, cổng đá được ốp lát bằng đá xanh Thanh Hóa… Nhà tưởng niệm cũng đã hoàn thành.

Bia tưởng niệm liệt sĩ Kim Đồng. Ảnh: PHN

Đến nơi đây, ngoài việc viếng thăm một di tích lịch sử, còn là dịp dừng chân ở một vùng rừng núi Cao Bằng để ngắm khung cảnh núi cao chập chùng, rừng xanh bạt ngàn.

Khu dích ở ngay chấn núi, thiết kế bố trí hài hòa tạo nên nhiều cảm xúc. Ảnh: PHN

Cánh đồng ngô (bắp) của người dân bên chân núi. Ảnh: PHN

Toàn cảnh khu vực di tích. Ảnh: Pháp luật TPHCM

Như đã nói từ đầu, vì lỡ sống ở miền Nam từ nhỏ và đến 1975 không còn là thiếu niên nữa nên hình ảnh và tấm gương của Kim Đồng - Nông văn Dền không đậm nét trong tui. Tuy vậy, tui biết đây là nhân vật có thật, đã hy sinh anh dũng cho tổ quốc khi tuổi đời chỉ mới 14. Đến viếng mộ anh, bày tỏ lòng trân trọng là việc rất nên làm.

Nhắc đến Kim Đồng, người ta dễ liên tưởng đến một thiếu niên khác cùng thời, cùng lứa tuổi, cùng hy sinh cho đất nước, đó là... Lê văn Tám. Lê văn Tám cũng được ca ngợi, cũng được lấy làm tấm gương sáng, được đặt tên trường học, công viên... Có điều... Lê văn Tám không có mộ, không có quê quán, và cũng không có cha mẹ như Kim Đồng (cũng không hề được công nhận liệt sĩ). Đến mức mà năm 2009 nhà sử học Phan Huy Lê đã xác nhận rằng nhân vật Lê văn Tám không hề có thật, mà chỉ là cái tên được dựng lên để phục vụ tuyên truyền. Từ ấy đến nay đã có nhiều tranh luận về điều này. Chẳng biết đúng sai thế nào, chỉ biết là ngay cả những chứng cứ và lập luận cho rằng người đốt kho đạn của Pháp là có thật thì cũng không thể cho biết người đó... tên gì, càng không thể khẳng định tên là Lê văn Tám

Biểu tượng thiếu niên và ngọn lửa tại Công viên Lê văn Tám (TPHCM), không phải tượng Lê văn Tám. Ảnh: PHN

Trường Tiểu học Kim Đồng (Long Khánh), nơi tui học hồi nhỏ. Tuy nhiên tên trường đã khác (hồi xưa là Trường Nam Tỉnh lỵ Long Khánh), ngôi trường đã khác, con người đã khác,  chỉ có... vị trí là như cũ thôi.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét