27 thg 10, 2015

Bâng khuâng tiết thu ở Đường Lâm

Tiết trời thu Hà Nội đủ khiến cho làng cổ Đường Lâm, vốn bình thường đã đẹp như một bức tranh, nay có thêm những sắc màu riêng.

Đường Lâm bình yên một sớm thu 

Chúng tôi quyết định đến Đường Lâm bằng đường 32 thay vì Đại lộ Thăng Long, chủ đích là để ngắm những ruộng lúa, vườn ngô ngay sát hai bên đường. Người bạn phương xa bảo Sài Gòn không thiếu lúa, cách nội thành hơn 10 km đã thấy người ta trồng lúa, nhưng cảm giác phóng xe máy vào sớm tinh mơ và nghe mùi lúa chín của ruộng lúa Bắc bộ chính gốc phả vào cánh mũi phập phồng, thế cũng là một cảm giác rất “đã” đấy chứ?

Thị xã Sơn Tây đón khách bằng một tiết trời trong veo và cái yên ả, êm dịu của một nhịp sống không hối hả. Sự hiếu khách thể hiện rõ trong cách từ ông xe ôm đến bà bán phở chỉ đường cho khách. 

Mọi người tranh nhau nói, vui tươi và nhiệt thành, đến mức, cảm giác nếu chúng tôi có buộc miệng mời một bác lớn tuổi lên xe gắn máy và đi cùng để đến nơi, người ta cũng sẵn lòng mà bỏ dở công việc ấy, chỉ đường cho khách đã.

Giàn hoa tigôn trên nền trời xanh

“Hà Nội thì không vội được đâu. Còn Sơn Tây thì chẳng cần vội. Chị sẽ rất thích cà phê ở Sơn Tây, ghế bàn thâm thấp, chủ và khách đều chậm rãi, chủ quán còn mang cả những chiếc khăn bông rất dài và đã ướt nước phủ lên yên xe máy cho chị, nếu một ngày Sơn Tây nắng gắt”, Dương, cậu em người Sơn Tây chính gốc nói trước khi biết chúng tôi “phượt” về thị xã này.

Vâng, Sơn Tây chậm thật. Gánh rau muống của một chị hàng rong cũng đều đều bước trên phố. Ông chủ sửa xe máy cũng nhẩn nha đọc xong tờ báo sáng, trước khi ngó đồng hồ và… ngóng khách.

Từ trung tâm thị xã Sơn Tây đến làng cổ Đường Lâm chừng 5 phút đi xe máy, và nhịp sống yên ả, chậm rãi của Sơn Tây nó còn cô đặc lại hơn thế.

Bà hàng xén bỏ một ít kẹo lạc, bánh gai lên chiếc chõng tre và khẽ khàng mời khách có muốn nghỉ chân uống một chén nước chè không. Một ông già ngồi bên hàng nước đặt trước một ngôi nhà cổ sơn vàng có gốc phượng khá lâu năm đủng đỉnh ấm nước chè rót ra những cái chén có vân gốm xanh xanh, đưa mời khách, rồi phe phẩy chiếc quạt tai voi qua lại.


Những ngôi nhà muôn năm cũ

Giữa thu, nắng ở Đường Lâm vàng ruộm nhưng không gay gắt. Nắng hong giòn rơm rạ trải khắp đường làng, nắng trải giòn rụm lá gai phơi trong sân đình, nắng phủ vàng thơm những bắp ngô trải trên một con đường nhỏ.

Giữa thu, Đường Lâm đầy những màu vàng. Vàng của nắng thu, vàng của gốc rạ, vàng của ngô, thóc phơi dưới nắng, trên những bức tường làm từ đá ong, còn vàng tươi những bông hoa mướp.

Đường Lâm bây giờ xây dựng “dữ” hơn 2 năm trước chúng tôi ghé nơi đây. Kiến trúc làng cổ, nhà cổ bị phá vỡ đáng tiếc bởi những ngôi nhà mới, hiện đại, sơn xanh, sơn trắng mọc ngay trong làng.

“Cũng không trách được cháu ạ. Mỗi năm thêm đông con, đông cháu, mà không cho xây lại nhà thì người ta ở sao nổi trong cái nhà sắp sập”, một người dân Đường Lâm thở dài.
Đường Lâm khá đông khách du lịch, khách trong nước, khách nước ngoài, nhưng bảo để du khách bỏ tiền túi ra, chi trả ở Đường Lâm cũng chẳng dễ dàng.

Vài hàng quán lèo tèo bán bánh kẹo chế biến kiểu truyền thống, một số nhà cổ mở dịch vụ nấu cơm cho du khách. Nhưng, “một số” này không nhiều. Chúng tôi vào một nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Mông Phụ, ngôi nhà được nhận giải thưởng châu Á - Thái Bình Dương về bảo tồn di sản văn hóa năm 2013. Đây cũng là gia đình có nghề làm chè lam truyền thống được gắn biển ngay trước cửa nhà.

Ngoài căn nhà cổ cho khách du lịch ghé thăm, gia đình ông Hùng xây dựng thêm một khu nhà mới bên cạnh làm nơi ăn nghỉ cho du khách. Cơm theo kiểu cơm Bắc Bộ, khá ngon, giá cũng không đắt, song khách khá thưa vắng. Chè lam gia đình làm chủ yếu chỉ để phục vụ thêm cho khách khi có nhu cầu, không có kiểu trình diễn hay dạy cách làm bánh cho du khách như nhiều khu du lịch trong nước đã làm rất thành công.

Vậy là vài giờ đồng hồ dạo quanh Đường Lâm, ngoài vài chục ngàn bỏ tiền mua vé tham quan, du khách (nhất là khách nước ngoài) mang tiền đến Đường Lâm rồi lại mang về. Biết trả vào dịch vụ nào đây?

Đường Lâm đẹp, mùa thu Đường Lâm đẹp, nhưng vấn vương những nỗi buồn có cớ…

Người dân phơi ngô, thóc vàng dưới nắng vàng 



Hoa mướp vàng tươi 



Nhịp sống bình yên ở Đường Lâm 

Cổng làng dẫn vào Đường Lâm 

Cổng ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng 

Nhà mới được xây giữa kiến trúc cổ của Đường Lâm. Kiến trúc cũ, mới ở Đường Lâm đan xen nhau 


Đình làng Mông Phụ, một điểm thu hút khách du lịch ở Đường Lâm 

Đá ong, một loại “vật liệu xây dựng” đặc biệt, độ bền cực lớn, đặc trưng ở Đường Lâm 

Những chum làm tương trong làng cổ 

Quê hương là chùm khế ngọt 

Nét bình yên ở Đường Lâm 

Những hình ảnh giản dị thân quen 




Làm chè lam cổ truyền ở Đường Lâm 

Du khách nước ngoài tới Đường Lâm khá đông, nhưng để họ chi tiền ở Đường Lâm thì khá khó 

Thúy Hằng - Ảnh: Lê Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét