27 thg 8, 2015

Xưởng làm lò đất cuối cùng ở Sài Gòn

Đã qua rồi cái thời đun nấu bằng rơm, bằng củi nên cái bếp lò bằng đất nung quen thuộc ngày nào giờ cũng thấy vắng bóng trên thương trường. Có lẽ vì thế mà cái xưởng làm bếp lò bằng đất nung duy nhất của ông Năm Tiếp nằm ngay dưới chân cầu Rạch Cây giờ lại trở thành cái nghề độc, nghề hiếm ở xứ Sài thành hoa lệ này.

Nằm ngay dưới chân cầu Rạch Cây trên đại lộ Võ Văn Kiệt (phường 16, quận 8, Tp. Hồ Chí Minh), xưởng làm lò đất Năm Tiếp của ông Trần Văn Tiếp (tên thường gọi là Năm Tiếp) là nơi sản xuất lò đất duy nhất ở Sài Gòn. Thị trường chủ yếu để tiêu thụ lò đất là vùng nông thôn các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên, Nam Trung bộ…

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi mà bếp củi vẫn được dùng chủ yếu trong các hộ gia đình thì nghề làm bếp lò thịnh hành, nên bên chân cầu Rạch Cây thời ấy có khoảng 30 cơ sở sản xuất bếp lò bằng đất nung.

Đến nay, do quá trình đô thị hóa, đất sản xuất bị thu hẹp dần, cộng với việc người thành phố đã chuyển sang sử dụng bếp gas, bếp từ… nên bếp lò đất còn rất ít người sử dụng. Mặc dù nhu cầu dùng lò đất ở thành phố ít đi nhưng vùng nông thôn ở các tỉnh thì vẫn còn nhiều. Vì thế, những nguời thợ ở xưởng làm lò đất Năm Tiếp vẫn sống được với nghề.

Tâm sự về cái nghề làm bếp lò này, ông Tiếp bùi ngùi: “Làm cái nghề này suốt ngày chân lấm tay bùn cực lắm mấy chú ơi! Đã thế muốn lên được thợ chính người học việc phải mất đến 10 năm và phải thiệt yêu nghề thì mới làm nổi!”.

Cơ sở lò đất Năm Tiếp của ông Trần Văn Tiếp nằm ngay dưới chân cầu Rạch Cây trên đại lộ Võ Văn Kiệt.

Cái nghề nặng nhọc, chân lấm tay bùn nên giờ cũng ít người làm.

Đất nặn lò được làm bằng đất sét trộn với than trấu.

Tạo hình cho lò đất là công đoạn khó nhất và thường người thợ chính trực tiếp làm.

Công đoạn đắp 3 cái chấu đặt nồi phía trên miệng lò.

Cẩn thận gọt bỏ những chỗ thừa để hoàn chỉnh một chiếc lò đất.

Lò đất được phơi ngoài nắng tốt trước khi đưa vào lò nung.

Công đoạn ép vỉ lò làm bằng máy nén nên tiết kiệm được thời gian và nhân công.

Những người thợ trát kín lò trước khi nung.

Để tận dụng thể tích lò nung, thợ nung lò khéo léo sắp xếp vỉ lò xen kẻ với bếp lò.

Lò được nung liên tục 2 ngày 1 đêm.

Những chiếc bếp lò mới nung xong có màu đỏ tươi bắt mắt.

Chuyển lò đất sau khi nung vào kho chứa.

Mỗi tuần cơ sở lò đất Năm Tiếp cho ra lò khoảng 4000 cái bếp lò đất.

Người thợ gò vỏ nhôm bọc bên ngoài bếp lò.

Ông Năm Tiếp và những chiếc lò đất thành phẩm.

Thị trường chủ yếu của cơ sở lò đất Năm Tiếp là các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên, Nam Trung bộ,
nhiều nhất là Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa… 

Hỏi chuyện ông Năm Tiếp mới biết cái nghề ngó bộ đơn giản này hóa ra cũng lắm công phu. Khi đã có đất thành phẩm để làm lò, người thợ chính bắt đầu với các công đoạn tạo dáng cho lò, nắn gù, tạo ra ba giá kê trên thành miệng bếp lò rồi đến công đoạn gọt tỉa… và cuối cùng là nung lò. Trong đó khó và kỳ công nhất là quá trình tạo dáng cho lò đất. Đó là người thợ phải rải đều lớp chống dính vào khuôn rồi cho đất sét vào, vừa đi giật lùi xung quanh khuôn vừa phải liên tục dùng tay ấn và vuốt để đất được nén chặt vào khuôn lò. Khi đã tạo hình xong, người thợ mang khuôn ra sân lật úp lò xuống và từ từ rút khuôn ra để phơi. Lò sau khi phơi độ 2 đến 3 ngày, người ta lại đem ra chỉnh sửa tiếp để hoàn chỉnh.

Lò đất được nung trong hai ngày một đêm với tỉ lệ lửa đủ độ theo kinh nghiệm bí truyền để có thể chịu được nhiệt. Sau khi nung xong, người ta bọc quanh thân lò một lớp vỏ bằng nhôm để vừa làm đẹp, vừa chống bị nứt vỡ trong quá trình vận chuyển, sử dụng.

Hiện tại, cơ sở sản xuất của ông Tiếp có hơn 40 người làm, trong đó chỉ có 10 người là thợ chính, còn lại là những người phụ giúp các công việc như khuân vác, vận chuyển, nhào đất và phơi lò… Mỗi tháng, cơ sở của ông sản xuất được 4000 lò đất. Giá lò đất loại nhỏ là 30.000 đồng/cái, loại lớn giá cao hơn. Thế mới biết, cái nghề cực nhọc “chân lấm tay bùn” ấy thế mà vẫn còn có ích cho đời, cho cuộc sống của những người thợ nặn bếp lò cuối cùng còn gắn bó với nghề nơi mảnh đất Sài Gòn đô hội này.

Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét