25 thg 8, 2015

Ngôi trường thu hút khách du lịch nhất ở Đà Lạt

Trường Cao đẳng Sư Phạm Đà Lạt tọa lạc ở địa chỉ số 29 đường Yersin, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đây là một trong những địa chỉ vàng mà du khách mỗi lần đặt chân đến Đà Lạt đều muốn ghé thăm.

Trường Cao đẳng Sư Phạm Đà Lạt là một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố ngàn hoa. 

Nét cổ kính, đậm chất Tây Âu khiến nhiều người vẫn ví von đây là ngôi trường 'Harvard Việt Nam'. 

Công trình này được thiết kế và xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ XX theo hình thức kiến trúc tân cổ điển độc đáo mang đậm phong cách châu Âu. 

Với dãy lớp học được xây hình vòng cung, gạch xây trường là gạch trần đỏ được chở từ châu Âu sang. 

Song song với hai dãy hành chính là hai dãy nhà có kết cấu và trang trí đơn giản hơn. 

Hai dãy nhà này được dùng làm phòng học, vừa dùng làm ký túc xá cho học sinh. Vuông góc với các dãy nhà trên là một tòa nhà có quy mô nhỏ hơn dùng làm hội trường, phòng thí nghiệm. 

Con đường hành lang sâu hun hút, đẹp miên man trong lòng du khách ghé chân. 

Tầng trệt để trống làm sân chơi trong nhà (préau) 

Tòa nhà được trụ chống bằng các cột tròn có khẩu độ 8x8m. 

Tìm đến với ngôi trường Lycée Yersin năm nào, bạn sẽ ngỡ như mình đang đắm chìm trong một vẻ đẹp tinh tế kết hợp hoàn hảo hai phong cách kiến trúc Á và Âu. 

Chiếc cầu thang cổ vẫn ngày gồng gánh biết bao những thế hệ học sinh- sinh viên nối bước nhau đi trên con đường tri thức sâu rộng. 

Trường mở cửa cho khách du lịch tham quan từ 11h trưa đến 1h chiều và từ 4h chiều trở đi. 

Sân trường rộng rãi, dành để chào cờ và các môn thể thao. Ngoài ra còn có một sân bóng đá rất rộng ở khuôn viên đằng sau trường. 

Công trình này đã được các nhà nghiên cứu kiến trúc nổi tiếng trên thế giới trong Hiệp hội Kiến trúc Quốc tế (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX. Được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận trở thành di tích cấp Quốc gia vào tháng 12 năm 2001. 

Tìm đến ngôi trường già cổ kinh một chiều mưa... 

Chúng tôi, những vị tự khách phương xa như càng say đắm, ngỡ mình đang lạc giữa một rừng kiến trúc trời Âu. 


HỮU NHẬT-ĐỨC NAM

Trường Cao đẳng Sư Phạm Đà Lạt

Trước khi được biết đến với cái tên Trường Cao đẳng Sư Phạm Đà Lạt (29 Yersin, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) như ngày hôm nay, ngôi trường cổ kính này đã được người dân thành phố ngàn hoa xếp vào hàng ngũ những công trình kiến trúc biểu tượng của Đà Lạt. 

Ngôi trường cũng là niềm kiêu hãnh, sự tự hào của biết bao những thế hệ học sinh, sinh viên đã từng một lần theo học tại nơi này.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được người Pháp thành lập vào năm 1927 do kiến trúc sư Moncet trực tiếp đứng ra thiết kế cũng như chỉ đạo xây dựng đạo xây dựng. Ban đầu, trường có tên là Petit Lycée Dalat, sau năm 1930 được đổi thành Grand Lycée de Dalat Lycée Yersin nhằm tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin, nhà vi khuẩn học, và nhà thám hiểm người Pháp gốc Thụy Sĩ. Về sau, trường đổi tên thành Trung tâm Giáo dục Hùng Vương và hiện nay là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. 

Trường Cao đẳng Sư Phạm Đà Lạt là một trong những địa chỉ vàng mà du khách mỗi lần đặt chân đến Đà Lạt đều muốn ghé thăm. Ảnh: ĐỨC NAM-HỮU NHẬT.

Khi vừa ra đời, Lycée de Dalat Lycée Yersin chỉ dành riêng cho con em quan chức, binh lính Pháp và một số gia đình địa chủ người bản xứ có tiềm lực kinh tế lớn học. Trước đây, người Pháp đã xây cất khuôn viên trường trên một khoảng đất có tổng diện tích 22,3ha, nằm ngay cạnh Hồ Xuân Hương thơ mộng. Toàn bộ khu vực chính gồm 8 ha, nằm trên đỉnh đổi tương đối bằng phẳng. Sườn phía Tây và Tây Nam nghiêng về phía Hồ Xuân Hương. Trong khi đó, Sườn phía Nam có độ dốc tương đối cao, nhìn xuống thung lũng giáp Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt, sườn Bắc bằng phẳng được dựng lên một sân bóng đa dụng.

Đến với Đà Lạt vào những ngày mưa, chúng tôi cố gắng vượt qua những sự khó khăn, cản trở của thời tiết để tìm đến công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố ngàn hoa.

Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 2 cây số, ngôi trường được xây dựng ảnh hưởng bởi phong cách kiến trúc tân cổ, được tạo thành với các vật liệu xây dựng như gạch ép ốp tường và ngói thạch bản xanh đen được kỳ công vận chuyển từ Pháp về Đà Lạt. 

Trường được sắp xếp bố cục mặt bằng chặt chẽ, tổ hợp kiểu hành lang bên. Tầng trệt để trống làm sân chơi trong nhà (préau) với những cột tròn. Tầng lầu gồm các lớp học, bên ngoài mỗi lớp đều có tủ âm tường là nơi để áo khoác, áo mưa của học sinh. Trên mặt đứng khối lớp học, cứ mỗi bước cột lại có hai vòm cung tròn xây bằng gạch đất nung với tỷ lệ hài hòa tạo nên vẻ đẹp thanh thoát cho khối nhà. Nét cách tân trong khối lớp học thể hiện ở phần mái dốc, bẻ góc ở phần đuôi mái, có hệ thống cửa sổ mái, tạo nên những nét chấm pha vô cùng tinh tế được người kiến trúc sư đại tài tạo nên.

Cùng một trục với dãy lớp học chính, qua một dãy hành lang nối có mái che bằng bê tông lượn sóng và hai hàng cột tròn là khối hành chính. Song song với hai dãy hành chính là hai dãy nhà có kết cấu và trang trí đơn giản hơn, vừa dùng làm phòng học, vừa dùng làm ký túc xá cho học sinh. Vuông góc với các dãy nhà trên là một tòa nhà có quy mô nhỏ hơn dùng làm hội trường, phòng thí nghiệm…

Cuối dãy nhà vòng cung này là một tháp chuông cao 54m nổi bật giữa không gian bao la. Nhìn bao quát bên ngoài, tường nhà được xây cách điệu các mái vòm với tỷ lệ hài hòa tạo nên vẻ đẹp thanh thoát cho khối nhà. Đứng từ phía hồ Xuân Hương, du khách có thể thấy được đỉnh cao nhất của tháp chuông tại trường. Đây được ví như hình ảnh của một cây bút chì khổng lồ với ngòi bút nhọn, cao vút giữa khoảng trời mênh mông. Dãy phòng học đỏ thắm phía sau uốn cong mềm mại, hàm ý miêu tả hình dáng của cuốn sách.

Với những hình mang tính biểu tượng cao như vậy, người Pháp đã kỳ công xây dựng nên một công trình kiến trúc đặc sắc nhằm phục vụ cho sự dạy và học, là biểu tượng cho tính hiếu học, là con đường tri thức trải rộng. 

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là một công trình kiến trúc cổ điển độc đáo, có một không hai tại Việt Nam cũng như thế giới. Nét đẹp của công trình được hiển qua nhiều chi tiết kiến trúc bản địa để cấu thành nên một toàn hòa kiến trúc hòa hợp giữa hai nền văn hóa Đông Tây.

Trường được đánh giá là tòa nhà sư phạm đẹp và hiện đại nhất lúc bấy giờ. Đây quả là một thành công của các tác giả khi gắn bó tổng thể công trình với điạ hình khu vực, xứng đáng được các nhà phê bình, các kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu kiến trúc nổi tiếng trên thế giới trong Hiệp hội Kiến trúc Quốc tế (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX.

Mặc dù mang trên mình những nét đẹp riêng biệt mà khó có bất kỳ công trình kiến trúc nào có thể so sánh được nhưng mãi đến tháng 12 năm 2001, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt mới được Bộ Văn hoá – Thông tin đã công nhận trở thành di tích cấp Quốc gia. Và trong suốt khoảng thời gian dài bị lãng quên, ngôi trường đã bị sử dụng sai mục đích, công năng và dần dần bị tàn phá bởi thời gian cũng như bàn tay của con người. 

ĐỨC NAM-HỮU NHẬT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét