9 thg 8, 2012

Miếu Nổi trên sông Vàm Thuật

Trên sông Vàm Thuật đoạn qua địa phận quận Gò Vấp và quận 12 (TPHCM) có một ngôi miếu nằm giữa mênh mông sông nước. Đó là miếu Sa Tân - người địa phương quen gọi là miếu Nổi hay miếu Bà - nằm trên cồn đất rộng chừng 2.500 mét vuông, giữa bốn bề sông nước mênh mông. Hai bờ sông, một bên là khu dân cư thuộc phường 5, quận Gò Vấp và bên kia là vùng trồng hoa mai nổi tiếng của phường An Phú Đông, quận 12. 



Theo truyền thuyết, cách đây gần hai trăm năm, một ngư phủ quăng lưới đánh cá trên dòng sông Bến Cát (thuộc xã Hạnh Thông, tổng Bình Trị Thượng huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Định; nay thuộc TPHCM) đã vớt được một pho tượng mà lúc ấy người ta cho rằng đó là tượng Bà Thủy Tề. Từ đó, ngôi miếu thờ Bà được dân chúng trong vùng lập nên để cầu cho mưa thuận gió hòa, thuyền bè đi về bình an, thuận buồm xuôi gió.


Từ nhiều năm qua, miếu Nổi thường xuyên đón khách thập phương đến cầu khấn và tham quan; nhất là vào các ngày lễ, tết. Để ra miếu, phải qua đò với giá 10.000 đồng một người cho cả hai lượt đi và về


Khoảng từ cuối tháng Chạp, khách ra miếu Nổi để cầu an và vãn cảnh đông không kể xiết. Từng chiếc thuyền máy cứ nối tiếp nhau đi về giữa miếu và bờ tạo nên cảnh đông vui, nhộn nhịp cho đến hết tháng Giêng mới thưa dần


Miếu Nổi ấn tượng với du khách bởi kiến trúc đặc biệt với ba toà nhà nối liền nhau bởi hai khoảng sân hẹp có mái. Mái lợp ngói âm dương tráng men xanh ngọc, gồm hai tầng chồng khít lên nhau. Trên nóc mỗi toà nhà đều trang trí hình rồng chầu




Trên cổng miếu đều có hình tượng long, ly, quy, phụng và các phù điêu như hoa cúc dây, lá nho, sông nước... Toàn bộ các cột, tường của miếu được cẩn sứ, ghép hình tỉ mỉ


Không gian miếu rộng rãi, thoáng đãng với gió sông lồng lộng cùng bóng mát của những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đem lại cảm giác thư thái cho khách nhàn du. Từng đàn chim bồ câu bay lượn xung quanh miếu và đậu trên mái, trên cổng miếu


Du khách thoải mái vãn cảnh thiên nhiên sông nước. Một số người đến cầu khấn bình an và mua cá phóng sinh

Bài và ảnh: Đông Nghi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét