Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Kontum. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Kontum. Hiển thị tất cả bài đăng

23 thg 9, 2019

Kho lúa của người Mơ Nâm ở Kon Plông

Những ngày này, người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở các xã của huyện Kon Plông đang bước vào mùa thu hoạch lúa trên các cánh đồng ở quanh làng. Cách chân ruộng chừng hai mươi đến ba mươi mét, những kho lúa nằm trải dài trên khoảng đất trống nối nhau thẳng tắp, bên dưới là mảnh ruộng lúa chín đang chờ người thu hoạch... 

Kho lúa người Mơ Nâm ngày nay


Đưa chúng tôi đi trên con đường bê tông nông thôn mới để ra cánh đồng lúa chín cách nhà khoảng 2km, chị Y Đăng ở thôn Kon Vơn Ke 2 (xã Đăk Long) giới thiệu: Do địa hình đất đai ở đây hơi gồ ghề, nhiều đồi dốc nhỏ nên bà con thường làm ruộng lúa quanh các khe suối. Em nhìn xuống phía dưới thung lũng có diện tích ruộng nhỏ bằng phẳng kia kìa. Ở đây, nhìn xa thấy bé bằng cái sân nhà rông, nhưng chị em mình tới gần thì rộng mênh mông chừng 3 đến 4ha...

Trống của người Gia Rai

Người Gia Rai có một kho tàng âm nhạc rất phong phú và đa dạng. Bên cạnh các loại nhạc cụ truyền thống như đàn t’rưng, đàn ting ning, đàn goong, đàn k’ny, khèn lá, sáo, chiêng…, thì trống là một loại nhạc cụ được người Gia Rai đặc biệt coi trọng. Với người Gia Rai, trống được xem là vật thiêng. Trống có vị trí đặc biệt chẳng những về giá trị vật chất mà cả về giá trị tinh thần trong đời sống sinh hoạt của người Gia Rai…

Từ bao đời nay, người Gia Rai ở làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) luôn quan niệm rằng, âm thanh phát ra từ trống mang sức mạnh siêu nhiên, là vũ khí để xua đuổi ma quỷ hay những hiện tượng tự nhiên mà trước đây người dân chưa hiểu được và cho rằng đó là điềm gở (như nhật thực hoặc nguyệt thực…). Người Gia Rai xem trống là vật thiêng mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh nên họ rất quý trọng, giữ gìn trống và cất giữ ở nơi trang trọng nhất trong nhà.

Trống của người Gia Rai ở làng Chốt có 2 loại, trống To có chiều dài thân trống (tang trống) hơn 60cm, đường kính mặt trống hơn 40cm và trống Nhỏ có chiều dài thân trống hơn 40cm, đường kính mặt trống hơn 20cm. Mặt trống được làm từ da trâu hoặc da bò. Thân trống được làm từ thân cây bò ma, đây là loại cây to, thân mềm, không bị mối mọt và nứt.


Đối với người Gia Rai ở làng Chốt, trống vừa là tài sản quý, vừa là vật linh thiêng. Ảnh: ĐT 

7 thg 9, 2019

Đình làng cổ giữa lòng phố núi Kon Tum

Nhắc đến hai tiếng Kon Tum, nhiều người con đi xa thường nhớ về một Làng Hồ thơ mộng nằm bên dòng sông Đăk Bla chảy ngược với tiếng cồng, tiếng chiêng trải dài mênh mang và những mái nhà rông cao vút… Nhưng, ít ai biết rằng, ngay giữa lòng phố núi ấy còn lưu giữ những nét văn hóa mộc mạc của làng quê đồng bằng vốn gắn liền với cây đa, bến nước, sân đình… Qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian và biến cố của lịch sử, nhiều đình làng cổ ở Kon Tum vẫn được người dân nơi đây giữ gìn và lưu truyền cho hậu thế.

Theo phong tục của những người dân miền xuôi, đình làng vốn là nơi thờ thành hoàng làng, hoặc việc thờ cúng các vị thần theo sắc phong của vua chúa thời phong kiến. Đình làng còn là ngôi nhà lớn của cộng đồng, là nơi hội họp, tế lễ của làng. Vì vậy, đình làng đã trở thành một nơi thân quen gần gũi, là nơi che chở, là điểm tựa tâm linh của những người dân làng quê Việt Nam.


Để tiếng cồng chiêng ở làng Kon Drei mãi âm vang

Cồng chiêng gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh và là linh hồn trong mọi hoạt động lễ hội từ bao đời nay của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung và dân tộc Ba Na nói riêng. Để âm vang tiếng cồng chiêng nối dài mãi trong các lễ hội của cộng đồng làng, trong các nghi lễ vòng đời của người Ba Na; suốt mấy năm qua, người Ba Na ở làng Kon Drei (xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) đã bảo ban, truyền dạy cho nhau nghệ thuật cồng chiêng nhằm giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc nơi đây.

Làng Kon Drei nép mình bên dòng Đăk Bla hiền hòa. Giữa làng, nhà rông được làm theo đúng nguyên mẫu truyền thống của dân tộc Ba Na với mái tranh cao vút, sừng sững như một lưỡi rìu vươn lên trời. Chống đỡ cho nhà rông trước những khắt nghiệt, giông bão là những hàng cột gỗ cao to, vách thưng bằng lồ ô… Nhà rông này được dân làng phục dựng đầu năm 2018. Và, mấy năm nay, khoảng sân rộng rãi trước nhà rông luôn rộn ràng tiếng trống, tiếng cồng chiêng và nối vòng xoang vào những tối thứ bảy, chủ nhật trong những tháng hè hay những dịp làng có lễ hội và tổ chức các sự kiện trọng đại.

26 thg 8, 2019

Con trâu trong đời sống của người Hrê ở Pờ Ê

Từ bao đời nay, trong mọi cuộc tế lễ cúng Yàng (trời) của người Hrê ở làng Vi Ô Lăk (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông), vật hiến sinh lớn nhất, quý nhất là con trâu. Bởi đối với người dân ở đây, con trâu là vật nuôi không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn mang giá trị tinh thần…
Người Hrê có mặt trên vùng đất Kon Tum từ rất lâu đời. Nhiều người lớn tuổi trong làng Vi Ô Lăk cho biết, họ được nghe các thế hệ cha ông kể lại, trước đây một nhóm người Hrê ở tỉnh Quãng Ngãi đã di cư lên Kon Tum tìm vùng đất mới để sinh cơ lập nghiệp. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, một số cán bộ cách mạng là người Hrê ở Quảng Ngãi lên vùng Kon Tum hoạt động đến ngày giải phóng cũng ở lại sinh sống và làm việc. Ngoài ra, nhiều thanh niên nam, nữ tới Kon Plông làm ăn, lập gia đình rồi định cư ở đây… Tất cả tạo nên cộng đồng người Hrê như bây giờ.

15 thg 8, 2019

Giữ nghề làm gốm truyền thống của người Ba Na

Ngồi bên nhà sàn, các chị Y Khel và Y Pư (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) tỉ mỉ nặn từng chiếc nồi làm bằng đất sét để nấu cơm, đựng nước. Đôi bàn tay khéo léo của các chị cứ thoăn thoắt quay tròn quanh chiếc nồi để tạo độ bóng. Các chị bảo, để nặn được một chiếc nồi như vậy phải mất vài ngày mới xong - đó là chưa kể thời gian chuẩn bị nguyên liệu mất cả tháng liền. Tuy kỳ công, nhưng đây là nét văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na (Jơ Lâng) nên các chị cố gắng giữ nghề để lưu truyền lại cho con cháu. 

Còn nhớ, cách đây không lâu, tại sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh lần thứ 4 năm 2018, nghệ nhân làm gốm Y Pư (1966) và Y Khel (1969) đã mang đến cho du khách một sự trải nghiệm thú vị về nghề truyền thống này. Nhiều em học sinh rất thích thú khi được các nghệ nhân cho mượn nguyên liệu đất sét để trực tiếp thử nghiệm. Thấy các em nhỏ hào hứng, chị Y Pư và Y Khel càng có động lực chế tác nhiều sản phẩm hơn nữa để phục vụ du khách tham quan được nhìn ngắm và mua sắm.

Tháng bảy, về thăm lại ngục Đăk Glei

Ngục Đăk Glei được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận Di tích lịch sử tại Quyết định số 2307/QĐ-VHTT ngày 30/12/1991. Gần 20 năm sau, Dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1164/QĐ-UBND ngày 28/10/2011 với tổng mức đầu tư trên 35,456 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng cho đến nay, dự án được đánh giá đầu tư khá kiên cố, có tính thẩm mỹ cao, cơ bản tái hiện được nguyên mẫu Ngục Đăk Glei do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1932.

Đong đầy cảm xúc 


Chiếc xe 7 chỗ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Glei chở chúng tôi đi từ UBND huyện đến Ngục Đăk Glei đúng vào ngày đầu tháng Bảy, bầu trời trong xanh và nhiều đám mây bàng bạc. Tuyến đường, được trải nhựa hoặc đổ bê tông phẳng lỳ nên xe đi rất nhẹ nhàng và nhanh chóng.

Đến đoạn từ Tỉnh lộ 673 lên Ngục Đăk Glei dài chừng 3km, đường rất quanh co và dốc đứng. Hai bên đường là những vườn cà phê catimo, bời lời... của bà con đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở làng Đăk Lây, xã Đăk Nhoong xanh tốt, nép mình dưới những cánh rừng già xa xa ôm lấy khu Di tích.

6 thg 8, 2019

Đội cồng chiêng làng Kon Pring

Đến thăm Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (xã Đăk Long, huyện Kon Plông) vào một buổi chiều cuối tháng 6/2019, tôi gặp chị Y Lim cùng 2 cô gái trẻ Y Vứt và Y Nhúa đang náo nức chuẩn bị biểu diễn chiêng xoang phục vụ đoàn khách du lịch sắp tới…

Chiều muộn. Những đám mây ùn ùn kéo đến, phủ lên những đồi thông. Ánh nắng mặt trời chỉ còn le lói trên đỉnh nhà rông của Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring.

Dù có vẻ thấm mệt sau một ngày làm rẫy vất vả, nhưng trên gương mặt của 3 người vẫn tràn ngập niềm vui. Y Lim vừa giúp Y Vứt chỉnh lại trang phục vừa phấn khởi nói: Đến nay thì mọi người đã quen dần với việc làm du lịch, khi mà khách đến tham quan Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring ngày càng nhiều.

Vài năm trở lại đây, ngoài việc lên rẫy, mỗi thành viên đội cồng chiêng ở Kon Pring còn có thêm nguồn thu nhập 3 - 5 triệu đồng/tháng từ việc làm du lịch, nhờ đó cuộc sống của các gia đình cũng được cải thiện - Y Nhúa nhỏ nhẹ kể.


Chị Y Lim (ngoài cùng bên trái) đang trang điểm cùng Y Vứt và Y Nhúa. Ảnh: ĐT 

Nghề rèn của người Xơ Đăng ở Măng Ri

Đối với đồng bào Xơ Đăng ở xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) nghề rèn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những vật dụng rèn ra, như cuốc, dao, liềm, bên cạnh để phục vụ lao động sản xuất, sinh hoạt cho gia đình, bà con còn bán hoặc đổi lấy cây sâm Ngọc Linh giống về trồng. Cứ thế, qua thời gian, nhờ nghề rèn, cuộc sống nhiều hộ gia đình dần trở nên khấm khá hơn…

Sáng sớm vào Pu Tá - ngôi làng nằm trên sườn núi, được bao quanh bởi những ruộng lúa bậc thang đang dần chín vàng- tôi gặp ông A Hình (63 tuổi), một trong những thợ rèn lâu năm của làng.

Hôm nay ông A Hình nghỉ đi rẫy, ở nhà để rèn tiếp lưỡi dao và lưỡi rìu mà ông đang rèn dở mấy hôm nay. Thấy ông chuẩn bị dụng cụ để rèn, cháu ngoại là A Thiện (13 tuổi) cũng ra phụ giúp.

Dù tuổi còn nhỏ nhưng A Thiện đã biết lấy củi để nhóm bếp lửa nung sắt. Từ đống củi được chất gọn gàng ở góc bếp, cậu bé lấy củi thông và củi dẻ lần lượt đưa cho ông của mình. Đã thành thói quen, hai ông cháu vừa làm vừa ngâm nga: 


“Củi thông khi cháy lửa to
Củi dẻ khi cháy sẽ cho than nhiều”

13 thg 7, 2019

Bến sông Kon Ngo K’tu

Bến sông Kon Ngo K’tu ở xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum chẳng biết được hình thành từ bao giờ. Theo lời kể lại của những người lớn tuổi trong làng, bến sông có từ thời rất xa xưa, từ khi làng mới bắt đầu lập lên. Điều đặc biệt là dù trải bao thăng trầm của cuộc sống và sự biến đổi của thời gian, bến sông vẫn không thay đổi gì nhiều; vẫn là nơi để đàn ông neo đậu thuyền mỗi khi đi rẫy về, là nơi sinh hoạt giặt giũ hàng ngày của chị em phụ nữ trong thôn… 

Sáng sớm tinh mơ, khi tiếng gà gáy vang lên, bà con người Ba Na ở thôn Kon Ngo K’tu lại tất bật chuẩn bị dụng cụ, thức ăn rồi cùng nhau di chuyển xuống dưới bến sông để lên thuyền vượt sông Đăk Bla chảy ngược, đến những cánh đồng mẫu lớn phía bên kia sông để canh tác, sản xuất.

Đứng trên bờ đê, già làng A Héo chỉ tay về phía xa bên kia bờ sông nói: “Cơm, áo, gạo, tiền của mỗi người dân Kon Ngo K’tu đều ở từ những cánh đồng trồng lúa, trồng bắp, trồng khoai kia. Muốn đi nhanh qua đó, chỉ có một cách là đi thuyền qua sông”.

24 thg 6, 2019

Người H’Rê ở Pờ Ê: Giữ nếp nhà sàn

Với đồng bào H’Rê ở xã Pờ Ê (huyện Kon Plông), nhà sàn không chỉ là nơi để ở, không gian sinh hoạt của mỗi gia đình mà đây còn là sản phẩm văn hóa mang nét đặc trưng, là niềm tự hào của người H’Rê. Vì vậy, dù trải qua những thăng trầm, chịu nhiều tác động từ đời sống hiện đại, nhưng người dân nơi đây vẫn gìn giữ được nếp nhà sàn truyền thống... 

Xã Pờ Ê hiện có gần 550 hộ gia đình với trên 2.200 nhân khẩu, sinh sống tại 7 thôn làng; phần lớn là đồng bào H’Rê. Hiện tại, người dân trên địa bàn vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, trong đó có nếp nhà sàn. Và, nơi đây được ví như “vùng đất của nhà sàn”.

Già làng A Xi (làng Vi Ô Lắc) cho biết: Tùy theo điều kiện mỗi gia đình mà nhà sàn được làm với kích thước lớn, nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, dù to hay nhỏ thì kiến trúc nhà sàn truyền thống của người H’Rê đều phải có những đặc điểm chung đã trở thành quy tắc “bất di, bất dịch” và được truyền từ đời này sang đời khác.

16 thg 6, 2019

Vỏ bầu khô - Vật dụng độc đáo của đồng bào Ba Na

Vỏ bầu khô là vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Ba Na ở thành phố Kon Tum. Vỏ bầu to người dân dùng để đựng nước uống, đựng cháo mang đi làm rẫy hay cất giữ hạt giống; vỏ bầu nhỏ được cắt ra làm muỗng múc canh, múc rượu hay đơn giản là kết thành chiếc chuông gió trang trí trước cửa nhà…

Chiều muộn, khi chúng tôi đến làng Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) thì bà con nơi đây cũng bắt đầu đi rẫy về. Đã thành thói quen, nhiều phụ nữ thường ghé giọt nước của làng rửa chân tay rồi lấy nước về nấu cơm. Nước được phụ nữ đựng trong những vỏ bầu, cho vào gùi rồi mang về nhà.

Bà Y Mai ở làng Kon Jơ Dri cho biết: Vỏ bầu khô là vật dụng thân thuộc trong đời sống của đồng bào Ba Na trước đây. Vỏ bầu khô thường được người dân dùng để chứa nước lấy từ giọt mang về nhà; đựng nước, đựng cháo khi đi làm rẫy; những người khéo tay còn biết chế tác vỏ bầu kết hợp với các nguyên liệu khác thành các loại nhạc cụ… Giờ tuy ít được sử dụng hơn, nhưng một số gia đình vẫn dùng vỏ bầu để đựng nước mang đi làm, đựng rượu đãi khách hay để trưng bày cho đẹp.

21 thg 5, 2019

Lễ hội cầu an của người Ba Na

Lễ hội cầu an là lễ hội truyền thống có từ ngàn đời xưa của người Ba Na (nhánh Rơ Ngao). Đây là một trong những lễ hội đặc sắc liên quan đến cộng đồng làng, nhằm cầu mong cho dân làng ấm no, hạnh phúc...

Lễ hội cầu an, theo tiếng Ba Na (nhánh Rơ Ngao) gọi là Puh hơ drĭ. Ở đây từ “puh” nghĩa là “xua đuổi”, “hơ drĭ” mang ý nghĩa là “mọi tà ma”, “dịch bệnh”, “sự dơ bẩn”, “cầu mong bình an"… Puh hơ drĭ là xua đuổi mọi tà ma, dịch bệnh, điều xấu ra khỏi dân làng để cầu mong cho dân làng quanh năm được khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc, đoàn kết một lòng…

Ông A Thút (62 tuổi) - Nghệ nhân ưu tú, Đội trưởng đội nghệ thuật cồng chiêng làng Đăk Wơk (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) cho biết: Lễ hội cầu an được tổ chức sau khi dân làng đã thu hoạch hết mùa màng trên rẫy. Tùy vào điều kiện kinh tế của dân làng mà cúng cho Yàng những lễ vật hiến sinh cho phù hợp, có thể là con trâu hay con bò, heo, dê, gà.

Trước khi tổ chức Lễ hội cầu an, dân làng tiến hành phát dọn đường đi sạch sẽ, sửa sang nhà rông, bến nước, dọn vệ sinh sạch sẽ trong thôn làng, đóng góp của cải vật chất để sắm vật hiến sinh cúng Yàng, chế tác các đạo cụ như mặt nạ người và trang phục con thú dữ, hình nộm của con chim phượng hoàng…

9 thg 5, 2019

Thơm ngon rượu ghè làng Kon Jơ Ri

Cũng như bao cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh, người Ba Na ở làng Kon Jơ Ri (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) có truyền thống làm rượu ghè. Họ không rõ biết làm ra rượu ghè từ khi nào, chỉ biết rằng từ lâu lắm rồi, tổ tiên, ông bà họ đã biết làm rượu ghè để tế thần linh và cùng nhau thưởng thức. Và, từ lâu nghề nấu rượu ghè trở thành truyền thống nhằm phục vụ đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của người Ba Na nơi đây.
Kon Jơ Ri là làng của người Ba Na di cư từ xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) sang xã Đăk Rơ Wa lập nghiệp từ nhiều năm trước. Ngôi làng nằm trên một khu đất cao ráo và tương đối bằng phẳng, với một không gian thoáng đãng, mặt hướng ra dòng sông Đăk Bla có cánh đồng phù sa màu mỡ thẳng cánh cò bay.

Sống giữa núi đồi và bên dòng sông Đăk Bla miên man con nước ngược xuôi, người Ba Na ở đây rất chân chất và dễ gần. Trong đời sống sinh hoạt của người dân, rượu ghè là phẩm vật không thể thiếu để họ dâng lên thần linh trong các dịp lễ hội và cùng nhau thưởng thức nhằm thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng.

"Báu vật" làng Kon H'ra Chót

Chiều cuối tuần. Nắng rưng rức vàng trên phố. Tôi lang thang xuống làng Kon H’ra Chót (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum), bất ngờ gặp một nhóm phụ nữ mặc váy áo thổ cẩm cười nói rộn ràng. Hỏi rằng “các chị đi đâu thế”? Đáp rằng “Đi tập bài chiêng mới”. À, thì ra là đội chiêng nữ nức tiếng của làng đây mà...
Tiếng cười nói xa dần. Những nếp váy đung đưa theo nhịp bước chân, màu sắc thổ cẩm sáng cả con đường mùa gió, như mang cả hơi thở đại ngàn về phố thị.

Và chỉ ít phút sau, từ phía nhà rông của làng Kon H'ra Chót đã bay bổng tiếng chiêng cồng. Tinh blinh. Tinh blinh... Tiếng chiêng như giục giã, như mời gọi bước chân bao người.

Đứng trước sân rộng, già làng A Huy nói lớn: Đó, tiếng chiêng như thế là ngon rồi. Chiêng lớn thì tiếng trầm, chiêng nhỏ thì tiếng cao. Chân bước, hông lắc phải mang nét riêng, mềm mại chứ không mạnh mẽ, hào hùng như đàn ông.

Nghe ông nói, có thể thấy ông tự hào về đội chiêng nữ của làng lắm. Mà cũng đúng, với dân làng Kon H'ra Chót, họ là "báu vật", là niềm tự hào. "Mấy người coi, lâu nay phổ biến là đàn ông chơi chiêng, chứ hiếm có đàn bà chơi chiêng lắm, nhưng làng mình có rồi đấy. Không chỉ biết mà còn chơi hay, chơi giỏi nữa"- dân làng thường "khoe" về đội chiêng nữ như vậy.

25 thg 4, 2019

Trở lại bến đợi, làng chờ

Tôi trở lại bến Đợi của làng Chờ (xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) vào một ngày đầy nắng tháng 3. Bến Đợi là một trong những điểm du lịch của huyện Sa Thầy. Nơi đây, dù chỉ cách trung tâm huyện lỵ Sa Thầy không xa, nhưng do vị trí của làng Chờ nằm riêng về một nhánh đường, nên không gian khá yên tĩnh...

Đến với làng Chờ là đến một nơi mà cảnh quan và cuộc sống, sinh hoạt của con người diễn ra trong không khí thanh bình, phảng phất nét hoang sơ, với những mái nhà sàn của đồng bào Gia Rai dưới bạt ngàn cây xanh hòa quyện. Ở đây du khách sẽ được tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên, đắm mình trong không khi lễ hội mang đậm nét văn hóa của đồng bào Gia Rai, hít thở không khí trong lành, sống chậm lại một chút, tạm quên đi cuộc sống bận rộn với những mưu sinh thường ngày chốn “phồn hoa, đô hội”…

Năm 1995, để đảm bảo cho việc khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Ya Ly, người dân làng Chờ phải di dời về nơi ở mới. Thể theo nguyện vọng của người dân, bến Đợi chính là bến nước được chính quyền địa phương chọn để người dân làng Chờ làm nơi ở mới (và vẫn lấy tên làng cũ làm tên của làng tái định cư- làng Chờ).


Bình yên làng Chờ 

Củi hứa hôn của thiếu nữ Rơ Ngao ở Pô Kô

Bắt đầu tuổi cập kê, những cô gái Rơ Ngao (Ba Na) ở xã Pô Kô, huyện Đăk Tô đã biết vào rừng kiếm củi mang về chất đầu nhà, sau bếp đợi đến khi tìm được ý trung nhân, tổ chức đám cưới sẽ mang tặng mẹ chồng. Không chỉ là sính lễ về nhà chồng, củi hứa hôn còn là thước đo sự giỏi giang, khéo léo và tình yêu dành cho chồng của người con gái.

Sính lễ về nhà chồng


Dù đã “theo chồng bỏ cuộc chơi” 4 năm rồi nhưng Y Nhung (làng Tu Peng) vẫn nhớ như in chuyện ngày còn thiếu nữ từng lặn lội vào tận rừng sâu, lên núi cao kiếm những bó củi đẹp đẽ để làm lễ vật mang tặng mẹ chồng lúc cưới.

Y Nhung kể: Mình lấy chồng năm 19 tuổi, nhưng từ hồi 14 tuổi, cha mẹ đã giục mình là phải lo kiếm củi để sau này làm lễ vật khi lấy chồng. Suốt 5 năm ròng, lúc nào có thời gian là mình đều đi kiếm củi mang về chất đầy đầu nhà, che đậy cẩn thận. Đến lúc cưới, mình kiếm được hơn 100 bó to bằng cái gùi. Trước hôm cưới 2 ngày, mình nhờ anh em, bạn bè đưa sang nhà chồng, mẹ chồng vui lắm. Bà đem củi chia cho anh em trong nhà, còn lại để đun mấy năm rồi vẫn chưa hết.

22 thg 3, 2019

“Hồn cốt” người làng Kon Kơ Tu

Tiếng Ba Na, Kon Kơ Tu có nghĩa là làng cổ. Người dân trong làng còn giữ được nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Cùng với những nét văn hoá độc đáo khác, sản phẩm thổ cẩm và nghề dệt thổ cẩm là một trong những yếu tố góp phần tạo nên “hồn cốt” của người Ba Na.
Nặng nợ với nghề
Dường như là duyên nợ, sau hành trình khám phá tour du lịch ngược dòng sông Đăk Bla cùng với hai vị khách người Pháp và một hướng dẫn viên du lịch Kon Tum đến làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) cách đây nhiều năm, thâm tâm luôn mách bảo tôi phải trở lại nơi này.

Thực ra không phải riêng tôi, có nhiều du khách tận trời Âu khi đến thành phố Kon Tum đều đến làng Kon Kơ Tu, bị vẻ đẹp tự nhiên và con người nơi đây “hút hồn” nên đã quay lại để tìm hiểu sâu hơn về những điều kỳ thú mà mình đã được nghe, được thấy, nhất là với những du khách thích trải nghiệm, khám phá những nét đẹp về văn hóa.

5 thg 3, 2019

Độc đáo củi hứa hôn của thiếu nữ Giẻ-Triêng

Trước khi cưới, các cô gái phải chuẩn bị hàng trăm bó củi rừng để đưa sang nhà chồng. Họ gọi đó là củi hứa hôn. Đây là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc của người Giẻ-Triêng ở vùng biên giới 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei. Bây giờ, tục này vẫn duy trì...

Chuẩn bị củi hứa hôn từ tuổi 15


Đầu năm 2019, theo chân ông A Xíu - cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đăk Glei về làng Đăk Ung (xã Đăk Nhoong), chúng tôi chứng kiến nhiều nhà có "núi" củi hai đầu phẳng phiu xếp ngay ngắn bên hiên nhà, trước sân.

A Xíu cho biết đó là "củi hứa hôn" của con gái người Giẻ -Triêng trong làng, phần lớn là củi đã "bắt chồng" rồi (nghĩa là đã làm đám cưới).

Đến nhà bà Y Lép, thấy đống củi cao còn mới, hỏi thì quả là nhà vừa làm đám cưới cho con trai.

"Con gái Giẻ -Triêng là vậy. Muốn cưới chồng phải chuẩn bị củi hứa hôn. Bây giờ mỗi đứa chỉ làm 100-200 bó củi thôi, còn ngày xưa phải làm gấp 2-3 lần" - bà Y Lép nói.

Giúp thiếu nữ chuẩn bị củi hứa hôn 

Dân làng Kon Braih vui lễ hội Kă Pơ Lêh

Theo phong tục truyền thống trước đây và bây giờ đã được đưa vào quy ước, hương ước của thôn (làng), cứ đúng ngày 25 tháng 2 hàng năm - thời điểm chuẩn bị bước vào vụ sản xuất rẫy - bà con dân làng Kon Braih (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) lại tổ chức lễ hội Kă Pơ Lêh (tết làng) dưới góc độ cộng đồng làng.

Khác với mọi ngày, sáng nay, gian bếp của gia đình chị Y Dênh (ở thôn Kon Braih) đỏ lửa từ rất sớm để chế biến các món ăn truyền thống kịp đầu giờ chiều mang lên nhà rông cùng bà con trong làng tổ chức lễ hội Kă Pơ Lêh.

Chị Y Dênh cho biết, để chuẩn bị cho lễ hội đặc biệt quan trọng trong năm này, ngày hôm trước, chồng chị - anh A Thu phải tranh thủ đi rừng để bẫy chuột, bẫy sóc; còn chị thì cùng chị em phụ nữ trong làng đi rừng để hái lá ming, đọt mây về chế biến các món ăn.


Bà con dân làng cùng chẻ ống cơm lam cho vào nia để già làng làm lễ cúng thần linh