Hiển thị các bài đăng có nhãn An Giang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn An Giang. Hiển thị tất cả bài đăng

14 thg 12, 2020

Hương vải trăm năm

Trong một lần đến chùa Svay Ta Hon (xã An Tức, Tri Tôn, An Giang), tôi khá bất ngờ khi bắt gặp 2 cây vải thiều 300 năm tuổi. Có lẽ, đây là cây vải thiều to lớn nhất mà tôi từng thấy. 

Chùa Svay Ta Hon vào một ngày mưa. Lối dẫn vào chùa với lớp đá phủ dấu thời gian và hàng cột nhiều màu sắc tạo ấn tượng khá đặc biệt cho những ai lần đầu tới đây. Trong cái lạnh buốt của cơn mưa xứ núi vừa mới đi qua, tôi ngồi trò chuyện cùng sư cả Chau Hênh về lịch sử của 2 cây vải thiều cổ thụ này. Là người cởi mở, sư cả Chau Hênh vui vẻ chỉ tay về 2 cây đại thụ được công nhận là cây di sản trong khuôn viên ngôi chùa yên ắng này và câu chuyện về chúng dần hé lộ qua những ly trà nóng.

“Cây có hồi nào thì sư không biết chắc. Chỉ nghe ông già, bà cụ nói lại là tuổi cây tương xứng với tuổi chùa. Có một ông sư cả đã cất công lên đến Xiêm Riệp (Campuchia) để mang về 3 cây vải thiều trồng trong sân chùa. Qua mấy trăm năm, có 1 cây đã chết. Hiện giờ còn 2 cây sống tốt nên sư cũng ra sức bảo quản, giữ gìn như kỷ vật của cha ông để lại. Mấy ông già đi trước đã giữ gìn thì tới sư phải bảo quản thiệt tốt, vì nhà nước đã công nhận là cây di sản” - sư cả Chau Hênh thiệt tình. 

Hai cây vải thiều đại thụ trong khuôn viên chùa Svay Ta Hon 

13 thg 12, 2020

Tân Châu – Điểm đến du lịch kỳ thú - 3

Kỳ III: Thăm “thủ phủ” cá giống, trải nghiệm du lịch tâm linh

Tân Châu quả là điểm đến du lịch (DL) kỳ thú bởi khi du khách đến đây, ngoài đi DL làng nghề, trải nghiệm văn hóa lịch sử, tâm linh của một vùng đất, du khách còn được tìm hiểu thêm một nghề mỗi năm mang về cho đất nước 2,2 tỷ USD, giải quyết 500.000 lao động có việc làm ổn định, đó là nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu.

Thăm "thủ phủ" cá tra

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ở An Giang, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu được hình thành và phát triển rất sớm. Đầu tiên, ngư dân Tân Châu bắt cá basa bột ngoài thiên nhiên mang về ương nuôi lên thành con giống, sau đó bán cho những hộ nuôi cá thương phẩm, nuôi phục vụ chế biến xuất khẩu. Dần về sau, sản lượng xuất khẩu cá basa ngày càng tăng, con giống không đáp ứng nổi nhu cầu của các hộ nuôi cá basa nguyên liệu. Ngoài vấn đề con giống, thời gian nuôi cá basa phải mất từ 10 - 12 tháng, trong khi con cá tra nuôi chỉ 6 tháng đã xuất bán.

Tân Châu - điểm đến du lịch kỳ thú - 2

Kỳ II: Thăm làng nghề truyền thống tơ lụa Tân Châu

Trước dịch bệnh COVID-19, các tour du lịch (DL) mang tên “Sông nước miệt vườn, “Một lần ghé làng Chăm”, “Về thủ phủ cá tra”… rất ăn khách. Nằm trong hành trình tour, du khách sẽ được ghé thăm làng nghề truyền thống tơ lụa Tân Châu (An Giang). Đây là làng nghề có tuổi đời trên 100 năm. Sản phẩm Lãnh Mỹ A của làng nghề đã nổi tiếng khắp năm châu bốn biển.

Chuyện xưa

Làng nghề truyền thống tơ lụa Tân Châu được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XX. Sản phẩm nổi tiếng của làng nghề là mặt hàng Lãnh Mỹ A. Nổi tiếng bởi nó mềm mại, dai, bền và độ hút ẩm cao. Lãnh Mỹ A được làm từ chất liệu tơ tằm tự nhiên nên vừa có giá trị về mặt mỹ thuật, vừa có giá trị về mặt kinh tế, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Các trang phục may từ lụa Tân Châu nói chung, Lãnh Mỹ A nói riêng đều mang đến cho người mặc cảm giác thoải mái, mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, vì lẽ đó mà trong những năm đầu của thế kỷ XX, Lãnh Mỹ A trở thành “niềm mơ ước” của chị em phụ nữ. 

Nghệ nhân dùng trái mặc nưa để nhuộm Lãnh Mỹ A 

Tân Châu - điểm đến du lịch kỳ thú - 1

Nói đến TX. Tân Châu (An Giang), người dân cả nước không chỉ biết đến là vùng biên giới có thương mại – dịch vụ phát triển mà nơi đây còn nổi tiếng là điểm đến du lịch (DL) kỳ thú ở miền cực Nam Tổ quốc. Đến Tân Châu, ngoài thăm làng lụa, làng lúa, làng hoa, du khách còn có dịp đến làng Chăm thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương, tìm hiểu văn hóa lịch sử của một vùng đất, thăm “Thủ phủ” cá tra, nơi sản xuất con giống cung cấp cho cả nước, trải nghiệm DL sông nước miệt vườn và ngắm nhìn thiên nhiên kỳ thú.

KỲ I - Du lịch làng Chăm

An Giang có 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer cùng sinh sống. Ở mảnh đất đầu nguồn này, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa, truyền thống, bản sắc và tập tục riêng. Nếu bạn có dịp về An Giang, hãy một lần ghé qua làng Chăm để biết được tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm, thăm các thánh đường hồi giáo với những kiến trúc đẹp, ăn các loại bánh đặc sản như bánh tổ chim (do chính tay phụ nữ Chăm làm) và tìm hiểu những tập tục đẹp mà người Chăm bao đời còn gìn giữ. 

Sân khấu phục dựng đám cưới người Chăm 

11 thg 12, 2020

Châu Đốc - “Vương quốc” mắm Nam Bộ

Cùng với lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được tổ chức hàng năm, TP. Châu Đốc (An Giang) còn nổi tiếng với đặc sản mắm. Thật không ngoa khi cho rằng, Châu Đốc là “Vương quốc” mắm của Nam Bộ, bởi ở đây có nhiều cơ sở chế biến hàng chục loại mắm khác nhau. Với nhiều hương vị độc đáo, mắm Châu Đốc là một trong những món quà không thể thiếu khi du khách đến tham quan, du lịch. 

Châu Đốc là vùng đất giàu truyền thống, từng ghi đậm dấu ấn của các danh tướng, những bậc tiền hiền có công khai phá, mở mang bờ cõi, giữ vững biên cương Tổ quốc. Ngoài ra, Châu Đốc còn nổi tiếng với những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, thu hút đông du khách thập phương như: khu du lịch núi Sam, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang…

Nhờ có vị trí địa lý đặc thù, nằm bên cạnh sông Hậu cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt nên nơi đây có nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng về chủng loại. Cũng chính nhờ “món quà quý” thiên nhiên ban tặng này, từ lâu các hộ dân nơi đây đã hình thành và phát triển nghề làm mắm cho đến nay. Theo các bậc cao niên ở đây cho biết, ngày xưa do trên các con sông, kênh, rạch có quá nhiều cá, tôm… nhất là vào mùa nước nổi, người dân đánh bắt khá nhiều, ăn không hết nên làm mắm, làm khô để dùng dần. Đây là cách dự trữ nguồn thực phẩm khá hiệu quả và phổ biến vào thời điểm đó, vì có thể để lâu. Nếu trước đây, mắm làm ra để ăn vì nhà nào cũng làm, còn bây giờ mắm làm ra để bán.

Kinh lá buông và giá trị văn hóa Khmer

Được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, kinh lá buông ẩn chứa những nét đẹp tinh túy trong văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer vùng Bảy Núi. Đây là nơi lưu giữ những giá trị tri thức cũng như sự sáng tạo độc đáo được người Khmer lưu giữ qua nhiều thế hệ. 

Chùa Soài So (xã Núi Tô, Tri Tôn, An Giang) từ lâu được biết đến là nơi còn lưu giữ kỹ thuật viết kinh trên lá buông của đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi. Nơi đó có vị hòa thượng Chau Ty, người nghệ nhân duy nhất nắm rõ những tinh túy của kỹ thuật viết kinh trên lá buông. Tuy nhiên, thời điểm tôi đến ông không có mặt tại chùa nhưng vẫn dặn dò sư phó Chau Bane gặp gỡ phóng viên.

Nói về lý do ra đời của những bộ kinh lá buông, sư Chau Bane cho biết: “Nghe kể lại, kinh lá buông có từ thế kỷ XIX. Hồi trước, vì thiếu sách vở để giáo dục phật tử nên các sư nghĩ ra cách này để viết kinh nhằm lưu giữ được lâu. Tính đến nay, những bộ kinh cổ nhất đã có tuổi đời hàng trăm năm. Sãi cả Chau Ty rất muốn truyền dạy kỹ thuật viết kinh lá buông cho nhiều người cùng biết để giữ gìn truyền thống”. 

Sư Chau Bane giới thiệu về bộ kinh lá buông 

Hàng quê mộc mạc, "chính hiệu" nhà trồng!

“Lựa đi em, trái cây “chính hiệu” nhà trồng đó! Bao ngon, bao ngọt, ăn ngon thì lần sau đi ngang đây nhớ ghé ủng hộ chị nghen!” – lời chào mời khách ở những gian hàng “nhà trồng” ven 2 bên đường trên tuyến Tỉnh lộ 943 (TP. Long Xuyên – Thoại Sơn) nghe mà mát lòng. Từ tò mò, dừng xe lại xem các gian hàng bán gì, bạn sẽ không ngần ngại móc “hầu bao” mua những món quà quê “nhà trồng” ấy. Không chỉ vì trái cây đó xanh tươi, mà còn là bởi sự nhiệt tình, dễ mến của chị em miệt vườn. 

Có dịp ngang qua những cung đường Tỉnh lộ 943, 941… của An Giang, hình ảnh những gian hàng quê với thế mạnh trồng gì bán nấy ven 2 bên đường hẳn sẽ thu hút khá nhiều người. Trái cây nhà trồng ấy dễ nhận diện ở chỗ, hễ thấy sạp nào bày bán trái gì, khỏi hỏi cũng đoán ngay rằng, chủ nhà đang trồng nó.

Ở quê mà, các mẹ, các chị đảm đang tranh thủ hái vài trái đu đủ mỏ vịt, những chùm me dốt bột, đôi ba trái bình bát, hai ba buồng chuối già, chuối xiêm vừa chín tới hay đơn giản chỉ là mớ rau muống sau đồng… vậy là đã phong phú hẳn cho sạp trái cây vườn nhà của mình.

Nói đơn giản, dễ hình dung hơn thì, bà con ở quê hay mang con cá, cọng rau, trái cây vườn nhà ra để bán, lâu dần… thành nghề. Ban đầu chỉ mong kiếm thêm vài đồng để đỡ tiền cá mắm nhưng lâu dần lại thành cái nghề lúc nông nhàn, giúp các bà, các chị kiếm thêm nguồn thu nhập phụ sinh kế gia đình. 

Đặc sản quê... nhà trồng 

Con nước tháng 10

Tháng 10 âm lịch, gió bấc thổi vun vút qua những cánh đồng giáp biên báo hiệu mùa cá ra sông để nuôi sống dân câu lưới trong tháng nước cuối cùng. Tuy nhiên, con nước tháng 10 năm nay khiến dân câu lưới thất vọng bởi sản lượng cá không như mong đợi.

Mùa lũ muộn

Thoăn thoắt đôi tay vá lại chỗ lưới bị rách, chốc chốc lại nhấp ngụm nước trà với đôi mắt trũng sâu, ông Nguyễn Văn Lò (ngụ xã Vĩnh Hội Đông, An Phú) không giấu được nỗi buồn. Có lẽ, đây là mùa lũ thứ tư hay thứ năm gì đó mà mẹ thiên nhiên đã “quay mặt” với ông và dân câu lưới ở xứ biên giới từng lắm tôm nhiều cá này.

“Mùa nước năm nay cũng không theo như ông bà xưa nói. Theo như tui tính, con nước đi trễ gần 2 tháng. Dân “bà cậu” trên này đã chuẩn bị đồ nghề từ tháng 3 âm lịch, chờ tới tháng 5 không thấy nước đâu. Tới tháng 7 thì có nước liu riu. Tầm tháng 8, tháng 9 thì nước lên nôn nôn rồi vực xuống cũng nhanh. Rồi…cá mắm ở đâu không thấy! Thiệt ra, tháng 10 âm lịch là lúc cá ra sông nhưng năm nay sản lượng ít quá khiến dân câu lưới cũng thất vọng!” - ông Lò thiệt tình. 

5 thg 12, 2020

Nông Trại Phan Nam – Mô hình du lịch nông nghiệp sạch thú vị ở An Giang

Tọa lạc tại số 181 Đường Liên Xã, xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên nông trại Phan Nam đã trở thành địa điểm du lịch An Giang ưa thích của người dân địa phương và du khách gần xa. Được tận mắt chứng kiến quá trình sinh trưởng, phát triển của nhiều loại quả cây, thưởng thức sản phẩm tươi ngon ngay tại chỗ thực sự là trải nghiệm rất thú vị. 

Nông Trại Phan Nam 

Nông trại Phan Nam là một mô hình du lịch canh nông tận dụng lợi thế và đặc thù địa phương, phát huy được những thế mạnh về nông nghiệp, văn hóa, con người An Giang. Với công nghệ sử dụng tưới nhỏ giọt, kết hợp tưới phun mưa và các khâu chăm sóc được thực hiện bằng công nghệ tự động, các loại cây trồng tại nông trại đều thích nghi, phát triển tốt, đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Nông trại có diện tích 4ha, tích hợp nhiều khu vực như khu trò chơi, khu ăn uống, khu công nghệ cao, vườn dược liệu, vườn hoa, khu vườn trái cây rộng lớn… là điểm đến phù hợp cho mọi gia đình và mọi người, từ trẻ nhỏ, thanh thiếu niên cho đến người lớn tuổi. 

7 thg 10, 2020

Khỉ hoang trên núi Kéc

Theo lời kể của những người bạn địa phương, tôi đã thực hiện một chuyến lên núi Kéc (xã Thới Sơn, Tịnh Biên, An Giang) để tận mắt chứng kiến bầy khỉ hoang. Quả thật, bầy khỉ đang sinh sống ở đây đã trở nên khá đặc biệt với những du khách hành hương. 

Đến núi Kéc vào một buổi trưa, tôi phải thật sự nỗ lực để có thể lên tới nơi có bầy khỉ hoang sinh sống. Chẳng ai biết bầy khỉ có từ khi nào, nhưng những người dân thường lui tới núi Kéc khẳng định rằng, chúng có khá nhiều thế hệ trong bầy. Trên núi Kéc hiện chia thành 2 bầy khỉ hoang với “địa phận” hoạt động khác nhau. Theo lời người dân, tôi phải leo đến Sân Tiên để gặp được bầy khỉ hoang đang định cư ở nơi cao nhất của núi Kéc. 

Anh Nguyễn Thành Luân (người thường xuyên lên núi Kéc) cho biết, bầy khỉ ở khu vực Sân Tiên có khoảng 20 con, với 1 con khỉ chúa. Bầy khỉ này khá bạo dạn khi thấy người, bởi du khách thường xuyên cho chúng thức ăn. Mỗi ngày, chúng thường xuất hiện vào buổi sáng và buổi chiều, khi thời tiết mát mẻ. Những ngày mưa, chúng trú ngụ nơi nào không ai biết nhưng khi nắng đẹp thì đám “hậu duệ” của Tôn Ngộ Không lại ra ngồi trên những tảng đá dọc theo đường đi. Theo lời người dân, mục đích của việc này là “đón đường” du khách để xin thức ăn. 

Du khách cho bầy khỉ ăn 

23 thg 9, 2020

Đến "Nhà của mây” trên núi Cấm

Là điểm check-in mới trên núi Cấm (An Giang), “Nhà của mây” khá thích hợp để các bạn trẻ và những người yêu thích thiên nhiên trải nghiệm cảm giác yên bình, se lạnh của núi Cấm về đêm. Bên cạnh đó, bạn có thể tận hưởng không khí trong lành của những buổi sáng đầy mây trên đỉnh núi cao nhất miền Tây. 

Men theo những con đường bê-tông bò ngoằn ngoèo dưới tán lá rừng, tôi và người bạn tìm đến điểm check-in mới trên núi Cấm được nhiều người yêu thích: “Nhà của mây”. Thực tế, “Nhà của mây” là mô hình du lịch homestay với việc gia chủ cung cấp cho du khách những trải nghiệm gần gũi, chân thực và sinh động về một núi Cấm hiền hòa, trong lành và tĩnh lặng.

Là người mạnh dạn thực hiện ý tưởng hình thành điểm check-in "Nhà của mây", chị Dương Thị Cẩm Vân chia sẻ: “Tôi lớn lên trên núi Cấm nên hiểu rất rõ những đặc thù về khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Tôi nghĩ, nếu chỉ để du khách lên núi viếng chùa, ăn bánh xèo rồi trở xuống thì rất tiếc. Do đó, tôi quyết định phát triển mô hình homestay để du khách có thể trải nghiệm cảm giác nghỉ trên núi Cấm về đêm và sống chan hòa cùng thiên nhiên. Lúc đầu, tôi chỉ định xây dựng căn chòi để làm nơi nghỉ ngơi cho mình. Sau khi đưa hình ảnh lên mạng xã hội, nhiều người đã liên hệ để được check-in Nhà của mây”. 

Góc nhìn từ “Nhà của mây” trong những ngày nắng đẹp 

Dấu ấn cây da trăm tuổi

Hơn mấy trăm năm trơ gan với mưa nắng thời gian, cây da Long Bình đã trở thành nhân chứng cho quá trình đổi thay của vùng đất đầu nguồn biên giới. Đến thăm cây đại thụ này, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp với kích thước to lớn cũng như lắng nghe những câu chuyện thú vị liên quan đến nó. 

Theo hướng dẫn của người dân thị trấn Long Bình (An Phú), tôi quẹo từ Quốc lộ 91C vào một con đường nhỏ. Người dân địa phương gọi đây là “giồng Cây Da” với ngụ ý nơi đây xưa kia là giồng đất cao có một cây da to lớn. Tên gọi dân gian đó đã nói lên quá trình gắn bó giữa cây với đất, giữa đất với người hàng mấy trăm năm.

Sau vài trăm mét dò đường, tôi đã gặp được cây da Long Bình mà từ trước tới nay chỉ nghe qua lời kể. Quả thật, khi đứng trước cây đại thụ này, bất cứ ai cũng sẽ thấy mình nhỏ bé! Những nhánh cây già cỗi vươn mình vững chãi dưới cái nắng trưa biên giới. Tiếng lá lao xao tạo ra thứ âm thanh trong trẻo của thiên nhiên. Bóng mát của cây có thể che lấp một sân bóng chuyền bên dưới và còn cả khoảng sân rộng để đám nhóc thơ ngây chơi “năm - mười”.

Bà Nguyễn Thị Lệ (người dân định cư gần cây da) cho biết: “Cây da này theo tên gọi dân gian là sung reo. Bởi, trái của cây gần giống như trái sung và có thể ăn được. Do kích thước lá lớn nên mỗi khi có gió thổi sẽ tạo ra âm thanh rất lớn, tựa như tiếng reo. Cây da có từ hồi nào tôi không biết, nhưng bà nội tôi kể rằng hồi bà mới về đất này làm dâu thì cây đã to lớn lắm rồi. Bà nội có hỏi ông cố tui, thì ông cũng chỉ biết cây da có từ trước khi lớp người đầu tiên đến đây “cắm dùi” khai hoang, mở đất. Như vậy, cây da đã có trước khi gánh họ Nguyễn của tui đến ở cái đất này, mà tới tui đã hơn 5 đời rồi!”. 

Tháng tám, về thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Ngày 20-8-2020 đánh dấu kỷ niệm 132 năm ngày sinh Bác Tôn – cách người dân An Giang thương mến gọi Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980). Dù Người đã xa khuất, nhưng ở vùng quê Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, An Giang), từng kỷ vật, từng dấu ấn của Người vẫn còn đang được lưu giữ cẩn thận. Tháng tám, quê Bác đẹp và bình yên vô cùng! 


Chủ tịch Tôn Đức Thắng là Chủ tịch nước thứ hai và cuối cùng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là Chủ tịch nước đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ca ngợi Bác Tôn là “tấm gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Bác Tôn là biểu tượng cho hình ảnh đồng bào miền Nam trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác cũng là người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng vào năm 1958. Hình ảnh của Bác được đặt trang trọng trong khu lưu niệm. 

Về An Giang đi chợ nổi

Chợ nổi là nét văn hóa lâu đời của miền Tây sông nước. Chợ nổi mang vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của con người Nam Bộ. Về An Giang, bạn có thể đi tham quan chợ nổi để cảm nhận và trải nghiệm một phần nét đẹp của vùng đất đầu nguồn châu thổ. 

An Giang là vùng đất của sông núi hữu tình và trong bức tranh tổng thể đó, chợ nổi tồn tại như lẽ đương nhiên. Dù không tấp nập như chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ), nhưng chợ nổi Long Xuyên và chợ nổi Châu Đốc vẫn có sức hút riêng, với vẻ đẹp hiền hòa, bình dị và pha chút hữu tình.

Chẳng ai biết chính xác chợ nổi Long Xuyên ra đời khi nào nhưng hình ảnh những chiếc ghe từ “miệt trên”, “miệt dưới” tề tựu về khúc sông thoáng đãng cạnh thành phố trẻ để mua bán đã trở nên quen thuộc với người dân vùng đất này. Có một thời, chợ nổi không thể thiếu trong cuộc sống người dân khi đường bộ còn bất tiện. Ngày nay, chợ nổi vẫn tồn tại bên cạnh sự ồn ào, náo nhiệt của một Long Xuyên đang vươn mình phát triển. 

“Bẹo hàng” là văn hóa đặc trưng của chợ nổi 

22 thg 9, 2020

Ði "săn" cá đồng

Khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhuộm đỏ những dòng sông, dòng kênh cũng là lúc các loài cá đồng bước vào thời điểm sinh sôi nhiều nhất trong năm. Lúc đó, nhiều người bắt đầu vào mùa “săn” cá đồng để thưởng thức hoặc đem ra bán chợ. 

Kênh Vĩnh Tế những ngày cuối tháng 7 (âm lịch), màu nước nhuộm phù sa, thấp thoáng mấy đám lục bình trôi bồng bềnh về nơi vô định. Tôi tìm đến nhà Lê Trường Anh (xã An Nông, Tịnh Biên, An Giang) để làm một chuyến săn cá đồng miền biên giới cho thỏa thú tiêu dao. Đón tiếp tôi bên ngôi nhà nhỏ, Lê Trường Anh với nụ cười thân thiện, gương mặt đen sạm vì nắng gió đã sẵn sàng cho một chuyến đi kiếm cá đồng nơi biên giới An Nông.

Với Lê Trường Anh, công việc hàng ngày là thả lưới kiếm mớ cá mang bán chợ để mưu sinh. Đã hơn 20 năm, anh gắn bó với tay lưới, tay chèo trên dòng kênh huyền sử Vĩnh Tế này như một cái nghiệp. Anh chia sẻ, bản thân chưa bao giờ nghĩ đến việc bắt cá bằng xung điện, bởi việc đó là tuyệt diệt thủy sản và cũng dần hạn chế nguồn mưu sinh của mình. Bởi thế, anh chỉ bủa lưới để bắt cá. Trong đó, cá quen thuộc nhất là mè vinh, loại “cá trắng” có thịt rất ngon, rất béo của xứ đồng quê. 


Lên núi “săn cua”!

Khi nghe đến việc lên núi “săn cua”, nhiều người sẽ không thể tin rằng ở chốn rừng cao dốc đá lại tồn tại loài thủy sản này. Tuy nhiên, bạn có thể trải nghiệm hoạt động này nếu đến núi Cấm (An Giang) vào mùa mưa, khi những dòng nước trời mang theo mùa cua núi về với “nóc nhà miền Tây”. 

“Hò ơi, gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua”. Bất cứ ai lớn lên trên mảnh đất quê nghèo đều nằm lòng câu hát ru từ thuở nằm nôi. Và khi đi vào bài hát “hình bóng quê nhà”, câu hát ấy cứ như đóng đinh vào nỗi nhớ của mỗi người về tình yêu sâu nặng với xứ rẫy, xứ đồng qua hình ảnh con cá, con cua. Nhưng ở đây, tôi đang làm ngược lại khi quyết định làm một chuyến lên núi săn cua!

Như đã hẹn, tôi đến núi Cấm vào một ngày giữa mùa mưa để trải nghiệm hoạt động săn cua trên núi. Anh Lê Gia Giang (người dân sinh sống trên núi Cấm) tình nguyện làm “hướng dẫn viên” giúp tôi có chuyến đi đặc biệt này. Gọi là “săn cua” cho oai, chứ người dân trên núi chỉ nói đơn giản là “câu cua”. Thoáng nghe, tôi có chút nghi ngờ. Bởi, miệt đồng bằng thường nói là “câu cá” và “bắt cua”, chứ “câu cua” thì chưa nghe thấy bao giờ. Nhưng anh Giang và những người bạn trên núi Cấm đi câu cua thật! 

Câu cua trong hốc đá 

15 thg 9, 2020

Di tích Nhà Mồ Ba Chúc – Tri Tôn – An Giang

Di Tích Nhà mồ Ba Chúc thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 10/7/1980. Nơi đây lưu giữ hài cốt của những người dân vô tội bị sát hại và được xem là một bản cáo trạng về tội ác diệt chủng của Pôn Pốt, muôn đời còn ghi nhớ. Đồng thời khẳng định giá trị nhân văn, tính chính nghĩa và nghĩa vụ quốc tế cao cả của Quân tình nguyện Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng và tái thiết đất nước. 

Di Tích Nhà mồ Ba Chúc – Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên 

Nằm dưới chân dãy Thất Sơn hùng vĩ, thị trấn Ba Chúc, trước kia là xã Ba Chúc, cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 7km. Vào đầu năm 1977, dân số của Ba Chúc hơn 16.000 người, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống, buôn bán nhỏ. Đây cũng là vùng đất khởi nguồn và trung tâm của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, với nhiều buổi sinh hoạt lễ hội, lễ cúng phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân địa phương. 

7 thg 9, 2020

Đình Vĩnh Nguơn An Giang – Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia

Châu Đốc là vùng đất “tân cương biên trấn” có 4 dân tộc Kinh- Hoa- Chăm- Khmer cùng sinh sống, tạo nên văn hóa đa dạng đặc sắc. Nơi đây có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, nhiều lễ hội mang đậm yếu tố tâm linh, trong đó không thể không nhắc đến Đình thần Vĩnh Ngươn.

Đình Vĩnh Nguơn tọa lạc trên ở điểm giao nhau giữa sông Hậu và nơi khởi đầu của dòng kênh Vĩnh Tế thành một ngã ba mênh mông sóng nước, thuộc phường Vĩnh Ngươn, Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. 

Đình Vĩnh Nguơn nằm bên bờ sông tuyệt đẹp 

16 thg 8, 2020

Thăm thánh đường xưa ở xứ cù lao

Trên cù lao khuất nẻo giữa sông Tiền, một ngôi thánh đường theo kiểu Tây phương xuất hiện tại vùng sông nước như thế này làm cho nhiều người không khỏi ngạc nhiên và thích thú. Nhà thờ Cù Lao Giêng (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) được Pháp xây dựng vào năm 1877 và được xem là một trong những nhà thờ xưa nhất miền Nam. Nhiều năm qua, nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của bà con họ đạo tại địa phương mà còn là điểm tham quan hấp dẫn du khách gần xa.

12 thg 8, 2020

Nhớ thời “về sông ăn cá…"

Thuở xưa, ở quê tôi cá tôm đầy sông mặc sức thưởng thức hương vị thơm ngon của đồng đất. Giờ đây, thiên nhiên không còn hào sảng nữa, cá, tôm trở nên hiếm hoi, đắt đỏ…
Đặc sản ở chợ
Chiều chiều, chúng tôi rảo ngang chợ Bình Khánh hoặc Mỹ Long (TP. Long Xuyên, An Giang) để tìm mua những con cá ngon về thưởng thức. Nhiều lúc phải tranh thủ dữ lắm mới mua được vài ba con cá sông, cá đồng chế biến. Hôm trước, ghé qua chợ Bình Khánh thấy người phụ nữ bưng thau cá sông đủ loại như: cá xát, cá vồ đém, cá dảnh, cá mè vinh… Vừa đặt thau cá xuống, nhiều phụ nữ “bu” lại. Chỉ trong chớp mắt, thau cá đã được bán sạch. Từ đó cho thấy, nhu cầu ăn cá sông của dân thành thị là rất cao.