Theo các truyền thuyết, thần thoại được các thế hệ người Quảng Ngãi ở miền xuôi lẫn miền ngược truyền lại từ xa xưa, hình tượng rắn được người xưa khắc họa bằng những “gam màu” đối lập. Rắn vừa là hiện thân cho cái ác, với tâm tính dữ dằn, hung hãn; vừa đại diện cho cái thiện với những biểu hiện nhân tính, biết trả ơn, có tình, có nghĩa.
Phát hiện rắn thần nhiều phen khiến quân lính thuộc quyền bị tổn hao, Cao Biền, một tướng lĩnh triều Đường đã dùng tà thuật thả thuốc độc đúng dòng rắn đi và yểm bùa ngay cửa hang rắn ở. Vì uống nhầm thứ nước có lẫn độc dược, rắn thần quằn quại, ọc ra nhiều cục máu bầm đen trải khắp một vùng. Sau này, vạn vật đổi thay, biển cạn thành gò, chỗ máu mà rắn thần nhả ra năm xưa, giờ đọng lại thành đá. Đó cũng là lý do vì sao, vùng núi thoai thoải trước mặt làng Vĩnh Sơn ngày nay có nhiều bãi đá lô nhô, toàn một màu đen nhánh.
Ngay sau khi hoàn thành sứ mệnh, rắn khổng lồ liền trườn mình xuống đất và biến mất. Tại nơi rắn xuất hiện, biến thành một hồ nước trong veo. Hình tượng rắn lúc này, không chỉ được thiêng hóa, mà còn được đồng hóa thành biểu tượng của nguồn nước. Đây cũng là mô - típ của nhiều thần thoại về rắn trong nước và thế giới.
Song hành với tâm thức kính trọng, tôn thờ rắn, những nhận thức tiêu cực về rắn của người dân miền đất Ấn - Trà thuở xưa cũng lưu dấu rõ nét trong các câu chuyện cổ. Trong câu chuyện cổ kể về chàng A Xanh của người Hrê ở xã Sơn Thủy (Sơn Hà), hình tượng rắn hiện ra như một hiện thân của một quái vật ẩn sâu trong rừng thẳm, có uy lực khủng khiếp và rất hung ác, khiến con người và muôn thú khiếp sợ. Đó là loài rắn dữ nhất trong các loài rắn ở rừng. Mình rắn đen bóng, đầu tròn to như 6 cái nong to chắp lại, giữa đỉnh đầu có một viên ngọc sáng như mặt trời chiều tháng Bảy, từ đầu chí đuôi dài trên hai trăm sải. Mỗi lần rắn phun nọc độc, con voi bảy ngà chân bước ba bước là lăn ra chết; con nai con cọp chưa kịp bước nửa bước liền tắt thở... Khi bị tiêu diệt bởi chàng A Xanh hiền lành, dũng cảm, thân xác rắn biến thành ngọn núi cao nhất vùng, máu rắn tuôn trào trở thành dòng suối lũ.
Ăn sâu vào tiềm thức văn hóa dân gian của người Quảng Ngãi, những ý niệm, ý nghĩa biểu trưng cổ xưa về rắn đến nay vẫn không hề mất đi. Nỗi sợ hãi mang tính nguyên thủy về loài rắn, thần thánh hóa loài rắn khiến những giai thoại lưu truyền về rắn không chỉ dừng lại ở các truyền thuyết, giai thoại cổ, mà còn tiếp nối ở thời hiện đại. Một trong những ví dụ rõ nét nhất là, đến những năm 80, 90 của thế kỷ trước, người Quảng Ngãi vẫn truyền tai nhau câu chuyện ly kỳ về cặp rắn khổng lồ, to như cột nhà, có mồng đỏ rực, được người dân xem như rắn thần, thường lui tới ở khu vực gần cổng đình Thọ An, thuộc căn cứ Tuyền Tung - đình Thọ An của nghĩa quân Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân trong phong trào Cần Vương vào cuối thế kỷ XIX (nay thuộc địa phận xã Bình An, huyện Bình Sơn). Người làng Thọ An, mỗi lần thấy cỏ xung quanh cổng thành bị rạp xuống như ai kéo khúc gỗ nặng đi qua, đều cho rằng, đó là dấu vết của cặp rắn thần khổng lồ...
THU MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét