1 thg 9, 2023

Thuận Phước - Làng xưa, dấu cũ


Tên làng hơn 200 năm

Tôi về Thuận Phước dăm ba lần. Lần đầu chỉ lên những chiếc thuyền nhỏ loanh quanh trong đầm nước mặn bàu Cá Cái rợp bóng cây cóc trắng đang mùa lá đỏ, nôn nao nhìn những cánh cò trong nắng, trông những đàn tôm, cá lượn lờ trong làn nước xanh biếc. Nhưng rồi, vài lần sau, những tên đất giản dị, mộc mạc, mà những người chèo thuyền nhắc tới, như Đồng Dài, Đồng Quýt, Cây Thị, Ngòi Thuốc, Bên Sông - là 5 xóm của Thuận Phước bây giờ, rồi cả tên Động Ló, núi Chóp Chài, núi Mình Thịnh, Hòn Cóc... đã thôi thúc tôi tìm về nguồn cội của làng Thuận Phước.


Để hiểu về ngôi làng này, tôi phải lật lại những trang sách cũ. Địa bạ bằng chữ Hán, được lập vào năm Gia Long thứ 12 (1813) cho biết, thôn Thuận Phước với diện tích đo được 104,69 mẫu ta, cùng 2 sở đầm, là một trong 15 xã, thôn, ấp của thuộc Hà Bạc, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa; phía đông và bắc giáp thôn Hoa Diêm, tây và nam giáp thôn Tùng Luật và xã Đông Lỗ. Vào thời Đồng Khánh (1885 - 1889), theo sách Đồng Khánh địa dư chí, thôn Thuận Phước là một trong 25 xã, thôn, ấp, phường, thuộc tổng Bình Hà.


Rõ ràng là, trải qua các thời kỳ lịch sử, nhiều địa danh làng xã trong tỉnh đã thay đổi, hoặc biến mất, nhưng với tên một thôn nhỏ ven biển - thôn Thuận Phước, với diện tích hơn 420ha, giờ cũng chỉ có hơn 1.000 người, nằm bên cạnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, ít nhất hơn 200 năm qua, như không hề thay đổi.

Chuyện xưa,dấu cũ


Dẫu là một thôn nhỏ, nhưng Thuận Phước có núi đồi, thung lũng, sông, đầm, biển và bãi biển. Nhờ cảnh quan đó mà Thuận Phước mang vẻ đẹp đa dạng, huyền ảo. Hơn 400 hộ dân ở thôn này, dẫu nhiều người còn lam lũ, nhưng dường như họ vẫn luôn ý thức gìn giữ vẻ đẹp hoang sơ của làng mình. Con sông trong xanh, ngoằn ngoèo từ bàu Cá Cái ở phía nam, thuộc xóm Đồng Dài chảy ngược ra sông Đầm phía bắc, rồi đổ ra vịnh Vũng Quýt (Dung Quất) như xẻ đôi làng Thuận Phước, làm ngôi làng thêm dáng vẻ lung linh. Phía ngoài động cát Ló là bãi Nhất chập chùng núi đá, tít tắp bãi cát vàng, màu nước biển xanh biếc. Đó là nơi người dân ở Thuận Phước cố giữ gìn nguyên vẹn sự trong lành cho con cháu họ.


Ở giữa làng, ngôi miếu thờ tiền hiền, nằm trên đồi, lưng tựa vào núi đá, mặt hướng về đồng ruộng của xóm Bến Sông - làm minh đường, xa xa là động cát Ló - làm tiền án. Ngày 2 tháng 3 âm lịch hằng năm, miếu Tiền hiền là nơi các dòng họ tiền hiền, lẫn hậu hiền thôn Thuận Phước làm lễ tri ân các bậc tiền nhân, trong có cả những người mang họ Ao, họ Phùng, nguyên gốc là người Hoa từng theo thuyền buồm vượt nghìn hải lý vào Thuận Phước trú ngụ cách đây vài trăm năm trước.


Giáp với thôn Tuyết Diêm ở phía bắc là xóm Cây Thị. Gọi là xóm Cây Thị vì nơi đây có 2 cây thị cổ thụ, một cây đã không còn, một cây vươn cao cả chục mét, trái chín vàng. Cách không xa cây thị có cây gáo tán xòe chừng sào đất, mùa này trái trĩu cành. Người dân ở Thuận Phước bảo rằng, năm nào cây thị, cây gáo ra nhiều quả, là năm đó cả làng làm ăn dư giả, con cháu thành đạt. Gần cây gáo là dấu tích đình làng Thuận Phước, nay đã thành chùa Phước Lâm - thờ Phật. Bà Phạm Thị Hương (78 tuổi), ở xóm Cây Thị, còn thuộc bài vè dân gian dài hàng chục câu kể về từng tính nết, hành trạng của từng người có chức sắc, hoặc có vai vế của làng, luôn chăm lo cho đình làng Thuận Phước từ thời Bảo Đại, như các ông Cả Đôn, Hào Bảy, Hương Chín, Cả Sơ, bà Ba Tri...

Một vài người lớn tuổi còn nói thêm rằng, đình làng Thuận Phước cũng là nơi chào đón linh đình Phó bảng Phạm Văn Hành “vinh quy bái tổ”, kính cáo lời tri ân đến các bậc tiên hiền. Lục tìm danh sách các nhà khoa bảng Nho học Quảng Ngãi thì được biết, từ lúc Triều Nguyễn cho mở khoa thi Nho học đầu tiên vào năm 1819, thời Gia Long, đến khoa thi cuối cùng vào năm 1918, thời Khải Định, ông Phạm Văn Hành, người làng Thuận Phước, là một trong 6 người Quảng Ngãi đỗ Phó bảng. Ông Phạm Văn Hành đỗ Phó bảng khoa thi Đinh Sửu (1877), lúc 30 tuổi, sau khi đỗ thủ khoa kỳ thi Hương tại Trường thi Bình Định vào năm trước - Bính Tý (1876). Mặc dù đỗ cao, nhưng ông không kịp ra làm quan, vì chẳng may mất sớm.


Ở xóm Bên Sông còn có Hòn Cóc. Gọi là Hòn Cóc vì tảng đá khổng lồ này có hình dáng cóc mẹ cõng cóc con, chơ vơ giữa đồng. Ông Ao Mùi (75 tuổi) kể rằng, trước đây có một cặp vợ chồng đã lấy tre đan phên, trét đất ở trong lòng Hòn Cóc, rồi làm nghề đan võng bằng lá thơm tàu, bởi nghề làm võng bằng thơm tàu xưa kia ở Thuận Phước rất thịnh. Nhiều người dân Thuận Phước cho biết thêm, vào những năm 60 của thế kỷ trước, vợ chồng người làm võng thơm tàu đã nhường cho bộ đội và du kích địa phương ngôi nhà của mình dưới lòng Hòn Cóc để làm trạm xá dã chiến.

Cách Hòn Cóc chừng vài trăm mét có núi đá Mình Thịnh. Theo người dân địa phương, vào năm 1967, ông Nguyễn Văn Cảnh đứng ở núi Mình Thịnh bắn rơi chiếc máy bay của Mỹ. Không xa Hòn Cóc, tại xóm Đồng Quýt còn có hầm địa đạo dài khoảng 300m, nhiều ngõ ngách. Cũng như 2 địa đạo ở thôn Tuyết Diêm, địa đạo Đồng Quýt có từ thời chống Pháp.


Ở Thuận Phước còn nhiều chuyện xưa, dấu cũ mà chưa kể hết. Bởi vậy, đến Thuận Phước không chỉ để hòa mình trong sự tĩnh lặng, dân dã ở bàu Cá Cái, mà du khách nên dành thời gian đến những nơi mà tôi đã kể ở trên, và thêm một nơi nữa, ở xóm Cây Thị, đó là nhà trưng bày cổ vật của anh Lê Quang Siêng - nơi còn lưu giữ hàng nghìn hiện vật của người Thuận Phước xưa, của những làng xã phải di dời vì sự phát triển của KKT Dung Quất.

Nội dung: TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ - Thiết kế, trình bày: PHƯƠNG DUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét