16 thg 9, 2023

Ba anh em họ Nguyễn giúp vua đánh tan giặc phương Bắc

Ba mặt tiếp giáp cánh đồng lúa, cách biệt với khu dân cư, đình Kim Khê ở xã Phú Điền (Nam Sách) đẹp yên bình và còn được biết đến là nơi thờ ba anh em trong cùng gia đình họ Nguyễn.

Đình Kim Khê ngày nay

Ngọc phả truyền lại

Theo nội dung tấm bia Thần tích bi ký khắc dựng vào năm Tự Đức 16 (1863) hiện lưu giữ tại di tích: Vào triều vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), tại trang Văn Lâm, huyện An Định có một người họ Nguyễn, tên húy là Bột, gia thế vốn dòng khoa cử, mang khí chất nhà Nho. Trải qua ba bốn đời đều là quan chức, lễ nhạc, thi thư. Đến đời Bột công chẳng may gia tài khánh kiệt, trở nên nghèo khó, vì vậy việc lập gia thất chưa thành. Bột công trong lòng muộn phiền, bèn đi tìm vùng đất mới sinh sống để xây dựng cơ đồ, sự nghiệp.

Một ngày, Bột công đến khu Thượng, trang Xác Khê, huyện Bàng Châu (nay là thôn Phong Kim, xã Phú Điền, huyện Nam Sách) thì gặp phú ông Nguyễn Công Vinh đang đứng trên bờ ruộng. Khi nghe Vinh công nói nơi đây đất đai màu mỡ, dân chúng thuần hậu, chuộng nho học, Bột công ngỏ ý xin ở nhờ nhà Vinh công mở trường dạy học, kiếm kế sinh nhai. Được một năm, học trò theo học ngày một đông, văn chương tấn tới. Gia đình Vinh công có người con gái tên Nguyễn Thị Loan, tuổi ngoài 30 nết na, xinh đẹp, đức hạnh vẹn toàn, Bột công muốn lấy nàng làm vợ và được Vinh công đồng ý. Hai vợ chồng tâm đầu ý hợp, hạnh phúc tròn đầy nhưng 5, 6 năm sau vẫn chưa sinh được mụn con nối dõi. Loan nương rất buồn, chọn ngày tu hành tại chùa của bản khu, sắm sửa hoa lễ, lập đàn cầu tự. Một thời gian sau, Loan nương có mang. Ngày tròn tháng đủ, Loan nương sinh được ba người con trai, diện mạo khôi ngô tuấn tú, khác hẳn người thường, trên trán đều có chữ “Phùng”. Hai vợ chồng rất mực cưng chiều, năm các con lên 7 tuổi đặt tên cho người con thứ nhất là Trung; người con thứ hai là Quang; người con thứ ba là Thắng và năm 12 tuổi cho đi học. Cũng trong năm này, Bột công trở về thăm quê hương bản quán (trang Văn Lâm, huyện Yên Định) không may bị bệnh đột ngột qua đời (tức ngày 13 tháng 7). Ba năm sau, Loan nương cũng không bệnh mà mất. Từ đó, ba anh em chăm chỉ hương hoả phụng thờ cha mẹ.

Khi 18 tuổi, ba anh em học đã thành tài, mưu trí dũng lược, sức khoẻ trăm người không địch nổi. Năm đó, có giặc phương Bắc đến xâm chiếm nước ta. Thư từ biên cương cấp báo về, nhà vua vô cùng lo lắng lệnh cho 30 vạn quân tiến đánh quân giặc nhưng không phân thắng bại, bèn tìm kế lui binh. Nhà vua truyền hịch đi khắp nơi tìm người hiền tài ra giúp nước. Ba anh em cùng đến bái yết và xin vua được cầm quân đánh giặc. Nhà vua đồng ý, giao cho thống lĩnh 30 vạn tinh binh. Ba anh em tiến quân đến thành Ái Châu - nơi quân giặc chiếm đóng, quyết chiến một trận. Đồn giặc bị phá tan tành, quân tướng bị giết nhiều không kể xiết. Quân giặc đã được dẹp yên, vua Lê vô cùng mừng rỡ, mở yến tiệc khao thưởng quân sĩ, ban thưởng cho ba anh em 300 cân tiền và phong: Vị thứ nhất (người anh cả) là Quyền Quản Nguyên Soái Đại Tướng quân; Vị thứ hai là Quyền Sung Tả Bật Đại Tướng quân; Vị thứ ba là Quyền Thống Hữu Bật Đại Tướng quân. Bái yết xong, ba anh em xin trở về thăm gia đường (khu Thượng, trang Xác Khê). Vua bằng lòng. Ba anh em trở về bản quán, mời phụ lão nhân dân ăn uống và cho thêm 100 cân tiền bày tỏ tình nghĩa với quê hương. Một tháng sau, nhà vua triệu ba anh em hồi triều nhậm chức, trên đường đi đến xứ Đồng Chằm tự nhiên trời đất tối sầm, mưa gió sấm sét ầm ầm, ba anh em tự nhiên hoá (ngày 25 tháng 11). Trong chốc lát trời lại quang, mây tạnh, gió ngừng. Nhân dân, quân sĩ lấy làm sợ hãi bèn hành biểu tâu lên triều đình. Nhà vua vô cùng thương xót bậc công thần có công với nước, liền truyền lệnh sai đình thần đến hành lễ. Lại ban cho nhân dân 500 quan tiền, miễn binh lương các dịch 10 năm và cho phép khu Thượng, trang Xác Khê lấy đó làm tiền của hương đăng phụng thờ mãi mãi. Đồng thời, truyền cho dân lập miếu thờ, khen phong mỹ tự: Thượng đẳng phúc thần (Vị thần bậc thượng đẳng ban phúc cho dân).

Dân làng phụng thờ

Ngai và bài vị ba vị Thành hoàng tại hậu cung đình

Cụ Nguyễn Huy Văn, 83 tuổi, Ban khánh tiết đình Kim Khê cho biết, ban đầu đình Kim Khê có quy mô nhỏ được dân làng lập nên để thờ tự ba ngài, về giai đoạn sau di tích được trùng tu khang trang, trở nên tôn nghiêm, có văn bia ghi chép lại. Triều Nguyễn niên hiệu Tự Đức 13 (1860), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909) và Khải Định 9 (1924) ba Ngài đều được ban tặng sắc phong. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), đình là nơi diễn ra các lớp bình dân học vụ; địa điểm tuyên truyền hoạt động cách mạng, học tập chủ trương, nghị quyết của Đảng cho cán bộ và nhân dân xã Phú Điền; nhà giải vũ của di tích là vọng gác quan sát, phát tín hiệu và hiệu lệnh chiến đấu cho bộ đội, du kích và nhân dân khi địch càn vào làng; sân đình là nơi luyện tập của dân quân, du kích địa phương trước khi tiến đánh bốt Tre Điền (nay thuộc xã Cộng Hoà, huyện Nam Sách).

Năm 1958, di tích bị hạ giải hoàn toàn lấy nguyên vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi. Đến năm 2020, được sự đóng góp của nhân dân trong thôn, con em xa quê, lòng hảo tâm công đức của các tổ chức, cá nhân và sự ủng hộ của chính quyền địa phương, đình Kim Khê được xây dựng lại kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian đại bái và 2 gian hậu cung, chất liệu bằng bê tông cốt thép theo kiểu đao tàu déo góc, móng và tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi. Kết cấu các vì kèo chính kiểu con chồng giá chiêng, hoạ tiết hoa văn đắp vẽ theo đề tài lá lật, lá hoá long...

Lễ hội độc đáo

Bia ghi sự tích ba vị thành hoàng

Việc thờ tự ba vị thành hoàng tại Kim Khê diễn ra trọng thể nhằm tôn vinh người có công với nước, với dân. Theo ghi chép trong văn bia, quy định: Cấm mặc sắc phục màu vàng và màu trắng vì đó là hai màu của ba vị được ban. Chữ huý Trung, Quang, Thắng nhất thiết cấm. Ngày 7 tháng Giêng là ngày sinh của thần: lễ dùng lợn, xôi, rượu để hành lễ, ca hát 3 ngày. Ngày khánh hạ (chúc mừng) là ngày 14 tháng 8: lễ dùng thịt trâu, rượu, ca hát 7 ngày. Ngày 25 tháng 11 là ngày thần hóa: lễ dùng thịt lợn, xôi, rượu cùng một bàn chay, tiền vàng, hoa quả hành lễ ba ngày. Sau một ngày, lễ dùng 2 con gà, 3 bàn xôi, 1 hũ rượu.

Theo các cụ cao niên, lễ hội đình Kim Khê xưa mở chính vào 3 ngày từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 2 (âm lịch), trọng hội là ngày 15.

Để chuẩn bị cho ngày hội chu toàn, trang trọng, ngay sau tết Nguyên đán, làng đã tổ chức họp. Những người được dự họp gồm Chánh, phó tổng, Lý trưởng, Tiên chỉ, ban Tư văn (hội những người có học của làng), các vị chức sắc và đại diện của gia đình được giao cấy ruộng công điền của đình (gọi là người tế đám). Mục đích của cuộc họp này là quyết định việc tổ chức lễ hội như thế nào ? (3 ngày hay 5 ngày), cắt đặt đội hình tế lễ và xem xét việc chuẩn bị lễ vật. Làng có 5 sào ruộng công điền dành riêng cho việc cày cấy lấy hoa lợi để sắm sửa lễ vật. Theo quy định của làng, người tế đám nào đến lượt cấy ruộng công điền này phải hoàn thành nhiệm vụ của mình, nếu không sẽ bị làng bắt vạ (làng sẽ báo trước một năm để chuẩn bị). Người tế đám sẽ nuôi lợn thờ. Ngoài lợn thờ, người tế đám còn phải chu biện thêm một mâm xôi trắng, đến ngày 14 rước ra đình để làng dâng lễ cúng thành hoàng.

Ngày 15, là ngày hội vui nhất của dân làng với nghi thức rước kiệu. Từ xa xưa ba làng (Kim Khê, Lý Văn và Phú Xuyên) có tục kết chạ và rước giao hiếu với nhau, đến kỳ lễ hội của làng nào, thì làng ấy tổ chức rước ra đống Nghinh Thần đón đoàn rước của hai làng kia rồi cùng trở về đình hợp tế. Về thành phần tham gia rước, cả ba làng đều giống nhau. Đi đầu là đoàn múa lân, biểu trưng cho quyền uy của thành hoàng, tiếp theo là cờ thần và đại cổ (còn gọi là trống cái) do hai người khiêng. Trống sơn son thếp vàng do ông thủ hiệu giữ nhịp với những tiếng trống chắc, khỏe, dứt khoát. Sau trống là chiêng, chiêng trống đánh theo nhau trong đám rước, mỗi tiếng trống lại điểm một tiếng chiêng, đây được coi là hiệu lệnh của thần linh nên những người đánh trống, đánh chiêng được gọi với sự tôn kính là Ông trống, Ông chiêng. Theo sau trống, chiêng là phường bát âm với đàn, sáo, nhị, thanh la... gồm tám nhạc cụ phát ra tám âm thanh cấu tạo bởi tám vật liệu khác nhau theo âm nhạc cổ, họa lên âm hưởng “bát âm nhã nhạc” đầy chất dân gian truyền thống. Kế tiếp là các chấp kích viên, vác đồ bát bửu tháp tùng hai bên, rồi đến kiệu bát cống hoành tráng, đầy oai phong rước ngai (tượng trưng cho các vị Thành hoàng), che phía trên ngai là một tán lớn. Khiêng kiệu là tám thanh niên trai tráng được chọn lựa kỹ càng, mặc áo nâu đỏ, thắt lưng bó que, chân quấn xà cạp, đi bên cạnh có 8 người nữa làm phù giá và thay thế khiêng kiệu khi cần. Sau kiệu bát cống là các vị chức sắc, quan viên, đoàn tế nam và dân chúng. Khi rước đến cổng đình Kim Khê, đoàn rước của làng Lý Văn và Phú Xuyên vào trước, thể hiện sự thịnh tình trọng khách của làng Kim Khê.

Ngoài các nghi lễ tâm linh tổ chức trang nghiêm, tôn kính thì hoạt động hội, các trò chơi dân gian đập niêu, bắt vịt, kéo co, tam cúc điếm, chọi gà... cũng được diễn ra, thu hút đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng.

NHẬT HỮU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét