30 thg 10, 2021

Núi ở An Giang - Năm non bảy núi

Xưa kia, khi nghe câu Năm non bảy núi tui cứ nghĩ đó là một câu thành ngữ, tựa như Ba chìm bảy nổi hay Trăm suối ngàn đèo, nghĩa là những con số 5, 7 chẳng phải số lượng gì cụ thể mà chỉ nhằm diễn tả nhiều núi non thôi. Sau này, cùng với Bảy núi đúng là 7 núi, tui mới biết Năm non quả thiệt là 5 non.

Bảy núi chính là Thất Sơn ở An Giang, trong đó núi Cấm là đầu lĩnh. Còn năm non là năm cái chỏm cao của núi Cấm mà dân địa phương gọi là vồ.

Núi Cấm nhìn từ cáp treo. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Ở đây ngừng một chút để nói về từ vồ. Thú thiệt là lần đầu nghe chữ vồ, lại đọc theo giọng Nam bộ là dồ, tui... hổng hiểu gì hết. Thì ra nó tương tự chữ vồ trong trán vồ có nghĩa là chỗ nhô ra, lồi ra hơn mức bình thường (Từ điển Tiếng Việt Nam bộ của Bùi Thanh Kiên) hay có phần trán nhô ra phía trước nhiều (Từ điển Từ ngữ Nam bộ của Huỳnh Công Tín). Trong ngữ cảnh năm non, vồ có nghĩa là chỏm núi nhô lên cao.

Tương tự như bảy núi, hiện không có sự thống nhất năm non là năm non nào. Ở đây, tui xin liệt kê 5 non (5 vồ) theo danh sách của Dật Sĩ và Nguyễn văn Hầu kể ra trong Thất Sơn mầu nhiệm, là danh sách được nhiều người biết nhứt.

Sơ đồ chỉ dẫn tham quan Trung tâm hành hương núi Cấm

1. Vồ Bồ hong: Đây là vồ cao nhất và tất nhiên cũng là đỉnh cao nhất của núi Cấm. Khi xưa, ít người lai vãng, giống bồ hong sinh nở nhiều vô số ở tại vồ này nên có tên như vậy, cao 716 thước, ở về hướng Tây.

2. Vồ Đầu: Theo lời truyền, có tên vồ Đầu là do người đầu tiên lên tới đây đặt. Đây cũng là cái vồ đầu tiên mà người ta gặp được khi lên núi theo ngã chợ Thum Chưn, cao 584 thước, ở về hướng Tây Bắc.

3. Vồ Bà hay Phnom Barech: Ở đây có một cái điện thờ bà Chúa Xứ, cao 579 thước, ở về hướng Nam.

4. Vồ Ông Bướm: Khi xưa Ông Bướm Ông Vôi có về ẩn náu nơi đây (không rõ Ông Bướm Ông Voi là ai), cao 480 thước, ở về hướng Bắc.

5. Vồ Thiên Tuế hay Phnom Prapéal: gọi vậy vì ở đây có nhiều cây thiên tuế, cao 514 thước, ở về hướng Đông.

Bạn có thể đi cho biết 5 non, nhưng muốn vậy phải đi bộ theo đường núi. Tất nhiên là... mệt, và thêm nữa là bạn phải vừa đi vừa hỏi đường (nếu đoạn bạn đang đi... có người, còn nếu không thì cứ đi đại, lỡ lạc đường thì quay lại). Người dân địa phương có thể chỉ bạn đến một cái vồ nào đó khác với 5 cái vồ nêu trên, thì... kệ, cứ đi, ăn chơi ngại gì mưa rơi. Bạn sẽ có dịp khám phá cái non thứ 6, thứ 7...

Nếu bạn chỉ đi cáp treo (giống tui) thì bạn vẫn có dịp đến vài non trong năm non. Ga đến của cáp treo trên núi Cấm được xây dựng trên một chỏm núi, đó chính là vồ Ông Bướm. Vậy là khi vừa tới nơi, bạn đã được ghé thăm một trong năm non rồi đó!

Ga cáp treo Vồ Ông Bướm

Từ ga cáp treo, đi về hướng Tây 500 m, bạn tới chùa Vạn Linh (xem sơ đồ). Chùa này nằm dưới chân vồ Bồ Hong và thuộc địa phận ấp Vồ Đầu. Vậy coi như bạn có dịp đến với 2 non nữa, tổng cộng là 3 non trong năm non. Cũng được chớ?


Chùa Vạn Linh nằm dưới chân vồ Bồ Hong và thuộc địa phận ấp Vồ Đầu. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét