27 thg 11, 2021

Ngôi chùa có chánh điện cao vời vợi

Tui không thích kiểu nói "Ngôi chùa lập kỷ lục xyz", vì tui nghĩ đã là chùa thì không có tham sân si, không quan tâm hơn người, đạt kỷ lục này nọ. Rào trước đón sau như vậy để nói rằng khi đến viếng chùa Vạn Đức (Thủ Đức) tui không quan tâm đến chuyện nó xác lập kỷ lục gì mà chỉ nói đến những ấn tượng ngôi chùa tạo ra thôi.

Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận chùa Vạn Đức là ngôi chùa có chánh điện cao nhất Việt Nam, với chiều cao là 43,5 met. Đây là chiều cao được xác định từ nóc chánh điện xuống. Xuống đâu thì tài liệu không nói rõ, nhưng theo tui - sau khi đã tới viếng chùa - thì là xuống tới nền tầng trệt. Thôi, giờ lướt qua những thông tin mào đầu đó, hãy cùng tui đi thăm chùa nhé.

Chùa Vạn Đức tọa lạc tại số 502 đường Tô Ngọc Vân, TP Thủ Đức, nhìn từ xa đã thấy ngôi chùa cao nổi bật.


Nhìn bên ngoài ta cứ nghĩ là ngôi chùa có nhiều tầng lắm, thế nhưng bước vào thì thấy chỉ có 2 tầng thôi. Tầng trệt là giảng đường, dùng làm nơi thuyết pháp cho Phật tử; tầng trên mới đúng là chánh điện. Như ta đã biết ở trên, ngôi chánh điện này cao đến 43,5 met, và như vậy sau khi trừ đi tầng trệt, gian chánh điện cũng sẽ có khoảng không từ sàn đến trần vô cùng lớn.

Đây là tầng dưới.


Còn đây là gian chánh điện, nơi tạo cho ta ấn tượng vì cao vời vợi




Không rõ chiều cao của chánh điện là bao nhiêu, nhưng theo ghi trong kỷ yếu xây dựng chùa Vạn Đức thì cao hơn 20 met. Cũng theo kỷ yếu thì sở dĩ Hòa thượng Trí Tịnh cho xây phần chánh điện cao trên 20 met là vì muốn có đủ diện tích để cây bồ đề (sau lưng đức Phật) có đọt. Đa số các chùa trang trí cây bồ đề sau lưng đức Phật đều không có đọt. Cây bồ đề ở chùa Vạn Đức không những có đọt mà có cả một bầu trời trăng sao lồng lộng, như ta thấy trong hình, tạo nên một cảm giác thoáng đãng, cao vời vợi. Dưới cội bồ đề là dòng sông Ni Liên Thiền.

Còn một chi tiết cần nói đến nữa là lá của cây bồ đề. Lá đã được làm khuôn cho Phật tử công quả in ra gần 10.000 lá vừa lớn vừa nhỏ. Sau khi đắp thân cây và nhánh, lá sẽ được gắn vào nơi phù hợp.



Hai bên vách là chư vị hộ pháp thể hiện sự bàng bạc khắp nơi trong cõi không trung, lần lượt mỗi bên là 2, 4, 8 vị. Trên cùng là Bồ tát Quan Âm.


Nội điện có nhiều ô cửa sổ, bên ngoài có lan can, bên trong trên mỗi lớp lan can có thờ tranh - tượng các vị Phật.

Bước ra ngoài nội điện là lầu chuông và trống, có phù điêu rồng rất ấn tượng.




Giờ ta bước xuống và trở ra để đi vào từ cổng nhé. Bước qua cổng, trước mắt ta là bức tượng Phật bằng đá cao khoảng 15 met, tôn tạo năm 2017.



Bên trong của tường bao ngoài cổng là các phù điêu về sự tích đức Phật.



Bên phải chánh điện là đài Quan Âm.



Cũng ở phía này, ta đi dọc theo lối đi có dãy tre vàng cùng những tiểu cảnh, bia đá khắc lời dạy của cố Hoà thượng trụ trì Thích Trí Tịnh.





Lối đi này dẫn đến phía sau chùa, nơi có khu mộ.


Cũng cần nói thêm, chùa có thư viện rất phong phú sách vở, tư liệu. Bạn có thể ngồi đọc tại chỗ hoặc mượn về. Một số sách bạn có thể thỉnh hẳn về nhà.


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét