28 thg 4, 2021

Nghề luyện quặng sắt xưa ở Lò Thổi

Quảng Ngãi từng có hai ngôi làng cùng mang tên Lò Thổi. Một ngôi làng nằm ở xã Bình Khương (Bình Sơn) và một làng ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức). Hai ngôi làng này cách nhau hơn 50km, nhưng cùng gắn với nghề luyện quặng sắt thuở xưa. Cái tên Lò Thổi cũng từ đấy mà có.

Theo ghi chép tại Địa chí Quảng Ngãi, nghề rèn có mặt trên đất Quảng Ngãi từ rất sớm, nó gắn bó với cư dân Sa Huỳnh từ thời đại đồ sắt trước Công nguyên, cách đây trên 2000 năm. Đi liền với rèn là nghề nấu quặng sắt - nghề sản xuất ra nguyên liệu cho nghề rèn. Dấu vết để lại của sự sôi động trong nghề luyện quặng là dấu tích của các bãi phế sắt tại hai “thủ phủ” nghề luyện quặng sắt của Quảng Ngãi xưa kia là Mộ Đức và Bình Sơn. Mặt khác, "lò thổi"- loại dụng cụ đặc trưng của nghề luyện quặng sắt - dần dà đi sâu vào tiềm thức và trở thành cái tên được người xưa dùng định danh cho những ngôi làng chuyên làm nghề luyện quặng.

Từ khi xóm Lò Thổi thôi đỏ lửa, núi Đồi dần trở nên thưa vắng bước chân người vì không còn ai gồng gánh đến đây khai thác quặng. Ảnh: Ý THU

Tại thôn Trà Lăm, xã Bình Khương, khi những cư dân đầu tiên của thôn là người họ Phạm gốc ở Quảng Nam đi tìm quặng và ở lại lập nghiệp bằng nghề luyện quặng, cái tên Lò Thổi từ đấy trở thành tên của một xóm nhỏ tại đây (theo ghi chép tại sách Lịch sử Đảng bộ của xã Bình Khương - PV). Không chỉ phát triển nghề luyện quặng, xóm Lò Thổi còn phát triển nghề rèn sắt và chế tạo ra nhiều loại dụng cụ, vũ khí. Nói về vấn đề này, ông Phạm Thái Mai, một lão thành cách mạng quê ở thôn Trà Lăm, xã Bình Khương cũng khẳng định tại bản viết tay “Trà Lăm một thời để nhớ” rằng, vào năm 2009, có người dân Trà Lăm trong lúc ủi đất đã phát hiện một chiếc kìm, một thanh kiếm đang đúc dở và rất nhiều khuôn đúc... tại xóm Lò Thổi.

Còn tại làng Thiết Trường, nay là một phần của thị trấn Mộ Đức cũng có một xóm mang tên Lò Thổi, xuất phát từ việc cư dân nơi này từng làm lò thổi để luyện quặng và bán sắt. Tên xóm Lò Thổi tại Mộ Đức cũng từng là địa danh quen thuộc đi vào ca dao xưa: “Đồng Cát buôn bán sum vầy/ Ngó vô Lò Thổi thấy cây xùm xòa”. Nói đến nghề luyện quặng nơi đây, Quốc sử quán triều Nguyễn cũng từng nêu trong Đại Nam nhất thống chí (tập 2) rằng làng Thiết Trường có chợ Thiết Trường, “nơi người dân địa phương làm nghề bán sắt”.

“Theo lời cha tôi kể lại, ngày xưa, xóm Lò Thổi có khá đông người dân làm nghề luyện quặng sắt. Để làm nghề này, mỗi nhà đều có các lò thổi được đắp bằng bùn, có lỗ thông gió cho khói thoát ra ngoài. Cái tên xóm Lò Thổi là từ đấy mà ra”, cụ ông Năm Hậu, ở xã Đức Tân (Mộ Đức) cho hay.

Cũng theo cụ Năm Hậu, cách thức mà những người thợ xóm Lò Thổi (Mộ Đức) ngày ấy nấu quặng cũng tương tự như cách những người thợ làm nghề đúc đồng bây giờ. Quặng thô sau khi được người dân lặn lội đi khai thác từ núi Văn Bân, núi Võng, núi Đồi và núi Khoáng (Mộ Đức) mang về sẽ được cho vào lò rồi đốt cháy cho đến khi kết lại thành những cục sắt ở đáy lò. Sau khi luyện xong, những cục sắt này lại phải tiếp tục trải qua các khâu nung, đập nhiều lần thì mới đủ điều kiện trở thành nguyên liệu cơ bản dùng để rèn nông cụ, vũ khí...

Xóm Lò Thổi giờ đã trở thành tổ dân phố 2, thị trấn Mộ Đức nên đã không còn "cây cối xùm xòa" và cũng chẳng còn lò thổi ngày xưa. Ảnh: Ý THU

Trong chiến tranh, Lò Thổi còn là nơi gắn với hoạt động rèn vũ khí phục vụ cách mạng. Theo nhà nghiên cứu Cao Văn Chư, để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại Quảng Ngãi, trong thời gian lập chiến khu Tuyền Tung (nay thuộc xã Bình An, huyện Bình Sơn), Nguyễn Tự Tân đã chỉ huy nghĩa quân, tổ chức khai thác quặng sắt tại Lò Thổi (Bình Khương) để rèn đúc khí giới. Địa danh Lò Thổi vì vậy mà được xếp vào di tích lịch sử liên quan đến phong trào Cần Vương tại Quảng Ngãi.

Từng một thời đỏ lửa và oanh liệt, vậy mà xóm Lò Thổi ở Bình Sơn và Mộ Đức bây giờ chẳng còn ai còn gắn bó với nghề luyện quặng hay rèn sắt như ngày xưa. Ngay cả cái tên Lò Thổi một thời cũng chỉ còn lưu lại như một tên gọi dân gian trong ký ức người làng. Bởi tên gọi hành chính hiện tại, đều không còn giữ lại cái tên thân thương, gắn bó với bao nhọc nhằn lẫn tự hào của lớp người đi trước. Nghề luyện quặng không còn! Trữ lượng quặng sắt dồi dào tại hai huyện Mộ Đức, Bình Sơn (lên đến 27,8 triệu tấn - theo Địa chí Quảng Ngãi) cũng dần rơi vào lãng quên. Không biết đến bao giờ, mới lại có những "lò thổi" hiện đại hơn, khẽ "đánh thức" tiềm năng khoáng sản quý giá này?

Ý THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét