21 thg 4, 2021

Bí ẩn địa đạo "độc nhất vô nhị" ở Hà Nội

Hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp, với chiều dài gần 11 km, có thể nói địa đạo Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội) là địa đạo "có một không hai" ở miền Bắc.

Trước kia, địa đạo dài khoảng hơn 11km nằm ở Nam Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội). Tuy nhiên đến giờ chỉ còn giữ được khoảng 200 mét, chạy qua lòng đất của các gia đình. Trong số hàng chục cửa hầm lên xuống địa đạo, hiện chỉ còn hai cửa hầm, trong đó, một cửa nằm dưới gầm giường nhà cụ Phạm Thị Lai, một cửa hầm nằm ở góc nhà cụ Phạm Văn Dộc.

Địa đạo Nam Hồng được xây dựng từ những năm kháng chiến chống Pháp và được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996. Ngôi nhà của cụ Phạm Thị Lai, nơi còn một cửa hầm xuống địa đạo Nam Hồng ở phía dưới giường ngủ của gia đình.

Lối xuống địa đạo qua cửa hầm dưới gầm giường nhà cụ Lai khá nhỏ, chỉ đủ cho một người lớn đi xuống. Có một chiếc thang sắt gắn vào vách hầm để mọi người lên xuống. Vừa dẫn đường, anh Phạm Quang Hài (con trai bà Lai) cho biết, theo lời mẹ kể, từ đầu năm 1947, đội du kích xã Nam Hồng sau khi được thành lập đã cùng thanh niên, nam nữ khỏe mạnh trong làng bắt đầu đào hệ thống giao thông hào sát vào lũy tre.

Giao thông hào có chiều sâu hơn 1m và rộng từ 1,2m đến 1,4m. Đất đào giao thông hào được đắp lên chân các bụi tre, tạo ra những ụ thành kiên cố, vừa làm thành lũy, vừa nuôi dưỡng tre phát triển tốt, vừa ngăn chặn xe tăng, đại bác và bộ binh của địch.

Địa đạo Nam Hồng được chia thành nhiều ngách.

Tại nhà cụ Phạm Văn Dộc, trong căn bếp cũ ở góc vườn hiện còn lại một cửa hầm dẫn xuống địa đạo. Cụ Dộc cho hay, trước đây ngôi nhà của gia đình vốn rộng hơn, nhưng do một lần lính Pháp càn quét rồi đốt nhà khiến nay chỉ còn một lối nhỏ xuống.

Địa đạo này rất ít người đến nên rất ẩm thấp. 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân Nam Hồng đã đánh 308 trận, diệt 354 tên địch, làm bị thương 153 tên, 135 tên phải quy hàng; thu 72 súng trường, 3 súng tiểu liên, 780 lựu đạn, phá 3 xe lội nước, 1 trung liên. 

Khung cảnh đầu tiên hiện ra khi xuống bên dưới địa đạo là một đoạn tường được xây bằng gạch, trần uốn cong kiểu mái vòm.

Để biến làng xã thành chiến địa bất khả xâm phạm, quân dân Nam Hồng đã mở rộng hệ thống hầm bí mật bằng cách nối thông các hầm với nhau, tạo thành hệ thống giao thông bí mật, liên hoàn trong lòng đất. 

Hiện nay hệ thống địa đạo chỉ còn khoảng 80 m, chính là đoạn địa đạo thông từ nhà ông Dộc sang nhà bà Lai. Đoạn địa đạo này đã được bê tông hóa để bảo tồn, các đoạn khác đều đã bị bồi lấp hoặc sụt lún. 

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, xã Nam Hồng là nơi thường xuyên hứng chịu những đợt càn quét của địch theo chiến thuật Vết dầu loang. Với 250 lần địch càn vào làng; 461 người chết, trên 346 tấn thóc bị cướp và đốt; 2.047 ngôi nhà bị cướp và cháy…cả làng ngày ấy chỉ toàn cảnh đổ nát, một màu đen của tro tàn. Cũng chính từ tội ác man rợ của giặc, phong trào chống Pháp của du kích và nhân dân xã Nam Hồng phát triển mạnh, rào làng đắp lũy, đào hầm chiến đấu, hầm bí mật, hố chông, cạm bẫy…

Toàn Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét