2 thg 1, 2018

Sắc phục của người Cống trên rẻo cao

Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục là phương tiện cấu thành và thể hiện bản sắc dân tộc rõ nét nhất. Trải qua các thời kỳ lịch sử, các dân tộc thiểu số nước ta đã tạo dựng được những bộ trang phục mang nét riêng, đẹp, độc đáo, thấm nhuần giá trị văn hóa truyền thống của mỗi tộc người. 

Giản đơn nữ phục cổ truyền của người Cống

Bộ nữ phục truyền thống của người Cống gồm váy ngắn, khăn, thắt lưng và các đồ trang sức khác. Phụ nữ Cống mặc hai loại áo ngắn, loại áo mà cách may cắt, trang trí giống như áo của phụ nữ Lự láng giềng. Áo may xẻ ngực, ống tay áo được trang trí khá đặc biệt, bao gồm các mảng màu xanh, đỏ, vàng, trắng được xếp xen kẽ kết hợp với những đường chỉ thêu họa tiết độc đáo ở phần gấu áo. Khi mặc, vạt bên trái phủ lên vạt bên phải, rồi dùng dây vải buộc lại. Còn loại áo ngắn may kiểu xẻ ngực, cài khuy dọc theo nẹp áo có trang trí cúc bạc và các đường chỉ mầu. Hai cánh tay đáp những khoanh vải màu suốt từ bả vai xuống cửa tay. Theo các tư liệu hồi cố, đây chính là loại áo cổ truyền của người Cống.

Phụ nữ người Cống sửa soạn trang phục dự hội. 

Váy của người Cống cùng kiểu với váy của phụ nữ Thái, nhưng trên thân váy có dệt nhiều hoa văn theo từng dải không phải ngang mà dọc thân váy. Để giữ chặt cạp vát và cũng là để che phần bụng bị hở do áo quá ngắn, phụ nữ Cống thắt lưng vải màu xanh hay màu chàm đậm.

Để bộ trang phục thêm phần ấn tượng, người phụ nữ Cống còn choàng thêm yếm ở lớp ngoài, tạo nên một cảm giác mới lạ. Trên yếm có đính những dải phụ kiện hình vuông bằng bạc khiến bộ y phục thêm sang trọng và quý phái. Hoa văn trên yếm cũng được bố trí thành những dải sọc ngang nhiều màu sắc đồng bộ với phần ống tay áo.

Độc đáo chiếc yếm của phụ nữ Cống. 

Bộ trang phục truyền thống trở nên hài hòa hơn khi phối hợp với váy đen được trang trí bởi những họa tiết cầu kỳ theo chiều dọc thân váy. Vào những dịp lễ hội, người Cống còn sử dụng xà tích như một điểm đặc trưng đầy quyến rũ.

Trang phục truyền thống trong xu thế công nghiệp hoá

Trang phục của người Cống mang đặc trưng phù hợp với tâm lý, giới tính, trạng thái sinh hoạt. Điều đó thể hiện khả năng thích ứng, cách ứng xử với môi trường tự nhiên. Trong những dịp hội hè, lễ tết hay cưới xin, trang phục cũng bừng sắc hòa chung niềm vui với con người, đối với thế hệ những người đi trước thì trang phục truyền thống là thứ hồi môn quý nhất, gần gũi nhất khi người con gái về nhà chồng, đối với thế hệ trẻ trang phục thể hiện lòng hiếu thảo, sự kế thừa và bảo tồn cũng như niềm tự hào đối với ông bà cha mẹ với cộng đồng dân tộc.

Cùng với sự thay đổi của điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, thời gian qua, trang phục truyền thống của các dân tộc nói chung và đồng bào Cống nói riêng đã có sự biến đổi nhanh chóng, nhiều tộc người không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục dân tộc mình, đặc biệt là những tộc người có số dân rất ít, những tộc người sinh sống ở những địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao.

Trang phục truyền thống của đồng bào Cống. 

Trang phục của người Cống cũng bị pha tạp rất nhiều cả về chất liệu lẫn kiểu dáng. Nguyên nhân khiến đồng bào Cống không mặn mà với trang phục dân tộc chính là những thay đổi trong nhận thức cũng như thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào. Nhiều người cho rằng sự cầu kỳ, rườm rà trong các bộ trang phục truyền thống vừa gây bất tiện cho sinh hoạt lại vừa tốn kém. Trong khi đó, những bộ trang phục bán sẵn không những rất tiện dụng mà giá cả lại tương đối rẻ.

Hiện nay hầu hết trang phục của đồng bào Cống chỉ được mặc vào các dịp trọng đại như ngày tết, lễ hội hoặc các ngày kỉ niệm lớn của đất nước. Đây là cơ hội để những bộ trang phục xuất hiện trang trọng trong niềm tự hào, hân hoan của người mặc và những người chiêm ngưỡng xung quanh, các lễ hội chỉ tạo điều kiện trưng diện trang phục chứ chưa mang lại hiệu quả kinh tế cho người tham gia.

Bảo tồn và phát huy trang phục cổ truyền của người Cống

Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống dân tộc Cống nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung là hành trình không hề giản đơn. Bảo tồn tĩnh trong bảo tàng, thư viện đã khó, bảo tồn động trong cuộc sống hàng ngày trong xu thế phát triển càng khó hơn. Vì thế rất cần sự quan tâm, góp sức nỗ lực, khẩn trương của cả xã hội vì mục đích giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa.

Để làm được điều đó, trước hết, cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu về tầm quan trọng của việc bảo tồn trang phục truyền thống của chính địa phương mình.

Nâng cao niềm tự hào của người dân về văn hóa truyền thống của địa phương. Từ đó có ý thức tự bảo tồn, gìn giữ nét đẹp trong trang phục cổ truyền của đồng bào Cống. Công tác bảo tồn trang phục truyền thống sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu được chính người dân - chủ thể văn hóa có ý thức tự giác bảo tồn.

Vũ điệu cổ truyền của người Cống. 

Hiện nay, trang phục truyền thống của người Cống chủ yếu chỉ được sử dụng trong các lễ hội truyền thống. Vì vậy, việc phục dựng các lễ hội truyền thống để người dân có cơ hội mặc trang phục là hết sức cần thiết. Phải có các chính sách hỗ trợ người dân có thêm thu nhập từ chính hoạt động văn hóa mà họ là chủ thể chính.

Cần có các chuyên gia là người bản địa, hiểu sâu sắc trang phục dân tộc mình, nhất là những trang phục gốc để phục chế và phổ biến.

Tạo ý thức thói quen, dùng trang phục truyền thống để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong các dịp lễ hội, cưới xin. Việc biến đổi trong trang phục của người Cống ở Lai Châu chưa thực sự lớn, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể lơ là việc tuyên truyền ý thức cho người dân một cách hiệu quả.

Giáo dục tính tự tôn dân tộc cho đồng bào Cống đặc biệt là thế hệ trẻ bởi một dân tộc thực sự phát triển khi biết duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống một cách tự giác dựa trên nền tảng dân trí cao, khẳng định giá trị dân tộc mình trong cuộc sống đương đại bằng nét đẹp văn hóa truyền thống.

Nâng cao trình độ dân trí, sự hiểu biết và tầm quan trọng của trang phục truyền thống cho người dân. Để từ đó người dân biết gìn giữ và phát huy nó một cách phù hợp với xu hướng hiện đại hóa.

Thu Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét