29 thg 1, 2015

Thăm bảo tàng Áo dài

Với mong muốn bảo tồn và quảng bá vẻ đẹp của áo dài, một loại trang phục nổi tiếng thế giới, có bề dày hơn 300 năm lịch sử của người Việt, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã dày công xây dựng nên Bảo tàng Áo dài. Đây là nơi đem đến cho người xem một cái nhìn xuyên suốt về lịch sử cũng như vẻ đẹp đầy chất thơ của loại trang phục được xem là “quốc phục” này.

Sau bao nhiêu năm ấp ủ, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã thực hiện được ước mơ xây dựng Bảo tàng áo dài đầu tiên tại Việt Nam.

Nhà vườn Long Thuận, quận 9, Tp. Hồ Chí Minh là nơi Sĩ Hoàng chọn xây dựng Bảo tàng. Đó là một không gian rộng lớn, đậm chất miền Tây Nam Bộ với những đồng lúa, những cây cầu khỉ, ao sen, dòng sông… Một khung cảnh đồng quê nên thơ rất phù hợp với Bảo tàng áo dài, nơi trưng bày những bộ trang phục thướt tha, nền nã và đậm chất thơ của người Việt.


Một góc nhà vườn Long Thuận, nơi NTK Sĩ Hoàng chọn xây dựng Bảo tàng Áo dài. Ảnh: Nguyễn Luân


NTK Sĩ Hoàng cùng khách mời cắt băng khánh thành Bảo tàng. Ảnh: Tư liệu 


Các mẫu áo dài được thiết kế trên giấy trưng bày phía bên ngoài Bảo tàng. Ảnh: Nguyễn Luân

Khu trưng bày bên trong Bảo tàng Áo dài của NTK Sĩ Hoàng. Ảnh: Nguyễn Luân

Du khách tham quan Bảo tàng Áo dài của NTK Sĩ Hoàng. Ảnh: Nguyễn Luân 

Bảo tàng áo dài được xây theo kiến trúc nhà gỗ xưa Việt Nam. Tại đây trưng bày các bộ sưu tập áo dài theo từng chủ đề như: áo dài tứ thân thế kỷ 17, áo dài năm thân thế kỷ 18, áo dài vương triều nhà Nguyễn thế kỷ 19…

Bảo tàng còn có những bộ sưu tập áo dài gắn bó với những người phụ nữ Việt Nam nổi tiếng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… của đất nước như: nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Thị Định, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, NSND Trà Giang, NSND Bạch Tuyết… Ngoài ra, còn có những bộ sưu tập, những mẫu thiết kế áo dài đoạt giải quốc tế của chính nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Bên cạnh những bộ sưu tập áo dài, Bảo tàng còn trưng bày khoảng 3.000 hình ảnh phụ nữ Việt trong trang phục áo dài truyền thống.

Du khách đến tham quan Bảo tàng không chỉ được chiêm ngắm những bộ sưu tập áo dài độc đáo mà còn có thể vẽ, chọn chiếc áo dài mình thích để mặc và chụp ảnh, hoặc xem các thợ may trình diễn kỹ thuật may áo dài…

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ: “Áo dài Việt Nam vừa là giá trị thẩm mỹ, vừa có giá trị đạo đức. Vì khi mặc chiếc áo dài, chủ nhân của nó sẽ tự điều chỉnh lời ăn tiếng nói, cử chỉ trong giao tiếp. Chiếc áo dài Việt được cả thế giới ngưỡng mộ nhưng ở nước ta chưa có một bảo tàng chuyên về áo dài, điều đó là không tương xứng với quốc phục Việt Nam. Xây dựng Bảo tàng áo dài, tôi muốn mọi người cùng nhau giữ gìn và quảng bá cho áo dài một cách tinh tế và sâu sắc nhất”.

Một số mẫu áo dài của NTK SĨ Hoàng được trưng bày trong Bảo tàng. Ảnh: Nguyễn Luân

Các bức tranh dân gian được sử dụng làm nền, tôn vinh tà áo dài Việt. Ảnh: Nguyễn Luân

Góc trưng bày "Áo tứ thân". Ảnh: Nguyễn Luân

Góc trưng bày "Áo dài năm thân" đầu thế kỷ XIX. Ảnh: Nguyễn Luân

Góc trưng bày "Áo dài tân thời" , may năm 1973. Ảnh: Nguyễn Luân

Góc trưng bày mẫu áo dài nghệ thuật may năm 2014. Ảnh: Nguyễn Luân

Góc trưng bày các bộ trang phục áo dài may năm 2011. Ảnh: Nguyễn Luân

Một mẫu áo dài ghép bằng các mảnh gốm trưng bày tại Bảo tàng. Ảnh: Nguyễn Luân

Các mẫu áo dài của bà con theo đạo Cao Đài, đạo Phật, đạo Thiên Chúa trưng bày tại Bảo tàng. Ảnh: Nguyễn Luân

Trưng bày chiếc áo dài của NSND Bảy Nam từng được bà sử dụng. Ảnh: Nguyễn Luân

Trưng bày tà áo dài của bà Nguyễn Thị Định, may năm 1980. Ảnh: Nguyễn Luân

Góc trưng bày "Áo dài Hở cổ", may năm 1958. Ảnh: Nguyễn Luân

Góc trưng bày "Áo dài thổ cẩm" , may năm 1990 của NTK Minh Hạnh. Ảnh: Nguyễn Luân

Trưng bày Áo dài của nghệ sĩ múa Vương Linh, may năm 2008. Ảnh: Nguyễn Luân 


Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân & Tư liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét