1 thg 1, 2015

Đá ong và người Xứ Đoài

Xứ Đoài, mảnh đất cửa ngõ kinh thành Thăng Long xưa và nay là thủ đô Hà Nội, mang trong mình hồn cốt văn hóa lâu đời. Bây giờ dù Xứ Đoài (Hà Tây) đã được sáp nhập vào Hà Nội, nhưng những nét văn hóa đặc trưng của nơi này vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Nói đến chất liệu trong kiến trúc Xứ Đoài, người ta sẽ nhớ ngay tới đá ong. Đó là loại vật liệu xây dựng ngấm sâu vào các công trình kiến trúc có từ hàng nghìn năm và nó còn đi vào nghệ thuật, văn thơ, hội họa cùng tâm hồn bao con người nơi đây.

Những bức tượng đá ong tại xưởng chế tác của ông Dũng

Xã Bình Yên, Thạch Thất được nói tới như một ngôi làng mà đá ong đang hiện hữu trong cuộc mưu sinh và sáng tạo nghệ thuật hằng ngày của người dân. Chúng tôi đi dọc con đường tỉnh lộ liên xã chạy qua Bình Yên dài hơn 5km và đã đếm được sơ sơ trên 100 xưởng nghề với những lao động làm công việc liên quan đến đá ong.

Tại một căn nhà hai tầng được xây hoàn toàn bằng đá ong bên đường, chúng tôi có dịp trò chuyện với người thợ xây Lê Văn Vui. Anh Vui năm nay đã ngoại tứ tuần và đã có gần 20 năm gắn bó với nghề xây nhà, làm các công trình bằng đá ong.

"Thu nhập từ nghề này cũng ổn, các chú à. Một thợ xây chính có thể được trả 300 ngàn đồng/ngày công. Xây nhà đá ong đòi hỏi sự kỳ công hơn rất nhiều so với xây gạch hay đổ bê tông cốt thép. Sự cầu kỳ của một công trình đòi hỏi người ta phải đẽo những hòn đá ong thật chuẩn, kỹ thuật chít mạch rất tinh tế và cả con mắt sáng tạo nghệ thuật trong lúc xây dựng nữa".

Với những ngôi nhà hiện đại thì yêu cầu của chủ với cánh thợ cũng rất cao. Sau khi xây xong một đoạn tường, thợ phải dùng máy xén để làm cho những hàng đá ong phẳng và đều tăm tắp.

Anh Vui đến với nghề xây nhà đá ong như một sự nối tiếp truyền thống của gia đình. Bố anh đã từng là một thợ xây đá ong nổi tiếng vùng Xứ Đoài mấy chục năm trước. Giờ đây, người vùng Hà Tây và nhiều nơi khác muốn tìm lại hồn xưa cũ trong loại chất liệu đặc biệt của cha ông. Rất nhiều công trình xây dựng mọc lên mà đá ong được sử dụng như một chất liệu chính.

Một ngôi nhà làm hoàn toàn bằng chất liệu đá ong

Từ cánh thợ trong đó có anh Vui, chúng tôi được biết chủ nhân của 2 ngôi nhà đá ong hoành tráng nơi đây là cha con ông Nguyễn Xuân Nho, 65 tuổi. Ông Nho người gốc làng Bình Yên, từng là lính đặc công, sau khi rời quân ngũ, đã cùng con cái làm ăn phát đạt.

Để lưu giữ hồn cốt và nét văn hóa kiến trúc đặc trưng của người Xứ Đoài, gia đình ông Nho đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng để xây dựng 2 ngôi nhà đá ong. Một căn đã xong dùng để ở và căn của cậu con trai đang trong giai đoạn hoàn thành. Cả 2 căn, đều có sàn rộng trên 100m2.

"Tôi tiếc căn nhà cổ xây bằng đá ong trong làng nơi tôi đã sinh ra và lớn lên lắm. Do chiến tranh tàn phá nên nhà cũ đã hỏng. Sau này, khi có chút của ăn của để, tôi đã ngay một ngôi nhà đá ong để ở" là tâm sự tận đáy lòng của ông Nho. Tiếp nối suy nghĩ của bố, người con trai ông cũng xây dựng căn khác với 2 tầng hoàn toàn bằng đá ong rộng và đẹp.

Từ suy nghĩ và ước mong của những người như bố con ông Nho mà xã Bình Yên bây giờ có rất nhiều người sống nhờ vào nghề đá ong. Tâm sự trong vài phút nghỉ chân bên đường, hai thanh niên chuyên đẽo đá ong thủ công cho biết: "Nghề này cũng vất vả lắm, nhất là đẽo hoàn toàn bằng tay, nhưng chúng tôi thấy vui và hạnh phúc vì làm ra tiền từ chính một thứ rất quen thuộc của quê hương là đá ong".

Những nấm mộ đá ong

Ở vùng Thạch Thất nói chung và xã Bình Yên nói riêng, người ta có thể xây nhà, tường vây, cổng làng cho đến mồ mả, giếng nước bằng vật liệu duy nhất là đá ong. Nhưng đặc biệt và ấn tượng nhất trên mảnh đất Bình Yên này là xưởng chế tác đá ong thành những tác phẩm nghệ thuật.

Ở xưởng chế tác này có hai người được dân trong vùng phong tặng là "nghệ nhân đá ong". Đó là ông Tăng Hữu Dũng (chủ xưởng) và ông Nguyễn Văn Nghiêm (người thợ chính làm ra những tác phẩm điêu khắc đá ong). Những khối đá ong nặng hàng tấn được nhân viên của ông Dũng xén vuông vắn.

Rồi chính từ các tảng đá ong này, dưới bàn tay tài hoa của hai ông và nhiều người khác, những tác phẩm nghệ thuật đá ong đã ra đời. Ở đây chúng tôi thấy có những bức tượng 12 con giáp, thầy trò Đường Tăng, bông hoa sen trong chùa... bằng đá ong rất đẹp.

Tất cả các tác phẩm đều đạt tới sự hoàn hảo trong nghệ thuật tạo hình. Ông Dũng cho biết: "Làm món này trước tiên phải đam mê, thích và chịu được khổ. Có hôm tôi và các anh em phải dãi nắng cả ngày để đục đẽo cho bằng được vài họa tiết theo ý tưởng của mình".

Tấm biển hiệu UBND xã Bình Yên cỡ lớn được làm bằng đá ong, rồi hai con nghê đá ong trước nhà tưởng niệm liệt sĩ... đều do ông Dũng và các đồng nghiệp thực hiện.

Có thể nói, hiện nay nghề sản xuất và xây dựng đá ong cũng có nhiều nơi làm được, nhưng xưởng chế tác đá ong nghệ thuật thì chỗ ông Dũng là độc quyền. Tất cả các công trình ở miền Bắc muốn có tượng đá ong hay các tác phẩm nghệ thuật khác đều phải đặt hàng chỗ ông.

Từ bước chân cho đến tâm hồn của chúng tôi cứ ngấm dần vào hình bóng đá ong. Đi đến đâu ở Xứ Đoài chúng tôi cũng bắt gặp một thứ gì đó liên quan đến đá ong. Bao nhiêu nấc thang dẫn lên chùa Tây Phương nổi tiếng là bấy nhiêu bậc xây bằng đá ong rêu phong cổ kính. Tất cả những gian nhà chính điện, hậu điện, hậu cung cho đến nhà sắp lễ ở chùa Tây Phương đều được đặt trên nền móng làm bằng đá ong.

Ông Nho bên ngôi nhà đá ong theo phong cách giả cổ của mình

Dấu ấn của thời gian đã làm cho những nền chùa đá ong không còn vàng óng nữa, thay vào đó là mầu rêu phong mốc mác. Có thể nền chùa Tây Phương bằng đá ong không vuông vắn, nhẵn nhụi, nhưng sự bền vững của nó thì chẳng ai phải bàn cãi. Nó đã hiện hữu ở chốn tâm linh này hàng trăm năm qua và còn ở đó mãi mãi với thời gian.

Người Xứ Đoài đâu chỉ dùng đá ong xây chốn tâm linh, họ còn biết dùng thứ đá kỳ diệu này để xây thành chống giặc ngoại xâm. Ai đã đi ngang qua Thành cổ Sơn Tây một lần thì sẽ rõ mười mươi nhận định này. Từ bờ ao, tường bao cho đến những bậc cấp dẫn lên vọng gác ở Thành cổ Sơn Tây đều được làm bằng đá ong.

Giờ đây tất cả đã ngả màu, những bụi cỏ, dương xỉ, rêu mọc ra từ chính các khe tường đá ong như càng để minh chứng cho sự lâu bền của một loại vật liệu xây dựng. Thành cổ Sơn Tây ngót 200 năm tuổi từ thời nhà Nguyễn với chất liệu đá ong chủ đạo này đã từng là chiến lũy bất khả xâm phạm, nơi những vũ khí hiện đại của thực dân Pháp không thể công phá được.

Rồi hồn đá ong Xứ Đoài còn làm cho một người con nơi đây ngày đêm ngơ ngẩn, say sưa với những vần thơ. Nhà thơ Kiều Cao Lâm ở thôn Phú Lễ, xã Cần Kiệm, Thạch Thất đã từng xuất bản một tập thơ có tên "Miền Đá Ong" do NXB Văn hóa dân tộc ấn hành. Như một lời kết, chúng tôi xin trích đăng mấy câu thơ của thi sĩ miền đá ong Kiều Cao Lâm:

"Rồi cứ nghĩ một điều rất lạ
Nghèo truyền đời lâu hóa thành quen
Đâu chỉ lửa rơm, đá cũng bén duyên
Ấm tay người, đá tươi hồng rực rỡ
Rét cắt da, cắt thịt, xối mưa, nắng lửa
Đá ong che đỡ, ngôi nhà bình yên". 

HẢI DƯƠNG, NGUYỄN HƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét