7 thg 9, 2014

Lên núi Ngũ Phong gióng chuông Hòa Bình

Nằm cách thành phố Huế chừng 7 km về phía Tây, đền Huyền Trân (151 đường Thiên Thai, phường An Tây, TP. Huế) với nhiều công trình kiến trúc được xây dựng công phu như điện thờ công chúa Huyền Trân, tượng Phật Di Lặc, tháp chuông Hòa Bình… Đây là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch mỗi khi đến Huế.

Toạ lạc trên diện tích rộng hơn 28 ha, rợp bóng cây xanh, đền Huyền Trân được xây dựng dưới chân núi Ngũ Phong, là một cụm quần thể kiến trúc truyền thống bốn bề đồi núi trùng điệp, phong cảnh hữu tình.


Bên trong đền thờ có pho tượng Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Tượng cao 2,37m, do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của phường Đúc, thành phố Huế thực hiện. 


Không gian xanh mát với bốn bề là đồi núi trùng điệp.


Đi trong khuôn viên của đền Huyền Trân, du khách có thể bắt gặp rất nhiều hình tượng rồng với các sắc thái khác nhau, nổi bật nhất là đôi rồng chầu được xây dựng công phu từ bậc cấp đầu tiên dẫn vào đền thờ vua Trần Nhân Tông - phụ hoàng của công chúa Huyền Trân, đã được xác lập kỉ lục là đôi rồng chầu dài nhất Việt Nam.


Trên đường dẫn lên đỉnh núi Ngũ Phong, nơi có tháp chuông Hòa Bình, du khách không quên cúi đầu chiêm bái bức tượng Phật Di Lặc khổng lồ với nụ cười viên mãn hiện diện, đây cũng là nơi mọi người có thể dâng hương để cầu ước vạn sự cát tường.


Cây xanh rợp bóng hai bên đường, mang lại cảm giác thư thả, yên bình cho du khách.


Du khách tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp.


Để có thể gióng lên một tiếng chuông trên tháp chuông Hòa Bình, du khách phải trải qua cuộc hành trình chinh phục 250 bậc thang cao ngút lên đỉnh núi Ngũ Phong.



Tháp chuông Hòa bình cao 7m được dựng trên đỉnh Ngũ Phong với chuông đồng nặng 1,6 tấn cũng do các nghệ nhân phường Đúc thực hiện.


Trên chuông có khắc hình những ngôi chùa nổi tiếng trên khắp cả nước, cùng các từ như Thế Giới, Hạnh Phúc, Hòa Bình… như một thông điệp thể hiện khát vọng hòa bình cho thế giới như đúng tên gọi của tháp chuông. 


Du khách thích thú khi được gióng lên một hồi chuông trong không gian trong lành, xanh mát và vô cùng yên tĩnh của núi rừng.


Người ta bảo rằng, ai ngồi ngay trong chuông để nghe những hồi chuông thanh trong sẽ có được bình an cũng như sức khỏe. Rất nhiều du khách đã có dịp tận hưởng cảm giác vô cùng thú vị khi được tĩnh tâm lắng nghe tiếng chuông chùa theo một cách thật khác giữa trưa hè oi ả.


Đứng từ đây nhìn xuống có thể thấy cả thành phố.


Không gian nơi đây càng trở nên đặc biệt bởi những câu chuyện được kể ra bởi một người cũng không kém phần đặc biệt. 


Người đàn ông đặc biệt gióng chuông Hòa Bình đều đặn mỗi ngày 

Người đàn ông này năm nay đã gần 70 tuổi, hàng ngày ông vẫn một mình đi một đoạn đường dài và leo gần 250 bậc thang để lên tới đỉnh núi, trông coi tháp chuông không kể nắng mưa. Cứ mỗi năm phút ông lại gióng lên một tiếng chuông, liên tục như vậy cho đến chiều muộn.

Tiếng chuông trầm ấm luôn khiến du khách không khỏi ngẩn ngơ.

Đứng trên đỉnh núi Ngũ Phong, cảm nhận những cơn gió trong lành, lắng tai nghe tiếng chuông trong trẻo vang lên, nhìn xuống thấy ngọn núi Ngự Bình và cả thành phố nằm gọn ngay trong tầm mắt, chợt cảm thấy thư thái lạ kì.

Nguyễn Vũ Hạnh Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét