19 thg 8, 2013

Nghề chạm rồng Phù Khê

Từ câu nói của người xưa “Hà Nội thêu quạt, thêu cờ, Phù Khê chạm trổ ngai thờ nhà vua” đã thôi thúc chúng tôi tìm về nơi phát tích của nghề chạm rồng nổi tiếng xứ Kinh Bắc, nay thuộc xã Phù Khê (Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Phù Khê xưa vốn là đất thợ của Thăng Long, nơi chế tác nhiều sản phẩm phục vụ cho kinh đô như cung vua, phủ chúa. Vùng đất nghề có tuổi đời hơn 800 năm này đã đạt đến độ hoàng kim vào triều đại nhà Lý với nhiều công trình có kiến trúc có giá trị như chùa Bút Tháp, chùa Lim, chùa Tây Phương, đình Điềm Xá, đình Đình Bảng, đền Ngọc Sơn… Tại Đình làng Phù Khê còn lưu giữ sắc phong của vua ban với những đóng góp của người Phù Khê xây dựng cung đình, lăng tẩm.

Có thời gian nghề chạm rồng tưởng chừng bị thất truyền nếu như không có những người con Phù Khê khôi phục lại nghề cổ. Tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Kim (thôn Phù Khê Thượng), người có công phục dựng lại nghề thông qua việc tổ chức các lớp học, soạn giáo án, truyền dạy cho thanh niên trong làng. Từ các lớp truyền nghề của ông, hơn 300 thợ đã được đào tạo nghề chạm trổ và các lớp thợ này lại truyền nghề cho những người khác giúp cho nghề chạm rồng ở Phù Khê phát triển như hiện nay.

Gia đình thợ chạm trổ rồng Đinh Văn Tuấn – Trần Thị Yến (thôn Phù Khê Thượng) vẫn duy trì nghề chạm trổ rồng trên tranh tường của gia đình.


Chỉ bằng những dụng cụ chạm trổ đơn giản nhưng nhờ sự khéo léo người dân Phù Khê đã tạo nên các sản phẩm chạm trổ hình rồng rất đẹp mắt và tinh tế.

Dáng rồng do người thợ Phù Khê chạm trổ có hình dáng khỏe khoắn.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Khoa đang thực hiện tác phẩm tranh tường “Cửu long chầu nguyệt” .

Sản phẩm chạm, trổ được người thợ Phù Khê trau chuốt tạo nên vẻ bóng đẹp trước khi xuất xưởng.

Sản phẩm bàn ghế chạm rồng của Phù Khê được khách hàng đặc biệt ưa thích và đặt hàng ngày càng nhiều. 

Trên khắp các tuyến đường liên xã ở Phù Khê, chúng tôi đều thấy sự hiện diện của nghề chạm rồng. Tìm đến thôn Phù Khê Thượng, ông trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng cho biết từ quy mô sản xuất nhỏ trong làng, người dân trong thôn đã mạnh dạn mở cơ sở sản xuất lớn và làm ăn phát đạt như doanh nghiệp Tiến Mạnh, cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ Mạnh Cường.... Hiện ở nơi mà nghề chạm rồng, sản xuất gỗ mỹ nghệ phát triển nhất này đã có 7 công ty và tới hơn 70 cơ sở sản xuất thường xuyên đồ gỗ mỹ nghệ, chiếm hơn 80% giá trị sản xuất toàn xã. Hầu hết người dân trong xã Phù Khê đều tham gia làm nghề mộc, nghề chạm trổ truyền thống, chế tác và sản xuất sản phẩm gỗ mỹ nghệ và các xưởng sản xuất đều có từ 10 đến 15 lao động. Xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Mạnh Cường (thôn Phù Khê Thượng) là nơi thường xuyên có hơn 10 lao động có tay nghề lâu năm cùng một số thợ trẻ tay nghề khá vững vàng. Nghề chạm rồng trên gỗ mỹ nghệ đã tạo việc làm cho lao động địa phương và thu hút rất đông lao động đến từ các vùng lân cận, với mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Những sản phẩm gỗ như sập, bàn, ghế, tủ, tranh tường, tranh đứng... chạm rồng của Phù Khê đều được khách hàng từ khắp nơi đặc biệt ưa thích và tìm mua. Âu đó cũng là cái duyên nghề, bởi thế hệ con cháu Phù Khê hiện đã kế thừa được phần nào các bí kíp và sự khéo léo của ông cha. Nói về những bí quyết trong nghệ thuật chạm rồng của nghệ nhân Phù Khê, anh Nguyễn Ngọc Khoa (con trai nghệ nhân Nguyễn Kim) chia sẻ với chúng tôi: “Trong chạm rồng, điều quan trọng nhất là tạo hình khối và tạo thế. Chính vì coi trọng điều này mà rồng do người nghệ nhân ở Phù Khê chạm trổ bao giờ cũng rất có hồn, hình dáng mềm mại và thanh thoát, thần thái lại oai nghiêm và khỏe khoắn, được nhiều người ưa thích”. Hiện đã có một số công đoạn sản xuất được làm bằng máy móc, song những công đoạn quan trọng nhất vẫn phải làm bằng tay. Anh Võ Toản, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Mạnh Cường chia sẻ: "Khách hàng đặc biệt thích các sản phẩm chạm rồng như bàn, ghế, tranh tường... Một bộ bàn ghế không chạm rồng có giá từ 50 đến 500 triệu trong khi đó bộ bàn ghế lớn, chạm rồng giá có thể từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ nhưng khách hàng vẫn quyết mua".

Cùng với việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, những người thợ Phù Khê đang ngày ngày làm giàu thêm cho chính bản thân và quê hương của họ. Hình tượng con Rồng trên gỗ thể hiện tài năng của người thợ Phù Khê nay đã và đang hiện hữu, minh chứng cho sự giàu có và trù phú của một vùng quê.

Một số sản phẩm chạm khắc rồng của Phù Khê:

Một trong số sản phẩm tranh tường chạm rồng khéo léo và tinh xảo của anh Đinh Văn Tuấn (thôn Phù Khê Thượng).

Hình tượng rồng khỏe khoắn, có thần được tạo nên bởi bàn tay nghệ nhân Phù Khê.


Hình rồng trên bức “Long” trong bộ "Tứ linh" do nghệ nhân Nguyễn Kim thực hiện.

Cận cảnh chi tiết họa tiết rồng khỏe khoắn trong bộ "Tứ linh". 

Bài: Thục Hiền - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét