19 thg 8, 2013

Làng tiện gỗ Nhị Khê

Cách Hà Nội khoảng 20km về phía Nam, ở huyện Thường Tín có làng nghề cổ Nhị Khê (trước thuộc tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội), tên Nôm là làng Dũi, nổi tiếng với nghề tiện gỗ nên dân gian thường gọi là làng Dũi Tiện.

Theo truyền thuyết, nghề tiện gỗ Nhị Khê có cách đây hàng trăm năm. Dân làng tôn vinh ông Đoàn Tài, một người thợ tiện tài danh, có công truyền nghề cho dân làng, làm ông tổ nghề tiện. Tới thế kỷ XVIII - XIX, làng nghề phát triển, dân Nhị Khê ra Hà Nội mở nghề tiện ở phố Tô Tịch, Hàng Gai.

Theo Quốc lộ 1, chúng tôi về Nhị Khê. Dọc theo con đường làng là nhà thờ họ, đình làng cổ, hồ nước, công viên... Đâu dâu cũng nghe tiếng máy phát ra từ bàn tiện gỗ. Hầu như cả làng đều làm nghề tiện.

Nghệ nhân Đinh Song Hùng, người đã có thâm niên hơn 25 năm trong nghề tiện của làng Nhị Khê.

Tuy còn trẻ nhưng anh Lê Tiến Du đã có tay nghề vững vàng, đặc biệt là trong kỹ thuật tiện đồ thờ.

Nhờ áp dụng máy móc nên sản phẩm tiện của Nhị Khê có độ chính xác và đồng bộ rất cao.

Người ta có thể tiện được cả những hạt gỗ rất nhỏ và đẹp để làm mành và gối xuất khẩu. 

Nghề tiện gỗ Nhị Khê nổi tiếng khắp cả nước. Xưa kia phương tiện thô sơ, máy tiện đạp bằng chân rất vất vả nhưng thợ tiện Nhị Khê vẫn làm nên nhiều sản phẩm rất tinh xảo. Ngày nay, công nghệ tiện đã phát triển. Từ bàn tiện gỗ thô sơ đạp chân chuyển sang bàn tiện có mô tơ điện rất thuận tiện. Nhờ đó sức lao động được giảm nhẹ mà năng suất lại cao hơn gấp bội. Chất lượng sản phẩm cũng cao hơn, đồng đều hơn. Vì thế, đời sống và hiệu quả kinh tế của người dân làng nghề được nâng cao rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 20 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, kể từ khi Hà Tây được sáp nhập về Hà Nội, Nhị Khê cũng có điều kiện để phát triển hơn. Nhị Khê cũng chính là xã được huyện Thường Tín chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Nhị Khê đã đạt được 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, và đang phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí ngay trong năm 2013 này. Nhờ đó tình hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn từng bước có sự thay đổi, tỷ trọng nông nghiệp ngày một giảm; hoạt động tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại tăng nhanh; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể.

Nguyên liệu dùng để tiện gồm hai loại chính là gỗ và sừng. Gỗ cố đủ loại từ gỗ mít, gỗ de, lim, gụ, trắc, pơmu. Sừng thì có sừng trâu, bò, hươu, nai... Xưa kia còn tiện cả ngà voi để làm vật phẩm quý cho triều đình và nhà quyền quý.

Ông Lê Duy Tiên, người mà gia đình có nhiều đời làm nghề tiện, cho biết, đồ tiện ở Nhị Khê có hai chủng hàng chính là đồ thờ cúng và đồ gia dụng. Đồ thờ cúng gồm có ống hương, lọ hoa, mâm bày, giá nến... Đồ gia dụng thì có giỏ đựng ấm tích, bánh gỗ, điếu bát, con quay, quả cầu... Những năm gần đây, tận dụng gỗ vụn, người dân Nhị Khê còn làm các hạt tiện tròn xâu làm mành hoặc gối. Nghề mới này tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương các lứa tuổi từ già đến trẻ. Ngoài ra, người làng Nhị Khê còn phát triển thêm nhiều loại sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của người dùng như các loại tượng Phật, tượng muông thú...

Sản phẩm tiện Nhị Khê ngày càng phong phú, đa dạng. Bất kỳ mặt hàng nào, từ loại sản xuất hàng loạt hay đơn chiếc, người thợ tiện Nhị Khê đều đáp ứng được. Các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách du lịch trong và ngoài nước. Nhiều mặt hàng được đưa đi xuất khẩu, góp phần thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của làng nghề.

Nghề tiện gỗ phát triển đã giúp cho người dân làng Nhị Khê có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Gối gỗ là một sản phẩm rất được ưa chuộng vì vừa đẹp lại vừa tạo sự thoáng mát cho người dùng.

Từ những khúc gỗ thô sơ, người làng Nhị Khê đã tiện nên một bộ ấm chén rất độc đáo.

Lọ đựng tăm hình quả hồ lô được tiện bằng gỗ hương.

Những viên bi gỗ được tiện một cách công phu và có độ tròn chính xác gần như tuyệt đối.

Ấm trà bằng gỗ được chạm trổ hình lá sen cách điệu.

Tượng chuột phát tài với ý nghĩa cầu mong tiền tài, lợi lộc.

Tượng cá heo được tạc theo phong cách hiện đại là một trong những hướng tìm tòi mới của người thợ làng tiện cổ Nhị Khê. 

Có hộ gia đình 5 đời theo nghề tiện, nay chuyên sản xuất cọc rèm và hạt gỗ xâu dây làm đệm gỗ xuất khẩu, doanh thu hàng tháng trên trăm triệu đồng. Nhờ kinh tế khá giả nên việc đầu tư học hành cho con cái cũng tốt hơn trước. Nhờ đó mà Nhị Khê luôn là xã có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao ở Thường Tín.


Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét