8 thg 8, 2013

Bóng ma trên đèo Bảo Lộc

Người ta nói ở đèo Bảo Lộc có ma. Không phải một mà tới ba con ma, ba oan hồn thiếu nữ thường mặc áo trắng ra vẫy xe giữa đêm khuya. Bằng chứng cho sự có ma ấy là ở lưng chừng đèo có một ngôi miếu gọi là Miếu Ba Cô.

Tác giả Người Khăn Trắng - người chuyên viết chuyện ma trước 1975 - viết cả một truyện dài kể về sự tích oan hồn 3 thiếu nữ đã chết nơi đây như thế nào, đã hiện hình thành ma ra sao... Không biết từ câu chuyện của ông người ta đã truyền nhau về ma, hay từ lời đồn về ma mà ông viết thành truyện, chỉ biết chắc chắn có ngôi miếu Ba Cô đơn độc giữa lưng đèo, lúc nào cũng nghi ngút khói hương.


Miếu Ba Cô ở đèo Bảo Lộc - Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Miếu Ba Cô là một ngôi miếu nhỏ, kiến trúc không có gì đặc biệt. Do lời đồn nên có nhiều khách đến thắp hương, khấn vái (chủ yếu là người thuê xe đi riêng, chứ xe khách thì không ghé). Có nhiều người kể đủ thứ chuyện ma đã xảy ra ở đây (chưa tính đến chuyện của Người Khăn Trắng). Nhưng nếu bạn tới đây rình để chụp hình ma thì vô phương à nghen, muốn gặp nàng ma xinh đẹp để ngắm cũng hổng có, chỉ có cái miếu sờ sờ đó mà thôi. (Đó là lý do vì sao tui chỉ chụp hình cái miếu chớ không chụp hình ma!).

Người giữ miếu là bà Đặng thị Lộc, phật tử, pháp danh Tam Phước. Bà Lộc kể rằng miếu này do cha mẹ của bà là ông Đặng Hà và bà Nguyễn thị Biện lập nên từ thời Pháp thuộc. Thuở xưa, ông Hà từ Bình Định vào Nam lập nghiệp. Đến đèo Bảo Lộc này, ông thấy khúc quanh hiểm trở, dễ gây tai nạn chết người nên làm một cái miếu nhỏ để thờ cúng.

Về ba cô gái chết oan, bà Lộc cho biết trước đây có mộ ba cô ở ven đường (có lẽ chết do tai nạn giao thông?), nhưng nay gia đình đã bốc mộ về Sài Gòn rồi.

Vậy là "tiểu sử" ngôi miếu Ba Cô hiện ra khá rõ nét: Có một ngôi miếu nhỏ do người di dân vào đây dựng nên để thờ cúng. Rồi có 3 cô gái chết, chôn ở ven đường. Có miếu, có mộ, có chất liệu để kể thành chuyện ma. Người nghe chuyện sợ ma, thành tâm cúng kiến, chủ ngôi miếu có tiền để xây dựng miếu to hơn.

Trong miếu Ba Cô có bàn thờ và bài vị thờ song thân của bà Lộc là ông Hà và bà Biện. Có lẽ bà Hà cũng rất vui lòng khi có khách thập phương thường xuyên lui tới đây để thắp hương cho ba cô, và cho cả song thân của bà, có thêm chút thu nhập từ tiền cúng. Bởi thế, bà chẳng bác bỏ chuyện ma mị làm gì, vì nếu không tin có ma người ta không vô cúng thì sao?

Về phía chính quyền địa phương, chuyện ngôi miếu là chuyện tâm linh, và không gây ảnh hưởng gì đến an ninh xã hội nên không cần can thiệp.

Về các chuyến xe đi ngang đây về đêm, có còn gặp ma không? Bạn ơi, bây giờ mỗi ngày không biết bao nhiêu chuyến xe Phương Trang, Thành Bưởi... ngược xuôi trên đường Đà Lạt - Sài Gòn, đa số các bạn đi Đà Lạt thường đi từ ban đêm để đến Đà Lạt từ sáng sớm, như vậy sẽ tới đèo Bảo Lộc lúc nửa đêm về sáng: thời điểm lý tưởng để xuất hiện ma! Vậy mà có ai gặp ma đâu nà? Nếu có ma chắc tất cả các chuyến xe đêm đi Đà Lạt khởi hành từ Sài Gòn đều phải hủy bỏ hết!

Về phía chúng ta, những du khách, thì sao? Tôi cá với các bạn một điều: Sợ ma hay không thì không biết, nhưng hầu hết đều... khoái nghe kể chuyện ma! Nhất là ma nữ thì nghe càng mê! Vậy thì trên đường đi đến đèo Bảo Lộc cứ kể chuyện ma nghe cho nó phê đi nhá!

Thế có nên vào viếng miếu Ba Cô không? À, tôi nghĩ nếu có thời giờ thì ghé một chút cũng được, xem như chặng nghỉ nhỏ. Đèo Bảo Lộc là con đèo đẹp, nên dừng xe nơi đó để chụp ảnh cũng lý tưởng lắm đó bạn! Xem hình nè:




Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét