6 thg 4, 2013

Ngày vui của người Khơ Mú

Khơ Mú là một trong những tộc người sinh sống lâu đời nhất ở vùng Tây Bắc. Do không có chữ viết nên tất cả những điệu múa, câu hát, những phong tục tập quán của người Khơ Mú truyền lại cho con cháu đều là truyền miệng. Tuy nhiên, người Khơ Mú lại được đánh giá là giữ được trọn vẹn nhất bản sắc dân tộc. 

Chiều ngày công tác thứ tư ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, anh Nguyễn Văn Quý - cán bộ văn phòng huyện nói với chúng tôi: “Sáng mai anh em mình vào bản người Khơ Mú nhé!. Anh để các em đợi vì phải vào đó đúng dịp ngày vui của họ thì mới thấy hết được đời sống tinh thần và văn hóa truyền thống của người Khơ Mú”. Vậy là dọc theo con đường lên Mù Cang Chải, cách trung tâm thị xã Nghĩa Lộ 6km, qua đồi Pú Lo, xã Loong Khoang 1, Loong Khoang 2, chúng tôi tới một quả đồi cao. Lấp ló đằng xa đã thấy những ngôi nhà sàn quây quần dưới thung lũng, được bao bọc bởi một màu xanh của thiên nhiên núi rừng. Đó chính là bản của người Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn.


Người Khơ Mú ở đây chủ yếu sống bằng nghề canh tác nương rẫy, đời sống vật chất còn không ít khó khăn do phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngược lại, đời sống tinh thần lại vô cùng phong phú. Với sự tinh tế trong bản sắc dân tộc, không bị pha tạp, lai căng khi giao thoa văn hóa với các tộc người khác, UBND tỉnh Yên Bái đã xây dựng một lộ trình bảo vệ, gìn giữ cũng như phát triển loại hình dân ca, dân vũ của người Khơ Mú. Đây là niềm vui lớn, nhất là khi họ không có chữ viết, việc truyền dạy cho con cháu gặp không ít khó khăn.

Dân ca, dân vũ của người Khơ Mú được các nhà văn hóa đánh giá là thành tố không thể thiếu trong kho tàng dân ca, dân vũ Việt Nam, phản ánh cuộc sống lao động, tình hình sản xuất nông nghiệp, đồng thời thể hiện sức mạnh gắn kết cộng đồng trong quá trình chinh phục và làm chủ thiên nhiên. Nhắc đến dân ca của người Khơ Mú thì đặc trưng nhất phải nói đến những điệu hát Tơm. Mỗi làn điệu đều mang một hơi thở, một tâm hồn và phản ánh chân thực nhất đời sống tinh thần của họ với những câu hát đậm chất sử thi, trữ tình, lúc du dương, êm ái, lúc rộn ràng, nhộn nhịp…

Cô gái Khơ Mú duyên dáng trong trang phục truyền thống của dân tộc.

Tiếng chiêng ngân vang làm nhịp cho những điệu hát của người Khơ Mú thêm quyến rũ.

Lời ca, tiếng hát hòa quyện vào không gian núi rừng Tây Bắc.

Tơm có thể hát một người hoặc hát đối, hát tập thể.

Điệu múa Tơm như hòa vào đất trời Tây Bắc.

Những cô gái Khơ Mú say cùng điệu hát Tơm.

Vạn vật thiên nhiên là chủ thể trong những lời hát Tơm.

Các nhạc công say sưa với làn điệu dân ca, dân vũ Khơ Mú.

Điệu Tơm mời trầu của người Khơ Mú.

Bà Mèo Thị Beo, 85 tuổi, người "nghệ sĩ" già đã gắn bó cả cuộc đời với hát Tơm. 

Hôm đó là một ngày cả bản tưng bừng tổ chức múa hát nhằm bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Trong ngày vui ấy, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những điệu múa, tận tai nghe từng câu hát đặc trưng, tinh tế, do những nghệ nhân nhiều tuổi nhất trong bản biểu diễn cùng lớp trẻ kế cận. Khi mừng đám cưới có “Tơm Đường Kmun”; khi làm nhà có “Tơm Ơ Grang Mỵ”; trai, gái đi nương, đi rừng hay dự ngày vui bản làng có “Tơm Cản Chơ”; “Tơm Muôn” (Tơm mùa xuân)… Những lời trong hát Tơm cũng mộc mạc, ý nhị, chân thật như chính con người Khơ Mú vậy. Bởi vậy, những câu hát Tơm này thường có mặt trong hầu hết các dịp vui của gia đình, bản làng người Khơ Mú. Ngoài ra, có hát Cưn Trơ, chuyên dùng trong những lúc đi nương, đi rẫy; hát Kơ Le thì được ví như hát đồng dao của người Kinh…

“Bà em gần 90 tuổi nhưng những lúc bà hát, em rất thích nghe. Những lúc ngồi nấu cơm nghe bà hát, em thường bảo bà, bà ơi bà dạy cháu hát thử mấy bài hát dân tộc mình với…”, em Vì Thị Uyên (1991) chia sẻ với tôi. Em nói những câu hát của dân tộc mình phải dùng trí nhớ để nhớ, phải có chất giọng tốt vì các câu hát rất dài, lại phải có người dịch ra nữa…Thế nhưng, cô bé vẫn thể hiện quyết tâm sẽ cố gắng học để mai sau hát ru cho con: “Vì nghe mẹ hát ru em trai, em thích lắm chị ạ…”.

Người Khơ Mú rất thích xòe, múa và thổi các loại sáo, các nhạc cụ bằng tre, nứa tự tạo, đặc biệt thổi kèn môi. Bởi vậy nếu dân ca là những câu hát trữ tình, sâu lắng, ý nhị thì dân vũ lại là những động tác mô phỏng lao động, sinh hoạt của người Khơ Mú. Với người Khơ Mú, dân vũ được coi là một công cụ giáo dục đạo đức, lối sống cho các thế hệ con cháu của họ. Khi múa là lúc người ta thấy được sự tự tin, yêu đời và sự tinh tế trong cách họ đối diện với cuộc sống.

Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi ngày hôm đó được chứng kiến các cụ già 80, 90 tuổi vẫn hào hứng, hăng say múa những điệu múa với rất nhiều động tác như lắc mông, chụm tay…; bước di chuyển của các cụ giờ không còn nhanh nhẹn như trước nữa nhưng thực sự đã làm cho những người có mặt hôm đó đều phải trầm trồ, sảng khoái tinh thần. “Múa tuy hơi mệt đấy nhưng được đi múa bà vui lắm cháu ạ!. Được múa thấy mình trẻ lại nhiều…”, bà Mèo Thị Beo năm nay đã 85 tuổi chia sẻ. Bà cho biết, đã múa những điệu này từ lúc còn là con gái và đi hát múa ở khắp bản. Cứ có ngày vui nào ở bản, không bị ốm là bà đều đi hết. “Đã là người Khơ Mú thì ngay từ nhỏ ai cũng biết múa hát cháu ạ”, bà Beo cười nói với chúng tôi. Bà là một trong số ít các nghệ nhân múa đẹp nhất trong bản, tuy đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng các động tác vẫn rất nhẹ nhàng, uyển chuyển mà lớp trẻ chưa chắc đã theo kịp.

Nhờ sự tự tôn dân tộc, sự tinh tế và lòng nhiệt huyết của những con người như cụ bà 85 tuổi Mèo Thị Beo hay cô bé mới 21 tuổi Vì Thị Uyên, người Khơ Mú có quyền tự hào về bản sắc của mình không bị mai một và sẽ được truyền lại nguyên vẹn cho các thế hệ mai sau. Kho tàng dân ca, dân vũ có thêm “niềm hy vọng” cho việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống Việt.


Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trịnh Văn Bộ

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét