14 thg 4, 2013

Thất Sơn – Miền đất của các đạo sĩ

Cổ nhân nói "Sơn bất tại cao, hữu tiên tất linh" - Núi không cần cao, có tiên thì linh. Có thể nói ngoài địa thế được thiên nhiên ưu đãi thì bóng dáng những "ông đạo" và giai thoại ly kỳ của họ đã làm cho vùng Thất Sơn của Châu Đốc, An Giang trở thành linh địa. 

Du ngoạn non Sam

Ngày trước đọc "Nửa tháng trong miền Thất Sơn" của Nguyễn Văn Hầu thấy tả cảnh vào Thất Sơn thật là trần ai, phải lặn lội qua vô số kênh rạch như Cần Thảo, Cây Dương, Vịnh Tre… chằng chịt. Còn bây giờ, đường vào núi Sam nói riêng và cả vùng Thất Sơn huyền bí nói chung đều được khai thông lên tới đỉnh. Từ thị xã Châu Đốc vào đến chân núi Sam chỉ 5km với con đường trải nhựa thẳng băng, đen nhánh, bóng loáng như dải lụa Tân Châu. Hai bên bờ là đồng lúa bát ngát, thi thoảng ẩn hiện vài ngôi chùa theo phái Tiểu thừa.

Núi Sam là ngọn núi gần nhất, có hình một chú sam biển khổng lồ. So với các rặng núi hùng vĩ ở miền Trung, miền Bắc, núi Sam chỉ đáng gọi là một ngọn đồi vì chỉ cao khoảng trên dưới 240m (có chỗ nói 228m hoặc 310m…). Nhưng "ngọn đồi" này mang cả một di sản với nhiều di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng cấp quốc gia như miếu Bà Chúa Xứ, Tây An cổ tự, Sơn lăng Thoại Ngọc Hầu, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Hang cùng bao thắng cảnh khác.

Núi Sam có tên chữ là Vĩnh Tế Sơn do Vua Minh Mạng ban cho lấy tên của bà Châu Thị Tế - chánh thất của Thoại Ngọc Hầu, khi ông chỉ huy đào xong con kênh nối liền từ Châu Đốc đến tận Hà Tiên từ năm 1819 đến 1824. Trước đó, núi Sam là vùng đất trọng yếu của quân thứ An Giang đạo (tương đương cấp quân khu ngày nay) vì địa thế hiểm trở, giáp biên giới Campuchia, từ trên đỉnh có thể bao quát cả vùng Châu Đốc.

Trong bia Vĩnh Tế Sơn, Thoại Ngọc Hầu có nói: "Địa giới Châu Đốc xưa kia là khu vực của Phiên man, nhờ triều đình khai thác cõi Nam, mới cho đất ấy nhập vào bản đồ… Phía sau đồn có núi, mà lời tục thường quen gọi núi Sam. Nơi đây chầm ao, rừng rú mênh mông rậm rạp… Đến nay, ánh sáng sớm sương tan, bóng chiều tà ráng rọi, cây rậm rạp khoe xanh, cỏ là đà phô thắm. Bụi sạch trên đường, lên cao ngắm nghía, dòng sông trải lụa, khách đi qua buông chèo nhàn ngoạn, tay trỏ non xanh cùng nói với nhau: Đây là núi Vĩnh Tế, do vua ban tên đó!…". 

Thất Sơn trùng điệp. 

Con đường chạy lên đỉnh núi Sam được làm khá rộng, có thể đi bằng xe máy. Bên triền núi rải rác những am, cốc lẩn khuất trong hốc đá lưa thưa mấy cụm hoàng mai, phượng vĩ. Qua Bạch Vân tịnh xá, từ đỉnh núi có thể quan sát khắp thị xã Châu Đốc, Thất Sơn, tỉnh Tà Keo của Campuchia, đồng lúa thẳng cánh cò bay hai bên bờ kênh Vĩnh Tế… Người dân cho hay, vào mùa nước nổi hằng năm, nhiều khi cả vùng đồng lúa bao la bị nhấn chìm trong nước bạc, núi Sam như một hòn đảo lơ lửng giữa mênh mông.

Với địa thế hiểm yếu, hoang sơ xưa kia, vừa có đồng bằng trồng trọt, vừa có núi rừng sát biên giới nên nhiều sĩ phu yêu nước của phong trào Cần Vương chọn vùng núi Sam và Thất Sơn nơi đây làm căn cứ chuẩn bị lực lượng chống Pháp hoặc chờ cơ hội nổi dậy như Thủ Khoa Huân, Phan Xích Long, Trần Văn Thành, Trương Gia Mô, Huỳnh Mẫn Đạt, Doãn Uẩn…

Ông Nguyễn Văn Hầu có kể về chuyến đi Thất Sơn 7 ngày của chí sĩ Phan Bội Châu để gặp gỡ nhà sư yêu nước Trần Nhựt Thi (nghi là bí danh của hòa thượng Phi Lai, tức Ngô Lợi). Trước khi ra đi, Trần Nhựt Thi có ân cần dặn cụ Phan: "Phàm muốn làm việc gì bí mật, có bàn bạc với nhau, chỉ nên ở giữa trời xanh ngày trắng, hoặc ở đồng trống đường to, không nên ở chỗ đêm khuya nhà kín. Bởi trong đêm khuya nhà kín, tai mắt mình không thể phóng được xa, chỉ làm thêm cho cơ hội những món rình xét".

Mỗi năm có hàng triệu lượt người đến với núi Sam. Thu hút du khách đông nhất là mùa lễ hội vía Bà vào cuối tháng tư âm lịch với trung tâm điểm là miếu Bà Chúa Xứ, có tiếng là linh hiển. Miếu Bà được xây dựng đầu tiên vào khoảng năm 1820-1825 khi phát hiện ra tượng Bà trên đỉnh núi Sam. Theo nhà khảo cổ học người Pháp Malleret thì tượng Bà Chúa Xứ là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thời trung cổ, thuộc loại tượng thần, được tạc theo dáng người ngồi, vật liệu bằng đá sa thạch, có giá trị nghệ thuật cao.

Mé đối diện miếu Bà là ngôi chùa cổ Tây An nổi tiếng, nằm trên ngã ba núi Sam từ Châu Đốc vào. Chùa do Tổng đốc An Giang là Doãn Uẩn lập từ năm 1847, sau được các hòa thượng Nhất Thừa, Thế Mật trùng tu và nổi danh trong thiên hạ khi Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên về đây ẩn tu. Chùa Tây An mang phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc kết hợp với kiến trúc nghệ thuật Ấn-Hồi. Chùa theo Phật giáo Bắc tông, dòng thiền Lâm Tế, trong chùa có hơn 11.000 pho tượng mang giá trị nghệ thuật và tôn giáo cao.

Cũng nằm bên sườn đông núi Sam là khu lăng mộ Thoại Ngọc Hầu cổ kính. Hai nhân vật miền Trung có ảnh hưởng hết sức to lớn trong tâm thức của người dân miền Tây Nam Bộ là Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại. Cả cuộc đời của Nguyễn Văn Thoại gắn liền với sự nghiệp khai phá mở cõi vùng biên ải và nằm lại muôn đời ở núi Sam. Ông vốn người Tiên Phước, Quảng Nam, từ năm 1817 chỉ huy đào kênh Thoại Hà nối liền Đông Xuyên (Long Xuyên ngày nay) đến Rạch Giá dài hơn 30km, rồi đào kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc tới Hà Tiên dài gần 100km, rộng hơn 36m và sâu 2,9m. Cho đến nay, hai con kênh này vẫn chiếm vị trí quan trọng trong việc giao thương và phát triển nông nghiệp.

Trước khi qua đời vào năm 1829, Thoại Ngọc Hầu đích thân chỉ huy xây dựng sơn lăng. Muốn lên lăng phải qua 9 bậc thang đá ong dài cả trăm mét vào sân lăng rộng lớn có tiểu đình, dựng bản sao bia Thoại Sơn, đại bác, tượng nai, hổ… Phần mộ Thoại Ngọc Hầu nằm giữa khuôn lăng, bên trái là mộ bà chính thất Châu Thị Tế, bên phải là mộ bà thứ thất Trương Thị Miệt. Phía chân mộ có bi ký và 5 tấm bia bằng đá sa thạch đã mòn chữ. Hai bên lăng chính còn có khoảng 50 ngôi mộ khác cũng được xây bằng vôi và ô dước. Đó là phần mộ của những dân binh tử nạn khi đào kênh Vĩnh Tế được Thoại Ngọc Hầu cho tìm mang về cải táng. 

Đạo sĩ Thất Sơn hàng phục thú dữ (Tranh vẽ trong đền thờ quản cơ Trần Văn Thành). 

Đạo sĩ vùng linh địa

Giỏi bùa chú, trừ dịch bệnh, võ nghệ cao cường, hành hiệp trượng nghĩa là hình ảnh lâu nay tạo nên danh tiếng "đạo sĩ Thất Sơn". Thực ra, những "đạo sĩ" này không phải là giáo đồ của Đạo giáo hay Lão giáo kiểu Trung Hoa xưa. Họ không đọc những Đạo đức kinh, Huỳnh Đình kinh hay Thái bình kinh là những kinh điển của Đạo giáo. Những người tu hành trong hàng trăm am, miếu ở núi Sam và Bảy Núi đều theo Phật giáo pha trộn tín ngưỡng dân gian. Những đạo giáo thuần túy Nam Bộ nơi đây từ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo đến những đạo đặc biệt khác như đạo Dừa, đạo Trần, đạo Ớt, đạo Nằm, đạo Tịnh… đều ra đời và phát triển trên cơ sở nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tây An cổ tự dưới chân núi Sam chính là nơi hành đạo đến những ngày cuối đời của Phật thầy Tây An - người sáng lập ra đạo phái yêu nước Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông tên thật Đoàn Minh Huyên, đạo hiệu Giác Linh, sinh năm 1807 ở Tòng Sơn, Sa Đéc. Sinh ra trong một gia đình nông dân, từ nhỏ ông đã nuôi chí lớn, mê đọc kinh sách.

Năm 1849 mất mùa đói kém, dịch bệnh lan tràn, trộm cướp khắp nơi, Đoàn Minh Huyên đi khắp nơi vừa giảng đạo, vừa chữa bệnh bằng thuốc Nam và bùa chú, cứu chữa nhiều người đã khỏi bệnh. Dân chúng gọi ông là "Phật sống". Ông nhận đệ tử, phát giấy nhập đạo (lòng phái), gọi tên đạo là Bửu Sơn Kỳ Hương và có bài thơ truyền tụng: "Bửu ngọc quân minh thiên Việt nguyên/ Sơn trung sư mạng địa Nam tiền/ Kỳ niên trạng tái tân phục quốc/ Hương xuất trình sanh tạo nghiệp yên". Bửu sơn tức là núi quý báu, tức là Thất Sơn; Kỳ hương tức là mùi thơm lạ. Theo đó, sau thời mạt pháp, hội Long Hoa sẽ thành lập và cõi thiên đường hiện ra tại Thất Sơn. 

Tây An cổ tự. 

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương lấy tứ đại trọng ân làm nền tảng, gồm: Ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào, nhân loại. Giáo đồ lấy đạo Phật làm căn bản, không xuống tóc mặc cà sa, không thờ tượng cốt, chỉ treo tấm vải đỏ (trần điều), không ăn chay, không gõ mõ tụng kinh. Vật phẩm dâng cúng chỉ dùng hương hoa và nước lã đơn sơ. Chỉ cần giảng và nghe giáo lý chứ không cần ghi chép...

Ngoài việc truyền đạo, Đoàn Minh Huyên đưa đệ tử đến vùng đất phía tây Thất Sơn và Láng Linh dựng chùa, lập trại ruộng, khẩn hoang lập ấp. Thực dân Pháp nghi ngờ Đoàn Minh Huyên hoạt động chính trị, tập hợp loạn đảng nên ông bị Tổng đốc An Giang bắt giam. Sau đó ông được thả ra, nhưng bắt buộc ông phải chính thức xuất gia thọ giới theo nghi lễ của Phật giáo và tu tại Tây An cổ tự dưới núi Sam để dễ kiểm soát.

Ngày nay, dưới chân núi Sam, bên chùa Tây An còn lưu giữ mộ phần của Phật thầy. Ngôi mộ san bằng, không đắp nấm như lời dạy của ông trước khi viên tịch vào năm 1856 sau 7 năm giảng đạo.

Ảnh hưởng của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương rất mạnh ở Nam Bộ. Trừ đạo Cao Đài, những giáo phái sau này ở Nam Bộ đều chịu tác động của Bửu Sơn Kỳ Hương. Khi triều đình Huế đầu hàng thực dân Pháp, hầu hết các tín đồ của đạo đều tham gia vào cuộc kháng chiến, trong đó có Nguyễn Trung Trực - người đốt cháy tàu chiến "Hy vọng" của Pháp trên sông Nhật Tảo, Trần Văn Thành - tức đức Cố quản, người lãnh đạo khởi nghĩa tại vùng Láng Linh - Bảy Thưa ở An Giang…

Tứ Ân Hiếu Nghĩa hay đạo Lành là đạo mạch tiếp nối của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tại Thất Sơn. Người sáng lập tên thật là Ngô Viện, húy là Lợi, sinh năm 1831 tại Bến Tre. Thầy Ngô Lợi tự học kinh sách và năm 20 tuổi đã viết Bà La Ni kinh, rồi lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa năm 36 tuổi (1876), tự xưng là đức Bổn sư. Thầy Ngô Lợi đưa các tín đồ tới vùng An Lộc, An Giang dựng chùa rồi vào vùng Thất Sơn khai hoang lập trại ruộng. Tứ Ân Hiếu Nghĩa thờ trần điều, thờ Phật, Sơn thần và trăm quan cựu thần liệt sĩ. Pháp môn tu hành của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là: Trì niệm theo Thiền tông; xử sự theo Nho giáo; Luyện tinh, khí, thần theo Lão giáo; ấn quyết, thần chú theo Mật tông.

Về giáo lý thì như Bửu Sơn Kỳ Hương, lấy Tứ đại ân làm trọng, không ăn chay trường và cũng hạn chế sát sanh. Từ năm 1881 trở đi, thực dân Pháp nhiều lần đem quân đàn áp, triệt đạo, đốt chùa, bắt nhiều tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đày ải. Năm 1888, thầy Ngô Lợi bị bắt nhưng trốn thoát nhờ sự che chở của dân chúng và viên tịch tại núi Tượng 2 năm sau đó. Sau hơn 140 năm hình thành và phát triển, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có khoảng 80.000 tín đồ, sống rải rác ở nhiều tỉnh, thành Nam Bộ.

Còn nhiều, rất nhiều giai thoại về những "ông đạo" nổi tiếng ở Thất Sơn như Đơn Hùng Tín (Luông Tín) luyện thành công phu "đao thương bất nhập"; Lê Văn Mưu lập ra đạo ông Trần ở Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu); hai đại đệ tử của Phật thầy Tây An là Tăng Chủ và Đình Tây, có thể bắt cá sấu thành tinh, hàng phục cọp dữ. Hay đạo sĩ Bảy Do luyện võ ở núi Cấm, lập Nam Cực đường, thu phục dân chúng mưu đồ đánh Pháp. Năm 1917, bị Pháp bắt giam tại khám Lớn Sài Gòn, rồi bị đày ra Côn Đảo, ông đã cắn lưỡi tử tiết vào năm 1926, khi mới 45 tuổi


Hàn Phong 

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét