30 thg 8, 2016

Cuộc hồi hương của chiếc xe cổ vật

Chiếc xe kéo của Hoàng Thái Hậu Từ Minh, mẹ của vua Thành Thái (1889 - 1907) đã được Việt Nam đấu giá thành công và đưa về trưng bày ở Cung Diên Thọ (Khu di tích Đại Nội Huế) phục vụ du khách tham quan sau 108 năm lưu lạc trên đất Pháp.

Chiếc xe do vua Thành Thái – một vị vua yêu nước mua tặng cho mẹ mình là Hoàng Thái Hậu Từ Minh. Sau khi vua Thành Thái bị thực dân Pháp truất ngôi và đưa đi an trí tại Vũng Tàu, một số đồ ngự dụng của ông đã được đem đi bán hay cầm cố. Ngày 18/10/1907, chiếc long sàng và chiếc xe kéo của Hoàng Thái Hậu đã được bán cho ông Prosper Jourdan (viên thanh tra phụ trách đội bảo vệ bản xứ của hoàng đế) với giá 400 đồng. Khi về nước Pháp, ông Prosper Jourdan đã đưa những báu vật này về cùng và lưu giữ trong gia đình. Kể từ đó đến trước sự kiện đấu giá được tổ chức vào ngày 13/6/2014 tại Pháp, cổ vật này dường như bị quên lãng và không được ai nhắc tới.

Hiện nay, chiếc xe kéo của Hoàng Thái Hậu Từ Minh đang được trưng bày tại Không gian tiếp khách của Hoàng Thái Hậu tại nhà Tả Trà, cung Diên Thọ (thuộc di tích Đại Nội Huế). Kể từ khi chiếc xe được trưng bày đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn lượt khách du lịch ở cả trong nước và quốc tế đến thăm quan, chiêm ngưỡng. Du khách đến đây không chỉ đơn thuần muốn được tận mắt chứng kiến một cổ vật quý của Việt Nam, mà còn muốn được cảm nhận niềm vui, ý nghĩa và giá trị của một cổ vật Việt lần đầu tiên được hồi hương sau hơn một thế kỷ bị lưu lạc.

Không gian tiếp khách của Hoàng Thái Hậu triều Nguyễn tại nhà Tả Trà, cung Diên Thọ.

Ấn tượng Phú Yên

Gần 400 du khách đến từ 18 quốc gia và 33 tỉnh, thành trong nước đã có dịp thăm thú những thắng cảnh như Ghềnh Đá Đĩa, Nhà thờ Mằng Lăng, Vịnh Vũng Rô, khám phá cuộc sống của đồng bào Ê-đê và thưởng thức ẩm thực địa phương trong Tuần lễ Giao lưu hữu nghị quốc tế diễn tại Phú Yên. 

Sự kiện do UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, Viện Nghiên cứu Năng lượng vũ trụ với sức khỏe con người (HUESA) và Câu lạc bộ Giao lưu kinh tế - Văn hóa quốc tế tổ chức.

Tuần lễ Giao lưu hữu nghị quốc tế cũng là dịp để tỉnh Phú Yên giới thiệu đến các bạn bè trong nước và quốc tế về những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa độc đáo và đa dạng của vùng đất duyên hải Miền Trung. Trong những ngày ở lại với Phú Yên, du khách có dịp đi tham quan Bảo tàng tỉnh (Tp. Tuy Hòa), Nhà thờ Mằng Lăng (huyện Tuy An), Ghềnh Đá Đĩa (huyện Tuy An), Vịnh Vũng Rô (huyện Đông Hòa), Bãi Xép (huyện Tuy An),… để khám phá những cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây.

Du khách tham quan bãi Xép, một trong những bãi biển đẹp của tỉnh Phú Yên.

Nghề nuôi thủy sản ở Phước An

Vùng nước lợ trên dòng sông Đồng Kho (một nhánh của sông Đồng Nai) thuộc xã Phước An (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) từ lâu vốn đã là môi trường vô cùng thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, Phước An còn được biết đến với nghề nuôi hàu với hàng trăm bè nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Theo ông Phạm Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An thì địa phương có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản vì không chỉ người dân nơi đây mà người dân từ các địa phương khác cũng về đây lập nghiệp với nghề này.

Nghề nuôi hàu đã được dân chuyên nuôi trồng thủy sản ở Phước An biết đến gần chục năm nay. Lúc đầu, số người nuôi chưa nhiều nên người dân phải chở hàu sau khi thu hoạch đi hàng chục km lên tận vùng Long Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mới tìm được đại lý tiêu thụ. Phần lớn người dân Phước An lúc này chủ yếu nuôi tôm công nghiệp, hoặc nuôi tôm thâm canh; nhiều hộ nuôi cua, cá chẽm… Tuy nhiên, trong vòng hai năm trở lại đây nghề nuôi hàu đang phát triển một cách nhanh chóng khi rất nhiều người dân đã chuyển sang nuôi hàu. Việc thu mua theo đó cũng trở nên thuận tiện cho người dân khi thương lái đã tìm về tận bè để thu mua hàu.

Về miền đất mũi bắt cá thòi lòi

Một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi khi về Cà Mau là chuyến đi bắt và thưởng thức một loài cá kì lạ từ cái tên đến hình dáng, đặc tính của nó: cá thòi lòi. 

Theo nhận xét của anh Ngô Tường Lợi, chủ một vuông tôm (đầm) ở xã Viễn An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau thì loài cá này rất “hay” vì trườn trên nước được, bò nhanh trên mặt đất được, lặn được và thậm chí là cả leo cây. Loài cá này có thể sống cả trên cạn, dưới nước nhờ hệ thống hô hấp bằng cả phổi và mang. Cá thòi lòi cũng tỏ ra kì quái so với các loài cá khác bên cạnh môi trường sống khi có hai con mắt to mọc trên đỉnh đầu, lại lồi hẳn ra. Dù mang nhiều vẻ lạ lùng nhưng các món ăn chế biến từ thòi lòi thì lại cực ngon, nhất là món nướng muối ớt, một món ăn rất gần gũi trong bữa cơm của người dân miền Tây sông nước. 

Chiêm ngưỡng cây đa hơn 500 tuổi ở Nghệ An

Tồn tại hàng trăm năm với dáng hình kỳ vỹ, cây đa Mỹ Thịnh được người dân xóm Hòa Phú, xã Hiến Sơn (Đô Lương) xem là niềm tự hào và là biểu tượng cho sức sống bền bỉ của làng.

Theo gia phả của họ Nguyễn Quang – một dòng họ lớn trong làng, thì cây đa Mỹ Thịnh có từ thế kỷ XVI, tính đến nay đã hơn nửa thiên niên kỷ. Hiện đa vẫn còn xanh tốt, tọa lạc ở ngã ba làng.

Trong kháng chiến, khu vực cây đa là nơi đóng quân, huấn luyện chính trị của bộ đội, nơi đặt các kho quân trang. quân dụng, nơi sản xuất thuốc súng của quân khu IV, là nơi đưa tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, cũng là nơi làm lễ truy điệu cho hơn 20 người trong số đó đã hi sinh vì Tổ quốc.

Các cụ cao niên cho biết: Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931) và cách mạng Tháng Tám, cây đa là nơi người dân địa phương tập trung đi mít tinh, biểu tình, hội họp, và cướp chính quyền. Đây cũng là nơi một số người hoạt động cách mạng bị quân giặc tra tấn. 

Nhớ chợ Đầm Quy Nhơn

Rồi mỗi đứa trẻ sẽ lớn, đi qua những miền đất mới, đến những nơi hay ho hơn nhưng sẽ không bao giờ quên được cái chợ quê mình.


Ký ức của tôi về chợ Đầm là những ngày theo bà cô bên nội đi chợ từ sớm tinh mơ. Khi ấy, nhà cô kinh doanh thịt heo trong chợ. Mỗi buổi sáng, cô nhờ xe xích lô đẩy hàng tạ thịt đi bỏ mối cho các hàng bán lẻ. Tôi lúc ấy chỉ tầm dưới 7 tuổi, nhà bên cô thương nên hay dẫn đi cùng để xuống chợ mua cho quần áo, ăn hàng vặt.