Xong việc ở Trạm Biên phòng, chúng tôi về nghỉ ở dinh thự của vua Mèo xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn, Hà Giang) và ăn Tết với con cháu cụ Vương. Sớm 27 tháng Chạp thiếu, tôi lên đường về Hà Nội. Trời ướt sũng sương. Con đường đá không tên gồ gề toàn ổ trâu, ổ voi chen đá hộc trơn nhẫy từ Sà Phìn đi Đồng Văn. Già nửa buổi sáng chúng tôi mới tới Mã Pí Lèng trên đất Mèo Vạc. Bất chợt trời hứng chí hửng lên le lói nắng. Đây là một cơ hội hiếm có vào mùa này. Cụ Vương bảo tài Dự dừng xe ''cho tụi nó xem sông Nho Quế''. Tôi và Lê Vui - chuyên viên Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc nhảy khỏi xe, lom khom ra mép vực nhòm xuống sông. Một vệt ngoằn nghèo phản chiếu từ mặt nước hơi ánh lên như dải lụa xanh lơ ai đó vô tình đánh rơi giữa hai vách núi thăm thẳm vẫn còn đang mờ sương.
Khi đã yên vị trên xe, cụ Vương bảo: ''Cái mỏm này gọi là Mã Pí Lèng nhưng dân Mông chúng tôi từ xưa tới nay vẫn gọi là Máo Pì Lèng''. Tôi và Lê Vui lại ngớ ra. Vậy ra hàng trăm bài báo, bài viết về địa danh nổi tiếng này lẽ nào sai? Tôi rón rén hỏi cụ: ''Vậy Mã Pí Lèng có nghĩa gì thưa cụ?''. Cụ thủng thẳng mà rằng: Theo tiếng Mông nó là sống mũi con ngựa. Nhưng không phải Pí mà là Pì. Song như vậy vẫn sai. Tên của nó chính xác là Máo Pì Lèng-tức sống mũi con mèo.