Cái ông nhà văn Nam
Cao đã đẻ ra một lão Chí Phèo quá nổi tiếng cùng với cái làng Vũ Đại hư
cấu nào đó có Bá Kiến, Thị Nở và cả lão Hạc... Chính vì sự nổi tiếng
của cả nhà văn và các nhân vật này mà Sở Du lịch tỉnh Hà Nam đã làm dự
án thành lập khu du lịch với kinh phí tới 30 tỉ đồng để “phục chế” cái
làng quê nơi sinh thời Nam Cao đã sống...
Làng Vũ Đại ở đâu?
Chính
cái ý tưởng lý thú của dự án này khiến chúng tôi phải hành hương về
thăm làng Vũ Đại. Đã có hai bộ phim nói về cái làng này (một là phim
truyện Làng Vũ Đại ngày ấy và một là phim tư liệu Làng Vũ Đại ngày nay)
khiến nó càng nổi tiếng hơn.
Nam
Cao tên thật là Trần Hữu Trí (1917-1951), thuộc thế hệ văn học tiền
chiến nhưng mất rất sớm trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống
Pháp.
Tác
phẩm quan trọng của ông hầu hết được viết trước chiến tranh, với đề
tài những khổ đau của dân quê và những hủ tục của một thời mà con người
nghèo nàn chỉ biết bám víu vào những hư vị hão trong thôn làng.
Nhưng
chúng tôi vừa đi vừa phải hỏi đường, bởi vì chẳng có người dân nào biết
cái làng Vũ Đại của Nam Cao nằm ở đâu. Thật ra cả tỉnh Hà Nam chẳng có
cái làng nào tên Vũ Đại. Còn cái làng quê Đại Hoàng, nơi chôn nhau cắt
rốn của Nam Cao (và cũng là nơi có những nguyên mẫu cho các nhân vật của
ông) ngày xưa, bây giờ đã mất tên.
Sau kháng chiến chống Pháp,
nó được đổi tên là làng Nhân Hậu, rồi được sáp nhập với hai làng khác để
thành xã Hòa Hậu của huyện Lý Nhân ngày nay. Tuy thuộc tỉnh Hà Nam
nhưng nó chỉ cách thành phố Nam Định hơn 10km với phân nửa đường đi vào
gập ghềnh đầy ổ voi do mấy ông thần xe tải lui tới chở vật liệu đổ mặt
bằng một khu công nghiệp.
Làng của Nam Cao bây giờ có đường nhựa
dẫn vào, xanh mát bóng những hàng cây và ao hồ nằm dọc dòng Châu Giang
thơ mộng. Tơ tằm được phơi đầy các ngõ ì xèo tiếng máy dệt.
Bí
thư xã Hòa Hậu, anh Trần Ngọc Nghiêm, tình nguyện làm “hướng dẫn viên du
lịch” không công cho chúng tôi để đi thăm lại “những vết tích xưa”.
Cái
“lò gạch cũ”, nơi xuất thân của lão Chí Phèo, bây giờ không còn nữa,
cái nền xưa của nó bây giờ là một cái hố nông choèn mà người dân làng
dùng để ủ vôi nằm khuất dưới những tàn tre sát bờ sông Châu.
Bá
Kiến có nguyên mẫu là Bá Bính hay còn gọi là Chánh Bính. Cơ ngơi hàm hố
của tay bá hộ này không còn gì (do bị chia năm xẻ bảy cho ba người con
trai của ông ta và chia lại cho nông dân sau cách mạng) ngoài gian nhà
thờ có niên đại 200 năm (dài 4m, ngang 7,5m với những kèo cột gỗ lim rất
có giá trị, nằm giữa một khu vườn rộng khoảng 1ha).
Nó được xây
theo kiểu nhà “bức bàn” ba gian với ngói vảy cá, các đầu kèo được chạm
trổ tinh vi. Chị Trần Thị Hoa, một cán bộ làm việc ở UBND xã, cho biết
ông nội của chị mua lại căn nhà này từ tay con trai cả của Bá Bính. Ông
Bá Bính này không hề bị anh nông dân say rượu nào đâm chết cả mà ông
chết vì bệnh sau khi di tản tới một làng khác để sống vì lý do chiến
tranh. Cũng giống như lão Hạc thật, không chết vì bả chó như nhân vật
lão Hạc mà Nam Cao miêu tả dù hoàn cảnh của hai lão Hạc này rất giống
nhau!
Cụ Trần Hữu Đạt, 83 tuổi, em trai ruột của Nam Cao, hiện
vẫn đang sống tại mảnh đất của bố mẹ mình, cho chúng tôi biết người chết
vì bả chó thật chính là nguyên mẫu mà Nam Cao dùng để xây dựng nhân vật
bố chồng của dì Hảo trong truyện ngắn cùng tên.

Cụ Đạt và con dâu cùng cháu nội trai của Nam Cao
Truyện và đời
Câu
chuyện mà người dân Hòa Hậu kể lại cho chúng tôi nghe, chung quanh cái
tên ”làng Vũ Đại”, có một chút gì huyền bí. Dường như có một thứ định
mệnh gì đó được tạo ra từ sự giao thoa giữa sáng tác hư cấu và chuyện
thật của cuộc đời. May mắn thay, lần này về quê của Nam Cao, khi thắp
nhang trước mộ ông, chúng tôi được gặp cô con dâu thứ và đứa cháu nội
trai của ông.
Họ cho biết có một cái làng thật tên Vũ Đại nhưng
nó không ở Hà Nam mà thuộc tỉnh Ninh Bình... Không biết tại sao Nam Cao
lại chọn nơi đây làm địa bàn hoạt động cách mạng, để rồi chính trên cánh
đồng của làng có cái tên gắn liền với “sự nghiệp” nổi tiếng của Chí
Phèo và Thị Nở này, liệt sĩ Nam Cao đã bị Tây giết và vùi xác tập thể
cùng một số chiến hữu khác của ông.
Định mệnh hay ngẫu nhiên?
Hoặc một trò chơi khăm lẫn nhau giữa nghệ thuật và cuộc đời? Năm 1998,
các con cháu của Nam Cao phải nhờ bói toán, nhập đồng, nhà ngoại cảm và
cả khoa học hình sự mới tìm được hài cốt của ông mà đem về Hòa Hậu chôn
cất.
Làng Vũ Đại nào mới đúng như trong tác phẩm của Nam Cao đây?
Theo
cụ Đạt, đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên của số phận Nam Cao, chứ cái
làng Vũ Đại thật ấy chẳng có dính líu gì đến anh Chí Phèo và Thị Nở, bởi
tất cả những nhân vật của Nam Cao được xây dựng từ những nguyên mẫu,
người thật việc thật của làng Đại Hoàng. Cụ Đạt nhớ rằng ngày ông còn
nhỏ, ở đây có một người tên Chí Phèo (bí thư Nghiêm thì nói người đó tên
là Tí Tèo) có tính cách giống như Chí Phèo của Nam Cao.
Còn
nguyên mẫu thật của lão Hạc có tên là trùm Ruyên, một người Công giáo mộ
đạo. Oái oăm thay cái sự đời, sau hơn nửa thế kỷ khi truyện ngắn Lão
Hạc được viết ra, nấm mộ của Nam Cao bây giờ và ngôi nhà tưởng niệm ông
lại được xây trên chính mảnh vườn của trùm Ruyên - lão Hạc!
Chưa
hết, khi vào sống trong ngôi nhà của Bá Kiến - Bá Bính, gia đình chị
Hoa luôn gặp rắc rối mà theo lời dân làng, cũng chính cái tác phẩm của
ông Nam Cao là “tác nhân”. Ngay tại ngôi nhà ấy bố chị Hoa đã treo cổ tự
sát. Chồng chị Hoa bỏ đi biệt tích, đứa con gái duy nhất của chị lìa
đời khi đang học lớp 11 vì bị ung thư. Bây giờ chỉ còn chị và người mẹ
già quây quần sớm tối với nhau trong căn nhà quá ư nổi tiếng ấy!
Dự án tái tạo

Lò gạch ở Hòa Hậu hiện nay
Chị
Trần Thị Khuyên, người con dâu thứ hai của Nam Cao, hiện đang sống tại
Nam Định, cho chúng tôi biết ngôi mộ của Nam Cao được xây với số tiền
hơn 70 triệu đồng, trong đó Nhà nước cấp 27 triệu. Còn ngôi nhà tưởng
niệm thì được xây với kinh phí 500 triệu đồng (theo chỉ đạo của Phó thủ
tướng Phạm Gia Khiêm khi ông về đây thắp hương trước mộ Nam Cao).
Hiện
người ta đang bỏ ra khoảng 100 triệu đồng nữa để xây bờ kè trước ngôi
nhà tưởng niệm. Chúng tôi nhìn vào bên trong ngôi nhà vừa mới xây xong,
chưa có gì trong đó.
Nếu dự án du lịch “làng Vũ Đại” trị giá 30
tỉ đồng của ngành du lịch Hà Nam trở thành hiện thực thì sao nhỉ? Làng
Nhân Hậu sẽ được đổi tên là làng Vũ Đại? Cái ”lò gạch cũ” sẽ được dựng
lại, ngôi nhà Bá Bính sẽ được trùng tu? Hướng dẫn viên nào sẽ đóng vai
Chí Phèo và Thị Nở cho thật đạt? Lại còn bát cháo hành nữa chứ, cũng
phải xây một cái bếp để mà nấu... Du khách có kéo về hàng loạt để tham
quan không?
Hiện giờ thì cả chính quyền và người dân xã Hòa Hậu
chẳng biết tí ti gì về dự án này. Nó vẫn còn trên giấy với những ý tưởng
còn đang nhảy múa trong sự hưng phấn đột biến của các anh du lịch,
trong khi cả xã Hòa Hậu đang cần kinh phí chỉ vài ba tỉ đồng để củng cố
lại làng nghề dệt truyền thống của họ mà chưa có.
Tôi về thăm Hòa Hậu vào tháng 9/2012, hơn 8 năm sau bài viết này trên báo Tuổi trẻ. Con ngõ vào nhà "Bá Kiến" có một tấm bảng chỉ đường, chữ nghĩa đã long, rơi rớt.


Cây nhãn cổ thụ ở đầu ngõ vào nhà "Bá Kiến"
Nhà Bá Kiến là đây, nhưng ảnh chỉ được chụp qua hàng rào, không vào được.
Những
người phụ nữ này nói với chúng tôi rằng: Chả có gì trong đó cả! Nhà
nước mua lại nhà, dọn đồ đi sạch rồi. Có mấy chú đo đất sống trong đó,
nhưng hôm nay đi ăn cưới rồi, chiều tối mới về
"Hướng dẫn viên du lịch" cho chúng tôi là thế đấy! Và quanh quẩn mãi cũng chỉ chụp được từ bên ngoài như thế này thôi!
Cũng theo lời những người hàng xóm của Bá Kiến ấy, đây là nhà bà Ba (vợ thứ ba của Bá Kiến)
Đây là nhà bà Tư
Tiếp tục đi, chúng tôi đến Khu lưu niệm nhà văn Nam Cao và mộ của ông, được xây dựng trên mảnh đất ngày xưa là của nhân vật hư cấu Lão Hạc, tức đất của trùm Ruyên ở ngoài đời.
Nghe
nói rằng trông nom nhà lưu niệm này là em ruột của nhà văn, chúng tôi
mong mỏi được gặp để nghe kể về Nam Cao, cũng như tham quan những di vật
của ông. Tiếc thay, nhà đóng cửa, vắng người.
Mộ Nam Cao
Mộ Nam Cao, bên cạnh là nhà tưởng niệm

Mặt trước Nhà Tưởng niệm, cửa đóng im ỉm
Chúng tôi viếng mộ nhà văn, và tiếc nuối chia tay làng Vũ Đại.
Có một dự án du lịch văn hóa được thực hiện nửa vời....